PV Thanh Thúy: Xin được cảm ơn TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đến tham dự chương trình ngày hôm nay. Cho phép tôi được hỏi câu hỏi đầu tiên, chị nghĩ như thế nào về bản lĩnh của người phụ nữ ?
TS. Dương Kim Anh: Cám ơn câu hỏi rất hay của Thanh Thúy. Chúng ta hay nhắc đến từ “bản lĩnh” nhưng chắc ít khi dừng lại để suy ngẫm xem “bản lĩnh” thực chất là gì?
Bản lĩnh là từ chỉ tính cách, thể hiện tính cách của người có năng lực và tự tin, dám chịu trách nhiệm, không lùi bước trước những khó khăn, trở ngại. Bản lĩnh liên quan đến năng lực, đến niềm tin và nghị lực sống; dám nghĩ, dám làm.
Phụ nữ hay nam giới đều có thể có bản lĩnh. Như vậy, “bản lĩnh” là một từ mang tính “trung tính giới”.
Bản lĩnh của người phụ nữ là tính cách, sự thể hiện tính cách của người phụ nữ có năng lực, tự tin, dám chịu trách nhiệm, và không lùi bước trước những khó khăn, thách thức trong cuộc sống
Con người có bản lĩnh ở các mức độ khác nhau, từ thấp tới cao.
PV: Theo chị, qua thời gian, bản lĩnh của người phụ nữ thời nay có khác xưa nhiều hay không?
TS. Dương Kim Anh: Phụ nữ nay hay phụ nữ xưa đếu có những người có bản lĩnh. Bà Triệu, bà Trưng là những người có bản lĩnh phi thường, hiếm nam giới nào sánh kịp.
Có thể nói phụ nữ hiện đại có nhiều bản lĩnh thay đổi so với truyền thống. Quan điểm giới truyền thống là “nam ngoại, nữ nội” tức là xã hội kỳ vọng rằng “nam giới là người ra ngoài kiếm tiến, phụ nữ là người của gia đình, phục vụ gia đình” thể hiện sự phụ thuộc, yếu thế của người phụ nữ. Tục ngữ có câu “đàn bà quanh quẩn xó bếp”. Phụ nữ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.
Trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước, phụ nữ tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội.
Bối cảnh phát triển mở ra cho phụ nữ thời nay nhiều cơ hội để có thể phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình.
Người phụ nữ bản lĩnh trong xã hội ngày nay là người cầu tiến, sẵn sàng học hỏi và kiên trì, suy nghĩ đột phá, tạo bàn đạp thúc đẩy phát triển bản thân. Họ luôn chủ động, biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình; biết xác định các cơ hội, thách thức; biết mưu cầu cuộc sống hạnh phúc mà không cần phụ thuộc vào người khác. Họ có sự độc lập tương tối và “dám dấn thân”.
Tôi rất thích hình ảnh người phụ nữ bản lĩnh trong cuốc sách “Dấn thân” của Sheryl Sandberg. Thông điệp mà sách này muốn gửi đến độc giả là “Phụ nữ phải biết dấn thân, phải đấu tranh với chính bản thân mình để phát triển”.
Để xã hội phát triển, mỗi phụ nữ cũng như nam giới hãy vươn lên phát triển tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình; tránh lối tư duy và tinh thần yên vị hoặc quan điểm cho rằng chỉ nam giới mới nên “dấn thân”.
Quyền lực của người phụ nữ không phải là tham vọng tìm kiếm những đặc lợi của quyền lực cứng, mà là sự nỗ lực tạo quyền năng cho bản thân dựa vào nội lực và giá trị cốt lõi của mỗi cá nhân và từ đó lan tỏa ảnh hưởng tới những người xung quanh.
PV: Và trong cuộc sống của chúng ta đã bắt gặp ở đâu đó rất nhiều người phụ nữ bản lĩnh,vậy các chị cảm phục điều gì ở những con người như vậy ?
TS. Dương Kim Anh: Như tôi chia sẻ, tôi cho rằng phụ nữ bản lĩnh là người phụ nữ có năng lực, tự tin, dám chịu trách nhiệm, và không lùi bước trước những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Tôi cảm phục ở họ niềm tin và nghị lực sống. Theo tôi, đây là hành trang quan trọng giúp người phụ nữ tự tin trong cuộc sống. Cùng với năng lực và sự kiên trì, quyết tâm, họ sẽ khẳng định được mình trong cuộc s��ng; phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của mình; thúc đẩy sự phát triển của bản thân, của xã hội và của đất nước.
