Gần một tuần giảng dạy môn Giới và Phát triển cho Lớp Trung cấp ngành Công tác Xã hội tại Trường Chính trị tỉnh Sơn La đã để lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp cũng như nhiều suy nghĩ về nhu cầu kiến thức về Giới và Phát triển của cán bộ nữ người dân tộc thiểu số Sơn La.
Hơn 40 học viên của lớp đều là nữ, là cán bộ nguồn và cán bộ Hội Phụ nữ đến từ các bản làng xa xôi của các huyện Mai Sơn, Phù Yên, Mộc Châu, Sông Mã, Vân Hồ, Sốp Cộp, Thuận Châu, Mường La, v.v. của tỉnh Sơn La. Đa số các học viên là người Thái (Thái đen, Thái trắng), một số học viên là người Mông, người Kinh. Số ít học viên tuổi đời mười chín đôi mươi, trong khi đa số các chị em khác đã có gia đình và cũng có kinh nghiệm làm việc. Ban đầu, các vấn đề giới, nâng cao quyền năng phụ nữ còn khá xa lạ với học viên. Qua bước làm quen, trao đổi, nắm được đặc thù của lớp học tôi quyết định lựa chọn phương pháp giảng dạy gắn liền với thực hành, kết nối lý thuyết với thực tiễn. Các hình thức đóng vai, trò chơi, thảo luận nhóm, đối thoại trực tiếp được sử dụng triệt để để có thể liên hệ bài học với vấn đề giới thực tế ở địa phương, tạo cho học viên sự tự tin; giúp họ xác định vấn đề giới, tìm ra nguyên nhân bất bình đẳng giới và đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề thông qua áp dụng các kiến thức, kỹ năng được học.
Vượt qua những rụt rè, e ngại ban đầu, các học viên tích cực tham gia vào bài học, đưa ra những ví dụ thực tế rất sinh động, minh họa cho các phần trình bày của cá nhân và nhóm. Khả năng tuyên truyền của các cán bộ Hội, cán bộ địa phương khiến cho các buổi học thêm sinh động và hết sức thực tiễn. Môn học Giới và Phát triển không chỉ giúp học viên giải thích các vấn đề giới, định kiến giới ở địa phương một cách khoa học mà còn cung cấp cho học viên phương pháp lồng ghép giới, các công cụ phân tích giới như phân công lao động theo giới, tiếp cận và kiểm soát, ra quyết định, xác định nhu cầu giới.
Học viên sôi nổi thảo luận nhóm
Tôi có nhiều ấn tượng về bài kiểm tra giữa kỳ của học viên. Tuy thời gian học tập ngắn, sự tiến bộ của học viên thật đáng ghi nhận. Tôi bị cuốn hút bởi phần liên hệ thực tiễn của các em; mỗi bài làm thực sự là một câu chuyện hấp dẫn và đáng trân trọng. Cách diễn đạt của học viên hết sức hồn nhiên, thể hiện tính chân thực đáng quý của người dân vùng cao. Chia sẻ về bất bình đẳng giới ở bản Lóng Luông, huyện Vân Hồ, học viên Sồng Thị Gống chia sẻ rằng, ở quê em, con dâu không được ngồi ăn chung một mâm cơm với bố chồng hoặc các chú các bác nhà chồng; đặc biệt, không được leo trèo lên giường của bố chồng hoặc các anh của chồng. Nguyên nhân của vấn đề này, theo giải thích của Gống là do phong tục tập quán của người Mông tồn tại từ nhiều đời nay, ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân. Bài làm của em thể hiện niềm tin sắt đá rằng không có gì mà không xóa bỏ được; chỉ cần chứng minh cho gia đình, anh em thấy rằng cứ ngồi ăn cơm với nhau vài lần, không sao, không ảnh hưởng tới sức khỏe của ai, làm mẫu cho các hộ gia đình khác, họ sẽ nghe theo. Gống cũng chia sẻ rằng, tại bản Lóng Luông của em, phụ nữ còn cam chịu quá nhiều thiệt thòi; khi bữa cơm có làm thịt một con gà, bê lên thì đàn ông trong nhà ăn hết, phụ nữ ăn cơm không, trong khi phụ nữ phải làm việc nhà vất vả, thức khuya dậy sớm. Các phần trình bày, đóng góp ý kiến của Gống đều thể hiện sự quyết đoán, niềm tin mãnh liệt vào khả năng xóa bỏ định kiến giới và bất bình đẳng giới, nâng cao quyền năng phụ nữ của đồng bào dân tộc Mông tại địa phương em.
Là một cán bộ Hội phụ nữ có kinh nghiệm công tác, Lò Thị Ngân đến từ bản Thín I, xã Tường Tiến, huyện Phù Yên nhận định rằng phụ nữ địa phương còn chịu nhiều bất bình đẳng giới, thiếu công bằng; tuy nhiên, điều quan trọng là nhiều phụ nữ không biết được mình đang phải chịu cảnh bất công vì cho rằng nghĩa vụ của mình phải như vậy và cố chịu đựng. Ngân cho rằng, cần phải tuyên truyền các vấn đề bình đẳng giới tới nam giới địa phương vì họ là một phần quan trọng của vấn đề giới. Giải pháp tăng cường sự tham gia của nam giới trong tiến trình xóa bỏ định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo đà phát triển bền vững cho xã hội cũng được nhấn mạnh trong bài làm của các học viên Vì Thị Linh, Nguyễn Thị Nhật Linh, Hà Thị Đóa, Đinh Thị Viêng, Vì Thị Phượng, Mè Thị Thuận, v.v.
