Trong thời đại ngày nay, bình đẳng giới đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Nói đến bình đẳng giới là nói đến sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới. Bình đẳng giới trở thành một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của các quốc gia trên thế giới, nhằm hướng tới một xã hội tiến bộ, dân chủ và văn minh.
Năm 2022, đại dịch COVID-19 đã có chiều hướng suy giảm. Tuy nhiên, Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy, bình đẳng giới vẫn chưa phục hồi sau những thiệt hại đáng kể từ năm 2020 đến năm 2021 do đại dịch COVID-19. Thế giới vẫn phải mất 132 năm nữa để có thể thu hẹp khoảng cách giới toàn cầu, tính trên 4 lĩnh vực trọng yếu là kinh tế, chính trị, giáo dục và y tế. Trong khi khoảng cách về trình độ học vấn, sức khỏe và sự sống đã được thu hẹp đáng kể, tiến bộ về khoảng cách trong tham gia kinh tế, cơ hội và trao quyền chính trị vẫn tiếp tục bị tụt hậu.
Thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam ngày càng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về bình đẳng giới. Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ngày 3/3/2021, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới; tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Chiến lược đưa ra 6 mục tiêu cơ bản, trong đó có mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực thông tin, truyền thông; hướng tới đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới.
Chiến lược cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ thông tin và Truyền thông trong việc chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; tăng thời lượng phát sóng, số lượng bài viết và nâng cao chất lượng tuyên truyền về bình đẳng giới trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục. Ngày 23/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 1790/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030, đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới.
Với nỗ lực không ngừng trong nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ số 3 (MDG3) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG5) về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở khu vực công cũng như trong doanh nghiệp vẫn còn thấp và chậm cải thiện, tỉ lệ phụ nữ bị bạo lực cao, định kiến về giới vẫn còn tồn tại trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
TS. Đỗ Anh Đức – Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH & NV; TS. Dương Kim Anh – PGĐ Học viện Phụ nữ Việt Nam và ThS.Nguyễn Vân Anh – GĐ CSAGA điều hành hội thảo
Kính thưa các nhà khoa học, các quý vị đại biểu!
Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan tỏa những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, và toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông.
Các nghiên cứu gần đây của UNDP, UN Women, hay các chương trình “nhặt sạn giới trên truyền thông” của CSAGA cho thấy, vẫn còn nhiều sản phẩm truyền thông thiếu nhạy cảm giới. Các sản phẩm này tồn tại trên báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, và truyền thông mạng xã hội, thể hiện qua cách đặt tít bài, nội dung, thông điệp truyền thông, cách xây dựng nhân vật, và các diễn ngôn. Thực trạng này góp phần củng cố các định kiến giới, trở thành rào cản trong giải quyết các bất bình đẳng giới.
Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự phát triển của mạng xã hội đã và đang thúc đầy các loại hình báo chí, truyền thông được sản xuất và phát hành nhanh chóng qua các ứng dụng đa phương tiện. Đây là các nền tảng truyền thông mới, có tốc độ lan tỏa nhanh, hiệu ứng tác động mạnh. Tuy nhiên, hiện còn thiếu các chế tài kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các nội dung, hình ảnh truyền thông thiếu nhạy cảm giới.
Trong bối cảnh đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”. Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học về các nội dung liên quan đến Truyền thông trong bối cảnh công nghệ số; thực trạng bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông; các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông nhìn từ các khía cạnh pháp luật, văn hóa, và thực hành. Từ đó, đề xuất các giải pháp về chính sách, và thực tiễn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần loại bỏ bất bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.
Hội thảo khoa học quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số” được tổ chức trong ngày thu tháng Mười với nhiều ý nghĩa quan trọng. Hội thảo là sự kiện quan trọng chúc mừng 10 năm thành lập, hơn 60 năm truyền thống vẻ vang của Học viện Phụ nữ Việt Nam; kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10; hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ 15/11 đến 15/12). Hội thảo cũng chào mừng Ngày truyền hình thế giới 21/11, và Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).
Với hơn 80 đề xuất đăng kí viết báo cáo khoa học, trải qua quá trình phản biện độc lập và biên tập, 37 bài viết đã được chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Điều này chứng tỏ sức hút mạnh mẽ của chủ đề hội thảo. Ban tổ chức Hội thảo trân trọng cảm ơn các nhà khoa học đã đầu tư công sức, trí tuệ để viết và gửi báo cáo khoa học tới Hội thảo. Các báo cáo khoa học thực sự là những bài viết tâm huyết, có giá trị, sẽ đóng góp quan trọng vào sự thành công của Hội thảo khoa học quốc gia ngày hôm nay.
Học viện Phụ nữ Việt Nam trân trọng cảm ơn Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), đã phối hợp đồng tổ chức Hội thảo. Từ chương trình Hợp tác đã được kí kết, hi vọng trong thời gian tới, Học viện Phụ nữ Việt Nam và CSAGA sẽ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động khác như hoạt động nghiên cứu khoa học, tập huấn, các chương trình, dự án, các hoạt động truyền thông, hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng về các vấn đề giới, phụ nữ và trẻ em.
Kính thưa các quí vị đại biểu, các nhà khoa học!
Chúng tôi xin bày tỏ niềm vinh dự được đón tiếp các quí vị đại biểu, các nhà khoa học về dự Hội thảo khoa học quốc gia “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới các nhà khoa học đã gửi bài viết tới Hội thảo. Vì thời gian có hạn, Ban tổ chức chỉ lựa chọn một số bài viết đại diện cho các chủ đề trình bày trong Hội thảo này. Rất mong các quí vị đại biểu, các nhà khoa học tích cực trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới chủ đề Hội thảo.
Thay mặt Ban Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, xin kính chúc các các quí vị đại biểu và các nhà khoa học sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”.
Xin trân trọng cám ơn!