Tọa đàm nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng về các chủ đề bình đẳng giới thông qua các sản phẩm truyền thông và sự trao đổi, phản biện giữa sinh viên và các nhóm chuyên gia.
Tham dự sự kiện có TS.Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phu nữ Việt Nam; Về phía viện Fes có sự tham dự của chị Trần Hồng Hạnh – Điều phối viên chương trình viện Fes; Chị Nguyễn Minh Phương – Trợ lý Viện Fes. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự tham gia của giảng viên, sinh viên của ngành Giới và phát triển, ngành Truyền thông đa phương tiện.
Năm 2019, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Viện FES đã ký kết thỏa thuận hợp tác về tổ chức hội thảo, chuyên đề khoa học; hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu khoa học; trao đổi chuyên gia, học giả, tiếp nhận sinh viên thực tập; hỗ trợ kết nối hợp tác với các trường Đại học, Viện nghiên cứu của Đức; kết nối chuyên gia chia sẻ về học thuật… Học viện và Viện Fes đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phục vụ công tác chuyên môn của Học viện. Đặc biệt, Viện Fes còn tài trợ trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu của Học viện bao gồm máy tính; máy chiếu, máy in, máy ảnh. Các thiết bị này dùng để đáp ứng nhu cầu sử dụng của sinh viên một số ngành học đòi hỏi công nghệ cao nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo như: Truyền thông đa phương tiện và một số ngành học đặc thù của Học viện như Giới và Phát triển, Công tác xã hội. Đây sẽ là phương tiện để giúp sinh viên của Học viện làm chủ kiến thức và công nghệ.
Truyền thông giảm thiểu định kiến giới là một trong những chương trình mà FES Việt Nam đặc biệt quan tâm. FES Việt Nam đã phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Khoa Giới và Phát triển thúc đẩy các nỗ lực chính sách và hoạt động thực tiễn phát huy vai trò của thanh niên, sinh viên tham gia nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng chuẩn mực mới góp phần tạo ra sự thay đổi, mang lại giá trị nhân văn. Đặc biệt khi lực lượng thanh niên, sinh viên được tiếp cận thông tin và thay đổi nhận thức về vấn đề này sẽ hình thành lối sống, chuẩn mực xã hội tích cực góp phần giảm bớt sự phân biệt đối xử về Giới.
Năm học 2020 – 2021, Khoa Giới và phát triển đã phối hợp với khoa Truyền thông đa phương tiện phát động cuộc thi sinh viên xây dựng các sản phẩm truyền thông giảm thiểu định kiến Giới. Ban tổ chức đã nhận được nhiều tác phẩm dự thi và chọn lọc 6 video clip đạt chất lượng tốt nhất để tham dự vòng thuyết trình, phản biện và chấm giải trực tiếp của Ban giám khảo.
Đó là các tác phẩm:
Hãy hành động – Đừng im lặng – Nhóm sinh viên K6 Giới và phát triển
Quan điểm của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam về vấn đề bất bình đẳng giới trong giáo dục hiện nay – Nhóm sinh viên K6B – Truyền thông đa phương tiện
Giới trong xã hội ngày nay – Nhóm sinh viên K6B – Truyền thông đa phương tiện
Lặng – Sinh viên K8 Giới và phát triển
Định kiến Giới trong quảng cáo xưa và nay – Nhóm sinh viên K6 – Truyền thông đa phương tiện
Nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBT – Ngô Phương Anh, K6 – Truyền thông đa phương tiện
Tại tọa đàm, đại diện 6 đội dự thi đã thuyết trinh nội dung, ý nghĩa và thông điệp của tác phẩm dự thi của mình đồng thời trả lời các câu hỏi của ban giám khảo.Tác phẩm dự thi của các bạn sinh viên được chấm giải dựa trên 2 tiêu chí chính là Nội dung giảm thiểu định kiến giới và Kỹ thuật video.