Với người phụ nữ bản lĩnh, họ thận trọng trong lựa chọn, kiên định thực hiện ý tưởng của mình và không dao động; tin tưởng vào lựa chọn của mình. Họ có đủ tiềm năng, sức mạnh và sự tự tin để vượt qua những thách thức trên con đường thực hiện ước mơ, nguyện vọng của mình.
PV: Được biết Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đào tạo có liên quan nhiều đến các vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới. Xin chị Kim Anh giới thiệu đôi nét về Học viện, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện. Đặc biệt là các đặc thù liên quan đến phụ nữ?
TS. Dương Kim Anh: Cám ơn Thanh Thúy.
Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập, có trụ sở chính tại 68 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Học viện có Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tại 620 Đỗ Quang Hợp, Q.9, TPHCM. Tiền thân là trường Phụ vận Trung ương, sau đó là trường Cán bộ Phụ nữ Trung Ương, được thành lập ngày 6/3/1960. Năm 2020 Học viện Phụ nữ Việt Nam kỷ niệm 60 năm truyền thống vẻ vang của nhà trường.
8 năm trước, năm 2020 Trường cán bộ Phụ nữ Trung Ương trở thành Học viện Phụ nữ Việt Nam. Lĩnh vực hoạt động cơ bản của Học viện Phụ nữ Việt Nam là: Bồi dưỡng, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Về bồi dưỡng: Học viện thực hiện nhiệm vụ chính trị là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Việt Nam các cấp, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị.
Về NCKH: Học viện thực hiện các nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn, nghiên cứu ứng dụng, các nghiên cứu phục vụ đào tạo, nghiên cứu đề xuất chính sách. Các vấn đề nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, ưu tiến các vấn đề liên quan đến phát triển con người, phát triển xã hội; các vấn đề phụ nữ, bình đẳng giới, các vấn đề phát triển.
Về đào tạo: Học viện tham gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở bậc đại học và sau đại học, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.
Hiện nay học viện đào tạo cử nhân và thạc sĩ. Về cử nhân, hàng năm học viện tuyển sinh gần 1.000 chỉ tiêu cử nhân các ngành: Giới và Phát triển, Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Quản trị DV du lịch và lữ hành, ngành Luật, và ngành Truyền thông đa phương tiện. Tiến tới sẽ đào tạo cử nhân ngành Luật kinh tế, cử nhân ngành Kinh tế (bao gồm Kinh tế đầu tư và Kinh tế quốc tế. tiếp đó là ngành Công nghệ thông tin và các ngành khác theo yêu cầu của thị trường lao động.
Về thạc sĩ, Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện đào tạo thạc sĩ CTXH, thạc sĩ QTKD. Tiến tới sẽ đào tạo ThS Luật, ThS Giới và Phát triển và ThS các ngành còn lại.
Có thể nói, Học viện có đặc thù trong đào tạo các ngành có liên quan đến các vấn đề phụ nữ, giới và phát triển như ngành Giới và Phát triển, ngành CTXH. Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên và duy nhất hiện nay được phép đào tạo ngành Giới và Phát triển – hệ cử nhân, đào tạo nhân lực phục vụ phát triển con người, phát triển xã hội, phát triển bền vững. Có thể nói, ở đâu có con người, ở đó có vấn đề giới, ở đó cần sự quan tâm, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội.
Giới ở đây không chỉ có bình đẳng giới mà bao hàm các chủ thể xã hội nam, nữ, các đối tượng yếu thế, bao hàm sự phát triển con người, phát triển xã hội, phát triển cộng đồng, sự công bằng, tiến bộ, trách nhiệm xã hội, liên quan đến nhu cầu, đến khả năng tiếp cận và kiểm soát nguồn lực và nguồn lợi ích, đến phân công lao động theo giới, đến trách nhiệm hai chiều giữa con người và xã hội…
Các bạn trẻ nam nữ đang lựa chọn ngành học, trường học, vì thế, có nhiều lựa chọn khi đến với Học viện Phụ nữ Việt Nam. Các em có thể lựa chọn các ngành đặc thù, thế mạnh của Học viện như Giới và Phát triển, CTXH; các em cũng có thể lựa chọn các ngành khác như Luật, QTKD, Quản trị DV du lịch và lữ hành, và Truyền Thông đa phương tiện.
