Hội thảo có sự tham gia của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam cùng đại diện nhiều cơ quan nhà nước và các tổ chức dân sự khác. Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ những bài học và thành tựu của Dự án tới các cơ quan hoạch định chính sách, chuyên gia làm công tác phát triển, các nhà nghiên cứu và các đối tác xã hội liên quan khác.
Trong bối cảnh hội nhập, hướng tới việc làm bền vững, đặc biệt là cho đối tượng yếu thế góp phần thu hẹp bất bình đẳng, thúc đẩy hoà nhập xã hội là yêu cầu thiết yếu. Dưới tác động của hội nhập, phụ nữ luôn là đối tượng có nguy cơ tổn thương nhất do chiếm số đông trong lực lượng lao động khu vực kinh tế phi chính thức.
Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Lê Kim Dung – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ LĐTBXH và ông Alfonso Tena – Đại sứ Tây Ban Nha công nhận những nỗ lực của Việt Nam trong sửa đổi thể chế pháp luật, nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việt Nam đã và đang hướng đến phát triển hoà nhập và quản trị hiệu quả hơn thông qua việc phát triển chính sách công hướng tới những đối tượng dễ bị tổn thương. Dự án đã giải quyết nhiều vấn đề tổn thương trên cơ sở giới thông qua việc vận động điều chỉnh chính sách và pháp luật hướng tới việc làm bền vững.
Dự án đã có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực lao động việc làm: nâng cao năng lực và nhận thức về vấn đề giới và việc làm cho 1,888 cán bộ cấp trung ương và địa phương (trong đó có 919 cán bộ nữ). 7,723 người tham gia (trong đó có 3,876 phụ nữ) là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án. Đặc biệt, dự án đã có đóng góp hiệu quả đối với việc lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, dự án còn mang lại những ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện các ưu tiên chiến lược trong Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam tới năm 2020 và Kế hoạch hành động của các Bộ trưởng lao động Asean giai đoạn 2010-2015.
Phiên thảo luận “Tầm nhìn về bình đẳng giới và việc làm bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Bên cạnh những thành công, dự án cũng đặt ra những thách thức cho Việt Nam trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào hiệp định TPP và tham gia vào cộng đồng Kinh tế Asean. Phụ nữ sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng là những nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy quá trình đó – đó cũng chính là lời khẳng định của bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan phụ nữ về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và bà Nguyễn Thị Lan Hương nguyên viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH).
Phụ nữ cần được hỗ trợ đào tạo năng lực, tháo gỡ những khó khăn pháp lý cũng như hưởng thụ đầy đủ những biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó, vai trò tái sản xuất của phụ nữ cần có sự chia sẻ của xã hội, cộng đồng và nam giới. Cụ thể là, cần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ công về chăm sóc trẻ em, tiếp tục mở rộng chế độ thai sản và chăm sóc con cho nam giới. Phát triển dịch vụ công và thúc đẩy sự cân bằng và chia sẻ vai trò chăm sóc nuôi dưỡng cho phụ nữ song hành cùng việc nâng cao năng lực và năng suất trong lao động việc làm, hướng tới việc làm bền vững là một yếu tố cần thiết để thúc đẩy vai trò đầy tiềm năng của phụ nữ trong nền kinh tế hội nhập.
Hội thảo có ý nghĩa trong việc cung cấp dẫn chứng và những định hướng quan trọng cho giảng viên khoa Giới và phát triển khi biên soạn và giảng dạy các chuyên đề lồng ghép giới trong an sinh xã hội, lao động việc làm, các cam kết của Việt Nam hướng tới Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, tiến tới áp dụng những mô hình việc làm bền vững cho phụ nữ trong khu vực Asean. Hội thảo cũng nêu bật những khó khăn về việc thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực lồng ghép giới. Dự án và các nghiên cứu của dự án sẽ là nguồn dữ liệu mang tính thực hành giúp giảng viên khoa lồng ghép trong quá trình giảng dạy, nhằm giúp sinh viên khoa Giới và phát triển gặt hái được những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết đáp ứng được công việc tương lai sau khi ra trường.