Tham dự hội thảo có TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện, các chuyên gia giới đến từ Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women)…
Tại hội thảo, Giám đốc Học viện Trần Quang Tiến đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Khoa Giới và Phát triển. Theo ông Tiến, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề năm 2017 là “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” từ 15/11 đến 15/12.
Bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Vụ Bình đẳng giới, LĐ, TB&XH cho biết tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia của Tổng cục thống kê và LHQ năm 2010, 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. Hơn 50% phụ nữ bị bạo lực không nói với bất cứ ai và 87% phụ nữ bị bạo hành thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Bên cạnh đó, năm 2016, đã có hơn 1.600 vụ xâm hại trẻ em, trong đó trẻ em gái chiếm 84% số nạn nhân. Cũng trong năm 2016, đã có 600 nạn nhân bị buôn bán, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái…
Theo bà Nga, ngoài Ngôi nhà bình yên hỗ trợ toàn diện cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình và bị mua bán trở về, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn có hơn 35.000 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ kịp thời các nạn nhân bị bạo lực.
Trong bài phát biểu “Giới và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến 2030”, TS. Vũ Phương Ly đến từ UN Women nhấn mạnh rằng cần giải quyết các vấn đề gốc rễ của nghèo đói và bất bình đẳng , yêu cầu mang tính toàn cầu về sự phát triển đem lại lợi ích cho tất cả mọi người để không để ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, mục tiêu riêng cho bình đẳng giới (SDG 5) cần được lồng ghép giới vào 16 các mục tiêu SDG còn lại.
Với nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ”, chuyên gia Nguyễn Thùy Anh cho hay cần xem xét nền kinh tế thông qua lăng kính giới; cần giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong phân bổ tài sản, công việc nội trợ và chăm sóc không được trả lương của phụ nữ, khoảng cách về giới trong lao động, thu nhập; phúc lợi và mức sống đầy đủ cho mọi người là một mục tiêu trọng tâm của các chính sách kinh tế…
Một nữ sinh ký tên hưởng ứng thông điệp Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam phản đối mọi hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.