Với giá trị cốt lõi là “Đoàn kết, tận tâm, sáng tạo, hiệu quả” và Triết lý giáo dục là “Giáo dục toàn diện, chất lượng và bình đẳng”, Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn nỗ lực cung cấp cho sinh viên môi trường giáo dục tốt nhất, chất lượng giáo dục tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động.
PV: Chị Kim Anh làm ở học viện Phụ nữ Việt Nam,chắc chắn chị đã đi rất nhiều nơi và có nhiều trải nghiệm về phụ nữ ở những nơi mà chị đến, xin hỏi chị công tác giảng dạy, nghiên cứu của Học viện giúp cho chị em phụ nữ trong việc phát triển sinh kế, khởi nghiệp như thế nào?
TS. Dương Kim Anh: Vâng. Trong quá trình học tập, công tác tôi đã được gặp, được tiếp xúc với phụ nữ nhiều nước Châu Á như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Inđo-nesia, Thái Lan, Ấn Độ, Mông Cổ; phụ nữ các nước Châu Á TBD như phụ nữ New Zealand, Papua Newguinea, Samoa, Tonga. Phụ nữ các nước Châu Âu như Hà Lan, Đức, Bỉ. Phụ nữ các nước châu Phi như Ethiopia, Nam Phi, Uganda…
Nhìn chung, phụ nữ ở đâu cũng rất dễ mến. Ở phụ nữ toát lên sự nhân hậu, trách nhiệm. Chính vì vậy họ có sức hấp dẫn đặc thù giới. Tôi cũng đã gặp những người phụ nữ bản lĩnh, từ những phụ nữ đơn thân tự lập nghiệp và thành công; các nhà nữ quyền luôn đấu tranh chống lại bạo lực giới và bất bình đẳng giới; những nhà hoạt động thực tiễn nữ; những nhà khoa học nữ…
Như tôi đã chia sẻ về Học viện Phụ nữ Việt Nam. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, NCKH của Học viện liên quan đến nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống. Một trong những nội dung đặc thù ưu tiên là giảng dạy, nghiên cứu, bồi dưỡng các vấn đề về phụ nữ, công tác phụ nữ, bình đẳng giới.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh tế, khởi nghiệp là một trong những giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững. Trong chương trình đào tạo của Học viện có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề này.
Các môn học Kinh tế học về giới; Giới trong quản trị kinh doanh; Giới trong Kinh tế và Quản trị có các nội dung Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, trong đó có hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế. Kể từ năm 2019, Học viện Phụ nữ Việt Nam đưa vào Chương trình đào tạo cử nhân 1 môn học chung bắt buộc đó là “Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo” với mong muốn giúp sinh viên nam nữ có được kiến thức, kỹ năng để có thể khởi nghiệp ở mọi nơi, trong mọi ngành nghề chuyên môn, tự đứng vững để phát triển trong xã hội. Nghĩa là Học viện mong muốn ở tất cả các ngành học, ngoài sự tự chủ, tự tin, sinh viên còn phát huy được tư duy đổi mới, sáng tạo, áp dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống để phát triển bản thân và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.
Trước đây, với sự hỗ trợ của Dự án Hà Lan nâng cao năng lực phụ nữ, trong nhiều năm cuối những năm 90s đến giữa nhưng năm 2000s, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung Ương đã đào tạo hàng chục lớp “100 giám đốc nữ” cung cấp những kiến thức kinh tế cho các doanh nhân nữ, các lãnh đạo doanh nghiệp ngữ. Trung tâm tài chính Vi mô, Trung tâm đào tạo nâng cao năng lực nữ của Học viện đã tổ chức nhiều lớp ngắn hạn liên quan đến khởi nghiệp như “Trò chơi kinh doanh”; “hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, các lớp đào tạo kỹ năng mềm thiết yếu cho hoạt động KD khởi nghiệp như: Kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định; kỹ năng lãnh đạo; kỹ năng tư duy sáng tạo.
