2012 – 2024: Sự khởi đầu ấn tượng
Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương. Học viện có trụ sở chính tại Hà Nội và Cơ sở tại Tp. HCM.
Trên hành trình phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam quyết tâm xây dựng thành công các Giá trị cốt lõi: Đoàn kết – Tận tụy – Sáng tạo – Chất lượng; Hiện thực hóa Triết lý Giáo dục Toàn diện, Chất lượng và Bình đẳng. Đặt mục tiêu đến năm 2030, Học viện sẽ trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, nằm trong top đầu thuộc khung xếp hạng của Chính phủ Việt Nam, là trung tâm uy tín trong công tác bồi dưỡng cán bộ Hội và cán bộ nữ trong hệ thống chính trị.
Để hoàn thành được mục tiêu đó, đòi hỏi sự kết tinh nỗ lực không ngừng của tập thể viên chức, người lao động và sinh viên, học viên.
Khẳng định vai trò quan trọng trong công tác bồi dưỡng cán bộ Hội và cán bộ nữ
Là đơn vị trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được giao nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội cũng như tham gia đào tạo quốc tế, Học viện đã chủ động đề xuất và tham mưu để Trung ương Hội trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai Đề án quan trọng: Đề án 1981 (năm 2012) và Đề án 1893 (năm 2018) về đào tạo cán bộ Hội các cấp và chi hội trưởng phụ nữ.
Quy mô bồi dưỡng cán bộ tại Học viện đã tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng thu hút đông đảo học viên.
Mỗi năm, Học viện tổ chức bồi dưỡng từ 2.500 đến hơn 4.000 lượt cán bộ Hội LHPN Việt Nam các cấp về nghiệp vụ công tác Hội, Công tác xã hội, bình đẳng giới và năng lực lãnh đạo, quản lý. Trong đó, số cán bộ nữ được đào tạo về lãnh đạo quản lý, về năng lực cho ứng cử viên HĐND các cấp ngày càng tăng.
Tính trong 12 năm qua, tổng số cán bộ Hội, cán bộ nữ được bồi dưỡng tại Học viện đã lên đến 47.793 lượt người, một con số đầy ấn tượng.
Học viện còn mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội. Trung bình 2 năm một lần, Học viện tổ chức đào tạo cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào và nhiều năm liền tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển góp phần củng cố mối quan hệ quốc tế trên nhiều lĩnh vực. Tổng cộng gần 300 cán bộ nữ của 2 nước đã tham gia học tập tại Học viện.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội và bắt kịp xu thế hội nhập công nghệ, Học viện không ngừng đổi mới nội dung các chương trình bồi dưỡng. Bên cạnh đó, Học viện cũng tiên phong trong phát triển gần 100 bài giảng điện tử (E-learning) và áp dụng phương pháp đào tạo trực tuyến từ 10 năm trở lại đây, điều này đã giúp rút ngắn thời gian học trực tiếp, đồng thời nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ của học viên.
Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, Học viện đã cung cấp miễn phí các khóa đào tạo trực tuyến về bình đẳng giới, khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và quản lý tài chính cho hơn 30.000 phụ nữ.
Cải thiện mạnh mẽ chất lượng đầu vào, đầu ra cũng như quy mô đào tạo đại học, sau đại học
Học viện Phụ nữ Việt Nam không ngừng mở rộng quy mô đào tạo, ghi dấu ấn mạnh mẽ với sự phát triển cả về số lượng và chất lượng các ngành học. Hiện tại, Học viện cung cấp 12 chương trình đào tạo đại học, 4 chương trình thạc sĩ và 2 chương trình tiến sĩ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học.
Đặc biệt, Học viện tổ chức hai chương trình đào tạo đặc thù gắn liền với chức năng của các cấp Hội là “Giới và Phát triển” và “Công tác xã hội”, lồng ghép đào tạo bình đẳng giới, khởi nghiệp trong hầu hết các chương trình đào tạo, góp phần ngày càng quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới và an sinh xã hội.
Đến cuối năm 2024, quy mô đào tạo của Học viện đã đạt khoảng 6.000 người học. Tỉ lệ tuyển sinh hàng năm luôn đạt chỉ tiêu, điểm đầu vào hệ đại học tăng mạnh trong nhiều năm liền. Đáng chú ý, năm 2024, có 8/11 ngành có điểm xét tuyển từ 24 trở lên, khẳng định sức hút ngày càng lớn của Học viện.
Không chỉ dừng lại ở quy mô, chất lượng tổ chức đào tạo cũng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình PDCA. Đón đầu xu thế công nghệ số, Học viện đã kết hợp hài hòa giữa các lớp học trực tiếp và trực tuyến ngay từ đầu năm 2020. Các lớp học tập trực tuyến được khởi tạo tự động sau khi lên lịch học kỳ, đảm bảo 100% giảng viên tham gia xây dựng nội dung và vận hành theo các tiêu chuẩn ngày càng cao của Học viện.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, Học viện đã hoàn thành đánh giá ngoài cơ sở giáo dục từ năm 2020, kiểm định thành công 3 chương trình đào tạo vào năm 2023 và chuẩn bị đánh giá thêm 3 chương trình khác vào cuối năm 2024. Thành tựu đáng chú ý nhất là vị trí thứ 58 trong bảng xếp hạng gần 200 trường đại học của Việt Nam năm 2023.
Tiên phong trong nghiên cứu khoa học về bình đẳng giới và phụ nữ
Trong 3 năm gần đây, mỗi năm Học viện đều duy trì thành tích nghiên cứu đáng kể với trung bình 20 đề tài cấp cơ sở, 5 đề tài cấp bộ, và 3 đề tài được tài trợ bởi Quỹ khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) – những nghiên cứu của Học viện đều tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến bình đẳng giới, vai trò, sự tham gia của phụ nữ trên các lĩnh vực. Nhiều đề xuất xây dựng và phản biện chính sách, pháp luật cũng như triển khai các hoạt động can thiệp cộng đồng đã được Học viện trình lên Lãnh đạo Hội, đóng góp có giá trị trong công tác Hội và thúc đẩy bình đẳng giới, công bằng xã hội.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng không kém phần sôi động với gần 50 nhiệm vụ khoa học cấp Học viện và cấp khoa mỗi năm, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ phát triển tư duy và sáng tạo.
Năm học 2023-2024, đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên đã có những bước tiến vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khoa học với 350 sản phẩm khoa học được công bố, xuất bản,trong đó có 10 công bố quốc tế. Tạp chí khoa học của Học viện chỉ mới được thành lập và vận hành được 6 năm nhưng đã được các hội đồng giáo sư ngành Kinh tế, liên ngành Triết học – Chính trị học – Xã hội học công nhận từ 0,5 đến 0,75 điểm. Những kết quả này là minh chứng thuyết phục cho sự hội nhập và uy tín của Học viện ở cả trong nước và quốc tế.
Các chương trình hợp tác quốc tế đa dạng cũng giúp Học viện mở rộng quan hệ với trên 50 cơ sở giáo dục, nghiên cứu và tổ chức quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên, và sinh viên tiếp cận với những tri thức tiên tiến và thực tiễn quốc tế, nâng cao chất lượng giáo dục.
Hướng về cội nguồn bằng những hoạt động thiết thực luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trang sử xây dựng và phát triển Học viện. Những chuyến đi mang ý nghĩa thiêng liêng này không chỉ giúp xây dựng ý thức lịch sử vững chắc mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ viên chức, người lao động Học viện tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, phát triển những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Cùng với đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam còn khẳng định hình ảnh của mình bằng trái tim và trách nhiệm đối với cộng đồng.
Với tinh thần chủ động và linh hoạt, tập thể giảng viên, nhân viên và sinh viên của Học viện tích cực tham gia vào các chương trình cộng đồng. Trong năm học 2023-2024, hơn 1.500 sinh viên và 150 giảng viên đã đồng hành cùng phụ nữ biên cương, lên đường đến những vùng sâu, vùng xa, những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai và lũ lụt để mang đến sự hỗ trợ thiết thực, với tổng giá trị quyên góp và ủng hộ lên đến hơn 500 triệu đồng.
Phát triển mạnh mẽ về nhân sự, hiệu quả về tổ chức và tiên phong trong chuyển đổi số
Tính đến tháng 10/2024, Học viện đã có những bước chuyển biến rõ rệt về tổ chức và nhân sự so với giai đoạn đầu thành lập. Với tổng số gần 250 viên chức, người lao động, Học viện đang sở hữu hơn 180 giảng viên cơ hữu trong đó có 8 Phó Giáo sư và hơn 60 Tiến sĩ.
Học viện đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, liên thông vào mọi lĩnh vực hoạt động. Giảng viên và người học có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ, thông tin và học tập, làm việc từ xa, nâng cao hiệu quả hoạt động giảng dạy và quản lý.
Với những nỗ lực về mọi mặt trong hơn 10 năm qua Học viện đã vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý từ Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động Hạng Ba (2021); 04 Cờ thi đua của Chính phủ và 04 Cờ thi đua của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Tầm nhìn đến năm 2045: Vươn tới tầm cao mới
Nâng cao chất lượng bồi dưỡng
Học viện cam kết không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, được đánh giá và xếp hạng uy tín cao trong các cơ sở bồi dưỡng cán bộ.
Tăng cường đào tạo và dịch vụ trực tuyến
Xác định tham gia nhiều hơn vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ và giáo dục về bình đẳng giới trong hệ thống chính trị; Học viện cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào các dịch vụ đào tạo trực tuyến miễn phí cho phụ nữ và lao động nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh tế, chính trị và xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Mục tiêu giáo dục đại học
Trong giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2030, Học viện sẽ trở thành cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, đa ngành với quy mô khoảng 10.000 người học các trình độ, cung cấp 20 chương trình đào tạo đại học, 10 chương trình đào tạo thạc sĩ và 5 chương trình đào tạo tiến sĩ. Tầm nhìn đến năm 2045, Học viện phấn đấu cải thiện thứ tự xếp hạng ở Việt Nam, với ít nhất 30% số ngành học nằm trong top 30 của cả nước và được vào bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín.
Tăng cường cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giảng viên
Học viện xác định mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 dự án mở rộng cơ sở đào tạo tại Gia Lâm, Hà Nội và công nhận Phân hiệu Học viện tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối năm 2025. Để thực hiện điều này, Học viện sẽ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, với ít nhất 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 15% trong số đó có học hàm phó giáo sư, giáo sư.
Tự chủ đại học và chuyển đổi số
Từ năm 2025, Học viện sẽ tự chủ hoàn toàn về tài chính trong chi thường xuyên, thực hiện đầy đủ các quyền tự chủ đại học theo luật định. Đến cuối năm 2027, Học viện dự kiến hoàn thành giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi số, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin và hệ thống phần mềm tại trụ sở chính và cơ sở tp HCM hoạt động ổn định, đồng bộ.
Khởi đầu từ nền móng vững chắc của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương với hơn 50 năm truyền thống, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã viết thêm chương mới đầy ấn tượng trong hơn một thập kỷ qua.
Hành trình này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định cam kết vì một nền giáo dục chất lượng, không bỏ sót bất kỳ ai trên con đường vươn tới tương lai.