Câu chuyện dưới đây đến từ bạn H Grêi Niê, 21 tuổi, người dân tộc Ê-đê, đến từ Đắk Lắk. Bạn là sinh viên năm cuối ngành Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam:
Bước vào lớp 12, mình bắt đầu xuất hiện nhiều cung bậc cảm xúc từ vui buồn, hạnh phúc, lo lắng, sợ hãi cho tới căng thẳng. Vui vì mình đã trưởng thành và sắp được ra trường. Buồn vì không nỡ rời xa bạn bè, thầy cô thân yêu. Lo lắng, căng thẳng, sợ hãi vì bản thân vẫn còn đang bỡ ngỡ, chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp, chưa biết nên thi khối nào, chọn trường chọn ngành gì? Cảm giác lúc đó thật mông lung và mơ hồ vì mình cũng chưa biết bản thân có ưu nhược điểm gì, thế mạnh gì để có lựa chọn phù hợp với năng lực của bản thân cũng như điều kiện kinh tế của gia đình.
Cuối cùng được bạn bè, thầy cô tư vấn, giữa năm lớp 12, mình đã chọn tổ hợp C00 với ba môn Văn, Sử, Địa. Mình đi học thêm một lớp chuyên ôn thi tốt nghiệp, đại học với mức phí cũng khá ổn. Lúc đó, mình được thầy chia sẻ thông tin về chuyên ngành Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam. Sau khi tìm hiểu, mình rất thích ngành học và môi trường này. Giới và Phát triển là mối quan tâm trên toàn thế giới, bởi “không thể có phát triển bền vững nếu không có tiến bộ về Bình đẳng giới”, nỗ lực để “Không ai bị bỏ lại phía sau”. Từ đó, mình quyết định đây là con đường sự nghiệp và phát triển bản thân mà mình mơ ước.
Nhưng con đường đó cũng trải nhiều khó khăn, áp lực. Từ hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình cho đến những định kiến giới từ những người xung quanh, hàng xóm khiến mình cảm rất mệt mỏi và muốn từ bỏ. Từ khi biết mình tham gia lớp chuyên ôn thi tốt nghiệp, đại học, nhiều ánh mắt kém thiện cảm từ những người hàng xóm xuất hiện. Mình đi đâu cũng bị bàn tán, bị nói xấu, chỉ trích.
“Không biết thương cha mẹ, thương gia đình.”
“Con gái đi học đại học làm gì, ra trường có xin được việc đâu.”
“Người ta nhà con ông cháu cha may ra còn xin được việc chứ như cháu gia đình đã nghèo, không có tiền, mẹ lại mắc bệnh hiểm nghèo, cha mẹ chỉ làm nông chỉ đủ tiền trang trải sinh hoạt qua ngày thế mà lại đòi đi học đại học.”
“Học cấp 3 xong rồi thì lấy chồng, ở nhà giúp đỡ ba mẹ đi”.
“Đi Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn làm công nhân kiếm tiền có phải tốt hơn không.”
“Học đại học có kiếm được ra tiền đâu, càng làm tốn tiền ba mẹ, đúng là không biết suy nghĩ mà”.
Mình vẫn còn nhớ như in những lời các bác, cô chú hàng xóm nói với mình và gia đình của mình. Ngày nào họ cũng so sánh mình với các con của họ đi làm công nhân giờ kiếm được nhiều tiền. Lúc đó mình cảm thấy bị tổn thương nhiều lắm, cảm thấy buồn, thương bản thân, thương ba mẹ nhiều hơn. Hễ thấy mình và ba mẹ là mọi người lại đàm tiếu hết chuyện nọ chuyện kia.
Nghĩ đi nghĩ lại suốt ngày, đêm nào mình cũng khóc. Tại sao mọi người phải nói những lời đó? Việc đi học đại học tìm kiếm ước mơ, trau dồi kiến thức có gì là sai? Rồi mình lại nghĩ đến mẹ bị mắc bệnh hiểm nghèo một căn bệnh mang tên “Lupus ban đỏ hệ thống” hiện chưa có thuốc chữa trị dứt khoát, chỉ có thuốc làm chậm tiến độ phát triển của bệnh. Bác sĩ thông báo bệnh tình của mẹ chỉ có thể sống vỏn vẹn được 2-3 năm thôi, lòng mình lại càng đau đáu thương mẹ biết bao nhiêu.
Sau những lần đó, mình phải học cách an ủi mình, an ủi ba mẹ, học cách chấp nhận những chuyện đã xảy ra. Mình nỗ lực học tập hơn, ôn thi ngày lẫn đêm, cố gắng mạnh mẽ, học cách vươn lên từ hoàn cảnh, bỏ qua những lời đàm tiếu, chỉ trích, xoi mói từ những người xung quanh, phá bỏ định kiến giới mà xã hội đã đặt ra cho mình để khẳng định chính mình, tìm kiếm những điều tích cực, đam mê và khát khao mãnh liệt để chinh phục ước mơ của bản thân. Vì mình tin rằng chỉ có con đường giáo dục mới giúp bản thân phát triển một cách toàn diện, nâng cao giá trị bản thân, phát triển sự nghiệp một cách tốt nhất và tìm lại chỗ đứng thật vững vàng cho mình trong xã hội, đỡ đần được phần nào cho ba mẹ và cho cả gia đình.
Bên cạnh những lời lẽ tiêu cực từ những người xung quanh, ở thời điểm đó mình cũng cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc bởi mặc dù ba mẹ không có điều kiện như bao nhà khác nhưng vẫn luôn ủng hộ, động viên, an ủi mình phải cố gắng học hành. Dù ba mẹ nghèo khó, thiếu thốn nhưng vẫn cố gắng để lo cho mình được đi học đại học. Mình có động lực và tinh thần hơn.
Và rồi, cuối cùng mình cũng đỗ vào ngôi trường và chuyên ngành mà mình yêu thích và hằng mơ ước: Học viện phụ nữ Việt Nam, chuyên ngành Giới và Phát triển. Từ khi theo đuổi con đường giáo dục đầy ước mơ này, mình cảm thấy cuộc sống và con người của mình có nhiều thay đổi tích cực hơn so với trước đây: tự tin, linh hoạt, năng động hơn; không còn cảm giác tự ti về bản thân, về hoàn cảnh của mình. Mình được học tập, được giáo dục và phát triển bản thân một cách toàn diện trong môi trường giáo dục bình đẳng tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Đặc biệt là, khi lựa chọn đến với giáo dục mình được trải nghiệm với rất nhiều điều hay và mới lạ, được tham gia với các hoạt động bổ ích, giúp đỡ cộng đồng, xã hội. Được góp một phần công sức của mình cho mọi người, mình cảm thấy rất là vui và tự hào. Mỗi khi có dịp trở về quê, mình cũng không còn cảm thấy phải sợ khi phải nhìn ánh mắt của những người xung quanh, những người hàng xóm trước kia đã chỉ trích, dành những lời tiêu cực, định kiến cho mình và gia đình của mình. Và bây giờ, họ cũng có ánh nhìn tích cực với mình hơn, tôn trọng mình hơn, không còn sử dụng lời lẽ mang tính định kiến như trước đây.
Câu chuyện của chính bản thân mình muốn gửi tới các em dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt là trẻ em gái, rằng: “Không có con đường nào có thể tốt hơn bằng con đường giáo dục nếu các em muốn phá bỏ giới hạn của bản thân. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào các em đều có quyền được học tập, được theo đuổi ước mơ của mình. Điều quan trọng nhất là hãy tự tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho bản thân”.