Bước qua chiến tranh, những con số mất mát được thống kê làm bất kể người dân Việt Nam nào cũng nhói lòng, xót xa:
1.146.250 anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh, trong đó có 191.605 Liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Pháp; 849.018 Liệt sỹ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ; 105.627 Liệt sỹ hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo…)
Hơn 200.000 hài cốt Liệt sỹ chưa được tìm thấy, thi thể các anh còn nằm lại trên các chiến trường Việt Nam, Lào, Cam pu chia, Biển Đông…; Hơn 300.000 hài cốt Liệt sỹ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính tên tuổi, quê quán, đơn vị…
Tỉnh có nhiều Liệt sỹ hi sinh nhất: Tỉnh Quảng Nam có 65.000 Liệt sỹ hi sinh trong các cuộc chiến tranh (ngoài ra tỉnh Quảng Nam còn có hơn 30.000 thương binh) (tính đến năm 2012).
Huyện có nhiều liệt sỹ nhất cả nước là huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) với hơn 19.800 Liệt sỹ. (tính đến năm 2012).
Trong những năm qua, Đảng bộ, các chi bộ, Đoàn Thanh niên Học viện Phụ nữ Việt Nam không ngừng thể hiện lòng thành kính, tri ân tới các anh hùng liệt sĩ, thương binh thông qua những hành động cụ thể như tổ chức về nguồn, viếng thăm các địa danh lịch sử, các nhà tù, nghĩa trang liệt sĩ, chăm lo thân nhân người lao động có công với đất nước…
Những chuyến về nguồn, thăm viếng các địa danh lịch sử và nơi an nghỉ của các anh hùng, liệt sĩ tại nhà tủ Hỏa lò, nhà tù Sơn La, Thành cổ Quảng Trị, Điện Biên…đã trở thành một nét văn hóa của Học viện.
Đứng trước đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã chẳng tiếc thanh xuân, dành trọn từng phút giây đời mình cho Tổ Quốc, mỗi thành viên của Học viện như lắng lại nhịp đập con tim mình trong niềm xúc động, biết ơn. Mỗi nén hương thơm nhắc mọi người nhớ về những hi sinh cao cả của các liệt sĩ. Những chàng trai, cô gái 18, đôi mươi còn mang trong mình bao khát vọng.
Đứng trước những nghĩa trang rộng mênh mông với hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ, mỗi thành viên của đoàn đều cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh, sự mất mát, đau thương vô hạn của nhân dân và những hy sinh lớn lao mà các thế hệ cha anh đã hiến dâng cho Tổ quốc.
Đến thăm nghĩa trang Liệt sĩ ở mỗi địa phương, mỗi thành viên của đoàn đều tỏa về những địa danh là quê hương của mình để tìm kiếm những dòng tên liệt sĩ có quê quán, cùng xã, huyện quen thuộc của mình để tri ân, để thắp nén hương ấm lòng người nằm xuống. Còn nữa, có rất nhiều những tấm bia vô danh lặng nhìn mỗi thành viên của đoàn tìm đến để thắp lên một nén hương thành kính. Các chiến sĩ cảm tử vì Tổ Quốc bình yên bên đồng đội nơi này suốt bao năm tháng không một ai biết họ tên, quê quán, chỉ biết họ đã đánh đổi tất cả vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.
Những giọt mồ hôi và cả nước mắt quyện vào khói hương của cả đoàn. Mỗi nén hương tri ân chẳng thể nói hết lời cảm tạ, biết ơn của thế hệ hiện tại, những người được sinh ra trong hòa bình, không phải chịu cảnh khổ đau, chia cắt bởi bom rơi, đạn nổ. Càng biết ơn, càng tự hào, mỗi thành viên của đoàn càng tự nhắc mình cần nỗ lực nhiều hơn khi được ngắm hoa độc lập, hái quả tự do.
Hòa bình đã lập lại nhưng giờ đây vẫn còn có những người con của đất nước tiếp tục hi sinh thân mình vì Tổ Quốc khi làm nhiệm vụ. Đó là những chiến sĩ bộ đội, công an hi sinh khi làm nhiệm vụ huấn luyện, truy bắt tội phạm, bảo vệ đồng bào…
Học viện Phụ nữ Việt Nam quyết tâm đoàn kết, đồng lòng hoàn thành tâm nguyện của thế hệ cha anh, đóng góp sức mình xây dựng đất nước ngày càng phát triển, truyền đến thế hệ trẻ bài học về lòng biết ơn, bảo vệ, gìn giữ lịch sử, trân trọng sự hi sinh của thế hệ đi trước và lòng yêu nước nồng nàn.
Đời đời nhớ ơn anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc!
Nguồn số liệu: Sưu tầm