Môn học Giới và Phát triển đã kết thúc và để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về văn hóa và con người Sơn La. Qua lớp Trung cấp Công tác Xã hội tại Trường Chính trị tỉnh Sơn La, tôi có dịp được làm quen với đội ngũ cán bộ nguồn và cán bộ Hội phụ nữ của một số địa phương trong tỉnh, tôi tin rằng các em sẽ có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.
Trò chuyện với các học viên, tôi cũng biết thêm những nét độc đáo của văn hóa vùng cao, ví như phụ nữ người Thái đen, khi lấy chồng bắt buộc phải “Tằng cẩu” (búi tóc cao), trong khi phụ nữ Thái đen chưa chồng và phụ nữ Thái trắng thì không cần “tằng cẩu”. “Tằng cẩu” là nghi lễ bắt buộc đối với cô dâu người Thái đen trước khi về nhà chồng, là nét văn hóa đặc sắc trong hôn nhân của người Thái. Kể từ khi có chồng, mái tóc đen dài của cô gái Thái được búi ngược lên, với chiếc trâm bằng bạc xuyên búi tóc để giữ cho cẩu không bị xổ rối tung và chiếc trâm bạc xinh xắn nổi bật trên nền tóc đen óng mượt. “Tằng cẩu” ngầm định rằng cô gái đã có chồng, để các chàng trai không ngó nghiêng, tán tỉnh; “Tằng cẩu” cũng nhắc nhở người phụ nữ từ đây “nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng”. Như vậy, có thể nói “Tằng cẩu” là biểu tượng của sự chung thủy của người phụ nữ Thái. Về trang phục, trang phục của người phụ nữ Thái đơn giản nhưng rất duyên dáng và đẹp mắt. Học viên người Thái với váy đen dài, áo ôm sát người, khéo léo, kín đáo khoe phần eo và ngực của người phụ nữ. Hàng cúc bướm xinh xắn biểu hiện sự sinh sôi, nảy nở, sự trường tồn hoặc dòng sữa mẹ chảy mãi không cạn. Học viên người Mông diện váy xòe với những họa tiết đẹp mắt. Tôi thấy mình may mắn được tiếp cận với những con người nhân hậu, với nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Sơn La.
Giảng viên và các học viên của lớp (Nhóm học viên “Tằng cẩu” đứng trên)
Sau khi được học những kiến thức cơ bản về Giới và Phát triển, các học viên là cán bộ nữ mong muốn rằng trong tương lai sẽ được bồi dưỡng thêm các kiến thức về vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, các kiến thức luật pháp về bình đẳng giới như Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình và các luật có liên quan đến quyền của phụ nữ và trẻ em (ý kiến của học viên Hà Thị Bằng). Bên cạnh đó, việc bồi dưỡng kiến thức về giới cần được thực hiện tại các điểm trường, bản làng xa xôi để người dân có cơ hội nâng cao năng lực bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, tiến tới bình đẳng giới thực chất trong xã hội (ý kiến của học viên Vì Thị Linh). Hội LHPN Việt Nam cần lồng ghép các kiến thức giới vào các phong trào của Hội và của các cơ quan đoàn thể khác để vấn đề giới trở nên gần gũi và dễ tiếp cận hơn với người dân (ý kiến của học viên Mè Thị Thuận). Là Phó chủ tịch Hội LHPN xã Huy Tường, Huyện Phù Yên, học viên Đinh Thị Viêng chia sẻ rằng, em thực sự mong muốn được bồi dưỡng chuyên sâu các kiến thức về giới, đặc biệt là các kiến thức về bình đẳng giới và bạo lực giới để có thể vận dụng vào chính cuộc sống của gia đình bản thân và sử dụng để tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ và cộng đồng thực hiện bình đẳng giới một cách hiệu quả.
Môn học Giới và Phát triển đã kết thúc, đa số học viên tranh thủ ngày nghỉ giữa hai môn học về nhà trồng ngô với chồng. Theo tâm sự của học viên, đợt nắng nóng vừa rồi ngô trồng 2-3 lần vẫn không được, đợt này có mưa, các em về thực hiện phân công lao động theo giới; như em Linh lớp trưởng tranh thủ ngày nghỉ, về nhà trồng được 10kg ngô giống. Cuộc sống ở bản làng xa xôi còn nhiều vất vả, tuy nhiên các em được sự động viên, hỗ trợ của gia đình, cơ quan đi học, thực hiện nâng cao quyền năng giáo dục, tiến tới thúc đẩy quyền năng kinh tế, chính trị, xã hội. Đa số các em học xa nhà, cách trường hàng trăm cây số. Có em cách trường gần 200 cây số, với hàng chục cây số đường đất, đi lại rất khó khăn.
Khó khăn là thế nhưng niềm say mê và quyết tâm học tập của các em luôn cháy bỏng. Mong rằng các em học tập tiến bộ, sau khi tốt nghiệp đem kiến thức về xây dựng bản làng, quê hương mình ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp.