Tài liệu được xây dựng với mục tiêu nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp về các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đồng thời trang bị những kỹ năng cần thiết để thúc đẩy sự tham gia toàn diện của người dân trong tiến trình thực thi SDGs tại địa phương. Trong đó, nguyên tắc “Không ai bị bỏ lại phía sau” được đặt làm trọng tâm, nhằm tiếp cận các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, cư dân vùng sâu, vùng xa…Tài liệu do PGS.TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện, Trưởng Khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam chủ biên cùng sự tham gia của TS. Trần Thị Thu Hiền – Phó Trưởng khoa Giới và phát triển, TS. Trương Thị Thúy Hằng, TS. Trần Thị Tuyết Nga là giảng viên khoa Giới và phát triển.

Chủ trì Hội đồng nghiệm thu là PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam. Tham gia Hội đồng còn có các chuyên gia đầu ngành với vai trò phản biện và góp ý hoàn thiện tài liệu như TS. Nguyễn Đình Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, Gia đình và Giới, TS. Phạm Thị Thu Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển bền vững Vùng. Ngoài ra, Hội đồng còn có sự tham gia của ThS. Nguyễn Thị Thuý – chuyên gia tư vấn độc lập về bình đẳng giới và ThS. Nguyễn Thị Kiều Trang – Giảng viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam với vai trò ủy viên – thư ký.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, PGS.TS Trần Quang Tiến nhấn mạnh: “Tài liệu này là công cụ quan trọng để các cán bộ nhà nước, đặc biệt là cán bộ cơ sở, có thể hiểu rõ và áp dụng các nguyên tắc phát triển bền vững vào quá trình xây dựng và triển khai chính sách. Việc thúc đẩy sự tham gia toàn diện của người dân không chỉ là một yêu cầu lý thuyết, mà còn là yêu cầu thực tiễn nhằm đảm bảo mọi nhóm xã hội đều được thụ hưởng thành quả phát triển”.

Hội đồng đã đánh giá cao tính khoa học, sự cập nhật và đặc biệt là tính thực tiễn của tài liệu. Các nội dung trong tài liệu được biên soạn kỹ lưỡng, phù hợp với bối cảnh hiện tại của Việt Nam và những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết trong khuôn khổ Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc. Nhóm tác giả cũng đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong quá trình xây dựng tài liệu, cập nhật những nội dung mới nhất và điều chỉnh để phù hợp hơn với đối tượng sử dụng.

Các thành viên Hội đồng đã nhất trí thông qua tài liệu với một số chỉnh sửa nhỏ về kỹ thuật trình bày, ngôn ngữ và cách diễn đạt nhằm tăng tính dễ hiểu, dễ áp dụng cho đội ngũ cán bộ nhà nước, nhất là những cán bộ làm công tác ở cơ sở. Sự đồng thuận cao từ Hội đồng cho thấy tài liệu không chỉ đạt yêu cầu về chuyên môn mà còn có khả năng ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn đào tạo và bồi dưỡng.

Đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực hiện thực hóa tinh thần phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua giáo dục và nâng cao năng lực cho cán bộ nhà nước. Việc tiếp cận đúng và trúng các đối tượng yếu thế là một thách thức lớn, đòi hỏi sự cam kết và phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, cơ sở đào tạo và các cơ quan thực thi chính sách. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một bộ tài liệu bài bản, chuyên sâu và phù hợp như “Sự tham gia toàn diện và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) dành cho cán bộ nhà nước” là minh chứng rõ nét cho cam kết mạnh mẽ vì một xã hội công bằng, bao trùm và phát triển bền vững của Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung.

Với việc thông qua bộ tài liệu này, Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong công tác nghiên cứu, đào tạo và phát triển năng lực đội ngũ cán bộ nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực về giới, bình đẳng, và phát triển bền vững. Đồng thời, đây cũng là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa Học viện với các tổ chức nghiên cứu uy tín như MSD trong việc xây dựng các công cụ học tập phục vụ cho quá trình chuyển đổi bền vững của đất nước.

Từ nền tảng tri thức này, hy vọng rằng tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” sẽ ngày càng lan tỏa mạnh mẽ hơn, đến từng địa phương, từng chính sách, từng hành động – hướng tới một Việt Nam phát triển công bằng, bao trùm và bền vững cho mọi người.