– Xin bà cho biết bình đẳng giới ở Việt Nam đã có những thay đổi như thế nào trong những năm gần đây?
– Những năm gần đây, vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam ngày càng được quan tâm hơn mà thay đổi đáng ghi nhận nhất là nhận thức của người dân có phần được cải thiện, định kiến giới có phần bớt nặng nề hơn. Cùng với sự phát triển của xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã thoát khỏi những ràng buộc khắt khe, phong kiến của xã hội xưa. Phụ nữ không chỉ là người phụ nữ của gia đình mà còn là người của xã hội với trách nhiệm và nghĩa vụ công dân. Quan niệm về vẻ đẹp, về đức tính của người phụ nữ cũng thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại. Định kiến về người phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà, phục vụ gia đình chưa hẳn đã biến mất hoàn toàn; tuy nhiên, hình ảnh người phụ nữ năng động, tự tin thực hiện vai trò, trách nhiệm của mình với xã hội, cộng đồng chứng minh rằng phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình.
– Theo bà, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến bất bình đẳng giới vẫn có “đất sống” mặc dù ngày nay, vai trò và vị thế của phụ nữ Việt Nam đã được nâng cao?
– Bất bình đẳng có thể xuất hiện ở mọi mặt của cuộc sống và không chỉ ở Việt Nam, bất bình đẳng mới xuất hiện. Có mấy nguyên nhân sau khiến bất bình đẳng giới vẫn tồn tại, mặc dù vai trò, vị thế của phụ nữ Việt Nam đã được nâng cao.
Thứ nhất là do định kiến giới tồn tại lâu đời, ăn sâu, bám rễ trong tiềm thức người dân. Đó là một hình thức phân biệt đối xử mang tính lịch sử. Mặc dù các định kiến giới có thay đổi, do xã hội phát triển và do sự tiến bộ trong nhận thức của người dân, nhưng quan điểm ‘trọng nam, khinh nữ’, ‘nam trưởng, nữ phó’ vẫn tồn tại, ảnh hưởng tới sự phát triển của phụ nữ.
Thứ hai, hạn chế trong nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới. Bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp cũng như thụ hưởng những thành quả phát triển của quốc gia trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Như vậy, bình đẳng giới cần được tiếp cận theo hướng công bằng, chứ không phải ưu tiên cho phụ nữ. Không ít người vẫn nghĩ rằng bình đẳng giới là dành cho phụ nữ, ưu tiên cho phụ nữ.
Thứ ba là sự tham gia hạn chế của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới. Do hạn chế trong nhận thức về bình đẳng giới, coi bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ, nên việc nam giới tham gia thúc đẩy bình đẳng giới rất hạn chế. Nam giới cũng chưa chủ động trong chia sẻ việc gia đình. Bên cạnh đó, không ít phụ nữ còn thiếu tự tin, tự chủ, chưa mạnh dạn đấu tranh hoặc chưa kêu gọi được sự chia sẻ của nam giới. Việc thúc đẩy bình đẳng giới chưa thực sự là trọng tâm ưu tiên ở một số địa phương, còn xem là công việc ‘lồng ghép’ hay trách nhiệm của Hội Phụ nữ.
– Vấn đề kinh tế gia đình cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng trong gia đình. Ở những gia đình mà người phụ nữ còn lệ thuộc kinh tế thì bất bình đẳng càng cao, nhưng vẫn có nhiều trường hợp phụ nữ tuy có vai trò đáng kể trong đóng góp kinh tế gia đình mà vẫn tồn tại bất bình đẳng? Vì sao vậy, thưa bà?
– Người Việt ta có câu ‘có thực mới vực được đạo’, hàm ý là không có ăn thì đừng mong làm những chuyện xa xôi, to tát. Từ năm 1980, một nhà xã hội học tên là Bunch đã nhấn mạnh rằng, đem phong trào nữ quyền đến với phụ nữ đang không có cơm ăn, áo mặc, nhà ở là nói suông. Nghèo đói, phụ thuộc về kinh tế là những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng; chính vì vậy trao quyền kinh tế được xem là giải pháp giúp phụ nữ thoát khỏi vị trí phụ thuộc. Nhiều nhà nữ quyền đã kêu gọi rằng, để giải quyết vấn đề bất bình đẳng, phụ nữ cần phải lao động, phải đấu tranh.