Đối với tiêu chí nội dung, ban giám khảo sẽ chấm điểm dựa trên tiêu chí về chủ đề đảm bảo phù hợp, logic với vấn đề giảm thiểu định kiến giới; Phát huy được vai trò của thanh niên, sinh viên tham gia giảm thiểu định kiến giới; Sự tham gia đảm bảo tỷ lệ bình đẳng giới như cân bằng vị trí nhân vật theo giới tính: Đảm bảo hình ảnh tương đồng cả nam và nữ; Thể hiện ngôn ngữ không đổ lỗi; Định hình tính cách bình đẳng cho cả nam và nữ; Thông điệp thể hiện giảm thiểu định kiến giới được biểu hiện ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và ấn tượng; Nâng cao nhận thức của công chúng về bình đẳng giới; Góp phần xóa bỏ định kiến giới hay thiên vị giới; Củng cố các chuẩn mực xã hội tiến bộ, góp phần giảm bớt sự phân biệt đối xử về giới.
Đối với tiêu chí kỹ thuật xây dựng video, Ban giám khảo chia theo 3 tiêu chí:
Tiêu chí chấm điểm Audio: Lời bình (Tự thể hiện, hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo, khớp với hình ảnh về thời gian) (10 điểm); Sử dụng được các kỹ năng về lọc nhiễu, vang, trễ
Tiêu chí chấm điểm Video: Đảm bảo được các nguyên tắc về dựng Video: Toàn, trung, cận. Tính liên tục của hình ảnh, dựng theo hướng vận động, không gian, nhịp điệu… của đối tượng; Xuất file đúng định dạng theo yêu cầu; Đảm bảo logic giữa các câu hình, đọạn hình, có sử dụng cảnh chuyển; Sử dụng các kỹ năng điều chỉnh độ tương phản, màu sắc hình ảnh và các hiệu ứng phù hợp
Tiêu chí chấm điểm Text: Bảng chữ đầu: Giới thiệu tên tác phẩm, màu chữ, kiểu, cỡ chữ, hiệu ứng chữ phù hợp; Bảng chữ giữa: Thể hiện tên tuổi, chức danh, địa vị xã hội… của các nhân vật có liên quan đến chủ đề tác phẩm; Bảng chữ cuối: Thể hiện tác giả, nhóm tác giả thời gian thực hiện, nơi phát hành, thông tin liên kết…
Dựa trên bảng tiêu chí chấm điểm về nội dung và kỹ thuật kèm theo việc thuyết trình ý tưởng của các đội dự thi, Ban giám khảo sẽ chấm điểm để tìm ra tác phẩm đạt giải Nhất (Từ 91 – 100 điểm); Giải Nhì (từ 80 – 90 điểm); Giải Ba (từ 50 – 79 điểm).
Kết quả chung cuộc, 2 giải Nhất đã được trao cho 2 tác phẩm: Lặng – Sinh viên K8 Giới và phát triển và Định kiến Giới trong quảng cáo xưa và nay – Nhóm sinh viên K6 – Truyền thông đa phương tiện
2 giải Nhì đã được trao cho 2 tác phẩm: Nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBT – Tường Vy, K6 – Truyền thông đa phương tiện và Hãy hành động – Đừng im lặng – Nhóm sinh viên K6 Giới và phát triển.
2 giải Ba được trao cho tác phẩm Quan điểm của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam về vấn đề bất bình đẳng giới trong giáo dục hiện nay – Nhóm sinh viên K6B – Truyền thông đa phương tiện và Giới trong xã hội ngày nay – Nhóm sinh viên K6B – Truyền thông đa phương tiện.
Các tác phẩm dự thi đã được Ban giám khảo đánh giá cao về sự sáng tạo trong nội dung và kỹ thuật xây dựng video của các đội dự thi. Những tác phẩm của các bạn sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ góp phần bổ sung vào kho sản phẩm truyền thông có nhạy cảm giới, tránh định kiến giới, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.