Học viện cũng đã xuất bản bộ tài liệu Khởi sự kinh doanh có lồng ghép giới bao gồm tài liệu cho Học viên và cho Giảng viên. Nội dung tài liệu xác định rõ các rào cản giới đối với phụ nữ trong kinh doanh; khác biệt giới trong kinh doanh; kỹ năng phát triển các kỹ năng kinh doanh có trách nhiệm giới như kỹ năng lập kế hoạch kinh doanh; lập kế hoạch tài chính; kỹ năng quản lý các mối quan hệ… Hàng năm, học viện tổ chức hàng chục lớp tập huấn khởi nghiệp cho phụ nữ, hưởng ứng Đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Hội LHPN Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017.
Trong các đối tượng giảng dạy, nghiên cứu KH, Học viện dành sự quan tâm hơn cho các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ đơn thân.
Về NCKH: Trong những năm qua, Học viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu liên quan đến sinh kế cho phụ nữ như chuỗi đề tài NC liên quan đến sinh kế do Hà Lan tài trợ trong khuôn khổ Dự án Hà Lan nâng cao năng lực phụ nữ như: “Nhu cầu phụ nữ tại địa bàn chuyển đồi mục đích sử dụng đất”; “Chuỗi giá trị trong làng nghề gốm truyền thống”… hay các NC về phát triển sinh kế cho phụ nữ đơn thân. Gần đây nhất là Điều tra nhận thức và dự định khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của Phụ nữ có xuất bản sách.
Đây là cuộc điều tra trên phạm vi 10 tỉnh, thành phố đại diện cho hai miền Bắc, Nam trong cả nước với phương pháp điều tra trực tiếp đến 3.417 phụ nữ trong độ tuổi lao động (từ 16 đến 55 tuổi). Cuộc điều tra được tiến hành trong 2 năm, từ tháng 2/2017 đến tháng 8/2018. Nghiên cứu chỉ ra các phát hiện thú vị:
- Tỷ lệ phụ nữ có mong muốn, dự định khởi nghiệp chiếm tới 61,9%. Trong đó, phụ nữ trong độ tuổi từ 18 đến 35 có dự định khởi nghiệp khá cao. Ở độ tuổi càng cao, dự định khởi nghiệp của phụ nữ có xu hướng càng giảm.
- Trong số phụ nữ có dự định khởi nghiệp, phần lớn phụ nữ mong muốn kinh doanh quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với hình thức đặc trưng là hộ kinh doanh cá thể (72,6%). Tỷ lệ phụ nữ muốn đầu tư vào doanh nghiệp khá khiêm tốn chiếm gần 15%. Có 11,5% tỷ lệ phụ nữ muốn thành lập trang trại.
Ngoài ra Học viện cũng đã tổ chức nhiều hội thảo lớn về khởi nghiệp, tổ chức các hoạt động cho sinh viên như “Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp Genesis”.
PV: Thưa chị Kim Anh, với những nghiên cứu của Học viện, các chị chú trọng đến mảng nào nhất? Học viện có những nghiên cứu gì liên quan đến các vấn đề bạo lực, an toàn cho phụ nữ và trẻ em?
TS. Dương Kim Anh: Học viện có Viện Nghiên cứu Phụ nữ với bề dày kinh nghiệm NCKH hàng chục năm. Tiền thân là Ban nghiên cứu của TƯ Hội LHPN Việt Nam, sau này chuyển thành Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương.
Năm 2012 đổi tên Trung tâm nghiên cứu phụ nữ thành Viện NC Phụ nữ. Kể từ đó, Học viện đã thực hiện hàng chục đề tài NCKH các cấp. Trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, phòng chống bạo lực giới là lĩnh vực nghiên cứu được học viện quan tâm ưu tiên.
Trong 5 năm vừa qua Học viện thực hiện nhiều nghiên cứu về bạo lực giới như Nghiên cứu Phòng chống QRTD tại nơi công cộng do UN Women tài trợ; các nghiên cứu về Phòng ch���ng QRTD tại nơi làm việc, cụ thể là các doanh nghiệp dệt may do Action Aid, do Care International Vietnam tài trợ……. Học viện cũng tổ chức nhiều Hội thảo, tọa đàm về phòng chống bạo lực giới, an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái…
Kết quả khảo sát của Học viện Phụ nữ Việt Nam về Phòng chống QRTD tại các doanh nghiệp dệt may cho thấy, với các ràng buộc về thương mại thông qua các Hiệp định thương mại tự do FTAs, nhiều doanh nghiệp phải cam kết không sử dụng lao động trẻ em, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, không có QRTD và bạo lực giới, tuy nhiên, nhận thức về QRTD tại nơi làm việc của người lao động còn hạn chế. Nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị bổ sung các quy định luật pháp về QRTD, QRTD tại nơi làm việc; nâng cao năng lực nhận biết và ứng phó QRTD nói riêng và bạo lực giới nói chung của người lao động. Bên cạnh đó, cần ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp trong đảm bảo môi trường làm việc an toàn, bảo vệ tốt quyền và nhân phẩm của người lao động.
Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam xuất bản định kỳ mỗi năm 4 số cũng đăng tải nhiều bài viết hay về sinh kế, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
PV: Được biết chị Kim Anh không chỉ giảng dạy, nghiên cứu về các vấn đề phụ nữ, giới và phát triển mà còn làm công việc quản lý. Ở hai vị trí này, mỗi vị trí cũng đòi hỏi bản lĩnh khác nhau đúng không chị ?
TS. Dương Kim Anh: Cám ơn lời động viên của chị Thanh Thúy. Tôi không dám nhận mình là người phụ nữ bản lĩnh vì đôi lúc tôi cũng yếu mềm. Tuy nhiên, tôi đồng tình quan điểm rằng phụ nữ phải tự tin và không ngừng học hỏi.
Tôi rất thích triết lý Học tập suốt đời (Life-long learning). Học suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi. Học từ trường, từ xã hội, từ những người xung quanh. Học qua trải nghiệm. Học từ chính thất bại của mình. Học tập để tạo sự thay đổi cho chính mình và mong muốn có sự đóng góp, dù rất nhỏ, cho xã hội. Đó cũng là lý do tôi chọn nghề giáo.
Ngoài việc giảng dạy các môn học về giới, về phát triển như Phân tích giới, Giới trong ASXH, Giới trong Chính sách công, Kinh tế học về Giới, nhiệm vụ của Giảng viên chúng tôi là thực hiện các NCKH. Hướng nghiên cứu tôi tập trung vào Bạo lực giới và các chính sách phòng chống bạo lực giới. Bạo lực giới có nhiều hình thức như Bạo lực gia đình, Buôn bán người, Quấy rối tình dục, Xâm hại tình dục, v.v. Tôi nghiên cứu sâu về vấn đề Buôn bán người ở Việt Nam và các nước Tiểu vùng Sông Mê-kong, nghiên cứu buôn bán người trong mối quan hệ với Di cư, nhìn từ góc độ giới và tiếp cận phát triển. Tôi đã thực hiện các nghiên cứu về buôn bán người ở Việt Nam, ở Nhật Bản.
Với vai trò là Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, tôi làm công tác quản lý. Có thể nói, hai vị trí này đòi hỏi các kỹ năng khác nhau nhưng có hỗ trợ cho nhau.
Là người giảng viên, chúng tôi cần bản lĩnh sư phạm. Tôi cho rằng, người giảng viên, muốn tự tin, trước hết phải tự tin và có trách nhiệm về kiến thức truyền đạt với sinh viên, học viên. Ngoài ra, cần rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng thu hút sự chú ý của người học. Chúng tôi xác định rõ việc cần thiết phải lấy người học làm trọng tâm, quan tâm đến quyền lợi của người học; giúp người học phát huy tốt nhất năng lực, khả năng của mình.
Là người làm nghiên cứu, chúng tôi cần bản lĩnh nghiên cứu. Nghĩa là chúng tôi phải hiểu về công việc mình làm, có kỹ năng, năng lực nghiên cứu. Bên cạnh đó là trách nhiệm, đạo đức của người làm nghiên cứu với xã hội. Tìm hiểu, phân tích vấn đề dựa trên thực tế, có căn cứ, logic khoa học chứ không phải người làm NC có thể tùy tiện trong việc sử dụng số liệu. Nghiên cứu thúc đẩy khả năng tư duy, sáng tạo.
Là người lãnh đạo, cần nhiều kỹ năng như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng xử lý thông tin, kỹ năng ra quyết định. Bên cạnh đó cần không ít các kỹ năng của người giảng viên, nghiên cứu viên như tôi chia sẻ ở trên. Người lãnh đạo cần có năng lực, không chỉ năng lực truyền đạt, khả năng tìm tòi, sáng tạo; mà còn phải biết lắng nghe, biết giải quyết các xung đột, biết xác định các giải pháp, hướng đi cho tốt chức.