Trên thực tế, nhiều phụ nữ có đóng góp đáng kể trong kinh tế gia đình vẫn chịu bất bình đẳng giới. Có thể có một số nguyên nhân như định kiến giới, dán nhãn cho các ông chồng khiến họ cảm thấy thua kém vợ trong việc kiếm tiền, chịu áp lực với vai trò ‘trụ cột gia đình’ mà xã hội mong đợi; do vợ chồng thiếu tôn trọng nhau; do chồng là người gia trưởng, vũ phu;…
Điều quan trọng là khó khăn kinh tế không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới bất bình đẳng giới. Để giải quyết bất bình đẳng giới cần đáp ứng được nhu cầu giới chiến lược, chứ không chỉ là việc thúc đẩy tăng thu nhập.
– Phải chăng việc thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam còn đang “gặp khó” ngay từ trong mỗi gia đình nhỏ, khi mà phần lớn các ông chồng thường không có ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ trong gia đình một cách công bằng?
– Tôi muốn nhấn mạnh rằng thúc đẩy bình đẳng giới là trách nhiệm của cả phụ nữ và nam giới chứ không phải của riêng phụ nữ. Vì vậy, nam giới cần có ý thức thực hiện quyền và nghĩa vụ trong gia đình, vì sự tiến bộ của cả hai giới. Nam giới là tác nhân quan trọng trong cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bởi vậy nam giới cần trở thành những người tiên phong xóa bỏ mọi phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái.
Ngày 19-10-2017, Tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) công bố báo cáo nghiên cứu “Công việc chăm sóc không lương – San sẻ là yêu thương” cho thấy, hiện nay phụ nữ vẫn dành thời gian cho các công việc không lương như nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… nhiều hơn nam giới, cũng như dành nhiều thời gian hơn cho các công việc tính vào GDP không được trả lương. Do đó, phụ nữ có ít thời gian cho những công việc có lương hoặc nghỉ ngơi. Hội thảo cũng kêu gọi nam giới không nề hà việc chia sẻ việc nhà với phụ nữ để phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội.
– Bà nghĩ sao về ý kiến cho rằng hiện đang có rất nhiều khuôn mẫu đã “nhốt” người phụ nữ Việt vào như “thiên chức”, “tứ đức”, “hai giỏi”, “đức hy sinh”, chính những khuôn mẫu này là sự thể hiện một mặt của bất bình đẳng giới?
– Như tôi đã nói ở trên, với sự phát triển của xã hội và tiến bộ trong nhận thức của người dân, các định kiến giới đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, phụ nữ Việt Nam vẫn chịu sự trói buộc của những phân biệt đối xử mang tính lịch sử. Bên cạnh đó, các khuôn mẫu như ‘thiên chức’, ‘tứ đức’, ‘hai giỏi’, ‘đức hy sinh’ vô hình trung đã tạo ra áp lực cho người phụ nữ. Bên cạnh đó, truyền thông cũng khiến phụ nữ phải gồng mình lên để thực hiện các vai trò, cố gắng làm tròn bổn phận như xã hội kỳ vọng. Tôi cho rằng, cần rà soát, loại bỏ những thông điệp truyền thông, những câu nói mang tính định kiến, khuôn mẫu; đảm bảo truyền thông có nhạy cảm giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.
– Dường như chính bản thân người phụ nữ Việt cũng chưa hiểu đúng về bình đẳng giới, về nữ quyền, phải không thưa bà? Vậy cần phải làm gì để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho mọi người, và cho chính phụ nữ Việt?
– Tôi cho rằng, không chỉ nhiều phụ nữ, mà nhiều nam giới cũng chưa hiểu đúng về bình đẳng giới, về nữ quyền. Quyền bình đẳng là quyền của tất cả mọi người trong xã hội, phụ nữ, nam giới đều có các quyền con người như nhau. Vì vậy chúng ta không nên gắn bình đẳng giới với nữ quyền để tránh quan điểm sai lầm cho rằng bình đẳng giới chỉ là ưu tiên cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ. Chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận – Tiếp cận bình đẳng giới từ góc độ phát triển bền vững, lấy con người làm trọng tâm, để ‘không ai bị bỏ lại phía sau’, như đúng tinh thần của ‘Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững’.
Để nâng cao nhận thức giới một cách hiệu quả, người đứng đầu gia đình, người đứng đầu cơ quan tổ chức (thường là nam giới) cần có cam kết thúc đẩy bình đẳng giới vì sự phát triển chung. Nếu chỉ nâng cao nhận thức giới không chưa đủ, cần khuyến khích nam giới tham gia vào các hoạt động hỗ trợ, trao quyền cho phụ nữ và các đối tượng yếu thế.
– Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!