Đề tài được cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam giao Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện từ tháng 4/2024 đến tháng 12/2024, do TS. Nguyễn Hùng Cường và ThS. Phạm Thị Thanh đồng chủ nhiệm.

Buổi nghiệm thu diễn ra dưới sự chủ trì của các chuyên gia đầu ngành về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo:

  • TS.Trần Lan Phương – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Chủ tịch hội đồng
  • GS.TS.GVCC. Nguyễn Thị Tuyết Mai – Viện Phát triển Bền vững, Đại học Kinh tế Quốc dân: Phản biện 1
  • TS.Nguyễn Việt Anh – Phó khoa Công nghệ số liên ngành, Trường Đại học Phenikaa: Phản biện 2
  • TS.Đinh Lê Hải Hà –Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân: Ủy viên
  • TS.Lê Hồng Việt – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Phụ nữ, Học viện Phụ nữ Việt Nam: Ủy viên

 Đề tài tập trung đánh giá về kết quả quá trình tổ chức, phối hợp triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2024, các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn sàng khởi nghiệp và xác định nhu cầu, mong muốn hỗ trợ khởi nghiệp của phụ nữ Việt Nam trong tình hình mới; từ đó đề xuất các kiến nghị tới Chính phủ, cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các bộ ngành liên quan về những định hướng, nội dung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong Đề án giai đoạn 2026-2035.

Tại buổi nghiệm thu, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Hùng Cường – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Chủ nhiệm đề tài đã báo cáo các kết quả thu được từ kết quả phân tích các số liệu khảo sát định tính và định lượng với quy mô mẫu khảo sát với nhóm cán bộ quản lý, tổ chức phối hợp tổ chức là 817 quan sát; nhóm phụ nữ có mong muốn khởi nghiệp và đã khởi nghiệp là 1544 quan sát trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Triển khai từ năm 2017, Đề án 939 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo Quyết định số 939/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” với mục tiêu nâng cao nhận thức, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ phụ nữ tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp. Theo báo cáo, đến năm 2023, 4/5 chỉ tiêu lớn của Đề án đã hoàn thành và vượt xa kế hoạch đặt ra cho năm 2025. Cụ thể:

Mục tiêu 1: 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp tham gia triển khai Đề án được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, đạt 111% so với mục tiêu đặt ra đến năm 2025.

Mục tiêu 2: Có 4,6 triệu hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp, vượt 200% so với kế hoạch đặt ra năm 2023, nâng tổng số lượt hội viên phụ nữ được tuyên truyền đến nay là 18.2 triệu người, đạt 137% so với mục tiêu đặt ra đến năm 2025.

Mục tiêu 3: Hỗ trợ 15.128 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, vượt 602% so với kế hoạch năm 2023, nâng tổng số phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp được hỗ trợ đến nay là 78.992 người, đạt 395% so với mục tiêu đặt ra đến năm 2025.

Mục tiêu 4: Phối hợp, hỗ trợ thành lập mới 205 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, đạt 300% so với chỉ tiêu năm 2023, nâng tổng số hợp tác xã được các cấp Hội hỗ trợ thành lập đến nay là 5.908 tổ hợp tác/hợp tác xã, đạt 492% so với mục tiêu đặt ra đến năm 2025.

Mục tiêu 5: 6.303 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hoàn thành 50% so với kế hoạch đặt ra năm 2023, nâng tổng số doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến nay là 56.968 doanh nghiệp, đạt 57% so với mục tiêu đạt ra đến năm 2025.

Tính đến cuối năm 2024, chỉ tiêu thứ năm về tư vấn, hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp nữ mới thành lập, mới đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến sẽ đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu vào năm 2025.

Nghiên cứu do Học viện Phụ nữ Việt Nam chủ trì đã tập trung khảo sát sâu các yếu tố ảnh hưởng đến sự sẵn sàng khởi nghiệp của phụ nữ, bao gồm:

  • Động lực cá nhân: Sự độc lập tài chính và khát vọng cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình là động lực chính.
  • Nguồn lực hỗ trợ: Hạn chế về vốn và mạng lưới kết nối là những rào cản lớn nhất.
  • Năng lực khởi nghiệp: Phụ nữ đã khởi nghiệp mong muốn nâng cao kỹ năng về marketing, quản lý tài chính và phát triển sản phẩm.
  • Nhận biết cơ hội: Đây là yếu tố có tác động mạnh nhất đến sự sẵn sàng khởi nghiệp.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đã khẳng định mối quan hệ tác động nhân quả, điều tiết, có ý nghĩa thống kê của Đề án 939 đến sự sẵn sàng khởi nghiệp và các yếu tố nói trên. Đồng thời chỉ ra những hỗ trợ cần thiết cho 02 nhóm phụ nữ có mong muốn khởi nghiệp và phụ nữ đã khởi nghiệp, cụ thể như sau:

Phụ nữ chưa khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ toàn diện về thông tin, gương điển hình và kỹ năng chuyên môn để nâng cao động lực, kiến thức, cùng khả năng sáng tạo, quản lý chất lượng và quảng cáo sản phẩm nhằm tiếp cận và giữ chân khách hàng. Đặc biệt, hỗ trợ tài chính qua các khoản vay ưu đãi và tài trợ là yếu tố then chốt, giúp phụ nữ vượt qua rào cản lớn nhất về vốn. Đồng thời, việc hỗ trợ pháp lý cũng rất cần thiết để họ hiểu và tuân thủ các quy định, tăng cường tính chính thức hóa hoạt động kinh doanh, tạo nền tảng vững chắc cho khởi nghiệp.

Phụ nữ đã khởi nghiệp mong muốn được hỗ trợ toàn diện, từ cung cấp thông tin, phát triển kỹ năng sáng tạo, marketing, quản lý chất lượng, tài chính đến hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và nhà đầu tư – yếu tố được ưu tiên hàng đầu. Hỗ trợ về thủ tục pháp lý và quản lý nhân sự cũng cần chú trọng để đảm bảo phát triển bền vững cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Các chương trình hỗ trợ đồng bộ, bao gồm nâng cao kỹ năng, tư vấn tài chính và pháp lý, sẽ đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy sự lớn mạnh của doanh nghiệp nữ.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra những kiến nghị cụ thể tới Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các bộ ban ngành trong giai đoạn tới, đặc biệt khẳng định nhu cầu, mong muốn của phụ nữ Việt Nam về việc tiếp tục có được sự hỗ trợ của Đề án.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhận xét về đề tài nghiên cứu

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao quy trình nghiên cứu bài bản, có hàm lượng khoa học và thực tiễn của nghiên cứu. Những kết quả này không chỉ khẳng định thành công của Đề án mà còn là cơ sở để xây dựng Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2026-2035. Trong bối cảnh kinh tế và xã hội trên thế giới và trong nước không ngừng thay đổi, việc tiếp tục thúc đẩy sự sẵn sàng khởi nghiệp của phụ nữ sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam. Hội đồng nghiệm thu thống nhất đánh giá kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đạt mức Xuất sắc.

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định vai trò của Học viện Phụ nữ Việt Nam là trung tâm nghiên cứu và đào tạo hàng đầu về vấn đề khởi nghiệp gắn với mục tiêu bình đẳng giới tại Việt Nam.

Ảnh: Khoa Quản trị kinh doanh