Tóm tại, vai trò công việc của tôi đòi hỏi linh hoạt các bản lĩnh khác nhau; và tôi luôn nỗ lực rèn luyện, học hỏi, nâng cao năng lực và bản lĩnh của mình để có thể hoàn thành tốt công việc của mình.
PV: Chị có thể bật mí với khán giả truyền hình về những dự định trong thời gian tới là gì ?
TS. Dương Kim Anh: Simon de Beauvoir (1908-1986), nhà văn, nhà triết gia người Pháp của thế kỷ 20, người theo chủ nghĩa nữ quyền hiện sinh nói rằng “Người ta không phải sinh ra là phụ nữ mà là trở thành phụ nữ”.
Để trở thành phụ nữ, cần phải rèn luyện, phấn đấu. Bà cũng nhấn mạnh việc phụ nữ phải “lập kế hoạch cuộc đời”, nghĩa là có định hướng, có phấn đấu chứ không phải hành động và phát triển một cách tùy tiện. Tôi cho rằng, suy nghĩ này đúng với mọi nam nữ trong xã hội.
Bà quả quyết rằng phụ nữ có khả năng lựa chọn như nam giới, phụ nữ cần giải phóng mình và phục hồi cái tôi của mình bằng hướng đi tự do, tự hào về bản thân trong suy nghĩ, trong sáng tạo, trong hành động giống như nam giới.
Tôi cho rằng muốn hiện thực hóa một việc nào đó thì trước hết phải có dự định, có ước mơ.
Dự định của tôi trong thời gian tới là tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu về các vấn đề buôn bán người, các vấn đề bạo lực giới khác, vấn đề di cư và tiếp tục theo đuổi các công việc mình yêu thích. Phấn đấu trở thành người phụ nữ có bản lĩnh vững vàng, san sẻ yêu thương với gia đình, với sinh viên, những người thân yêu và được đón nhận những yêu thương.
PV: Sắp tới ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, chị có chia sẻ, nhắn nhủ gì tới nam giới của chúng ta không?
TS. Dương Kim Anh: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay với chủ đề “Each for Equal” có hàm ý là “Bình đẳng tới mỗi người”, “Bình đẳng cho tất cả mọi người”. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm và suy nghĩ và hành động của mình, mỗi ngày và tất cả mọi ngày chứ không chỉ riêng ngày 8/3.
Và tôi mong muốn nam giới sẽ đồng hành cùng phụ nữ chúng tôi trong việc phấn đấu cho một thế giới bình đẳng cho tất cả mọi người, để nam giới, phụ nữ, ai ai cũng có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Tôi muốn gửi gắm tới các bạn trẻ đang lựa chọn ngành học rằng, Học viện Phụ nữ Việt Nam là cái nôi nuôi dưỡng, chắp cánh để các em hiện thực hóa ước mơ nghề nghiệp trong tương lai; cung cấp cho các em các kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức xã hội và bản lĩnh để hiện thực hóa các ước mơ của mình. Hãy đến với Học viện Phụ nữ Việt Nam ở địa chỉ số 68 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội hoặc gọi điện cho Phòng Đào tạo hoặc các Khoa chuyên môn theo địa chỉ, thông tin liên lạc trên Website để có được các tư vấn cần thiết về tuyển sinh. Xin cảm ơn VTV2 và chương trình Phụ nữ là để yêu thương đã cho tôi có cơ hội được giao lưu, chia sẻ về những người phụ nữ mà chúng ta luôn yêu thương. Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sắp tới, tôi xin chúc chị Thanh Thúy và tất cả những người phụ nữ Việt Nam những lời chúc thân thương nhất. Chúc các chị luôn tự tin, bản lĩnh và luôn hạnh phúc. Chúc các chị nhận được nhiều tình cảm chân thành, yêu thương trong ngày Quốc tế phụ nữ 8-3. Chúng ta hãy cùng phấn đấu rèn luyện bản lĩnh để góp phần xây dựng hình ảnh tươi đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
PV: Vâng, xin cảm ơn TS. Dương Kim Anh đã tham gia cùng ekip Phụ nữ là để yêu thương trong những ngày tháng 3 đặc biệt này!