Hội thảo quốc tế này do Viện nghiên cứu Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) phối hợp với Đại học Lao động và Xã hội tổ chức. Đây là một trong những hoạt động do Dự án Hợp tác Hàn Quốc – ASEAN triển khai tại một số nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm xây dựng Chương trình đào tạo về Giới và Phát triển trong các trường đại học trong khu vực. Đây là hoạt động có ý nghĩa, hướng tới chào mừng sự ra đời của Cộng đồng chung ASEAN, dự kiến vào ngày 31/12/2015, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo Giới và Phát triển, đưa Giới và Phát triển trở thành lĩnh vực được quan tâm, là điểm nhấn góp phần đạt được phát triển bền vững trong toàn khu vực ASEAN.
Hội thảo có sự tham gia tích cực của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Vụ Bình đẳng giới, Học viện Phụ nữ Việt Nam, ĐH Lao Động và Xã hội, Học viện Thanh Thiếu niên và một số cơ quan, tổ chức khác. Phía Hàn Quốc có các học giả đến từ ĐH Phụ nữ Ehwa và Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc. Hội thảo chia làm 3 phiên chính. Phiên thứ nhất bao gồm các tham luận về thực trạng và triển vọng đào tạo, nghiên cứu về Giới và Phát triển ở Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN. Tại phiên thứ hai, các học giả chia sẻ về kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu về Giới và Phát triển. Phiên thứ ba là Hội nghị bàn tròn tham vấn cấp cao về định hướng phát triển đào tạo Giới và Phát triển ở Việt Nam và khu vực thông qua Dự án hợp tác giữa Hàn Quốc và ASEAN. Hội thảo bế mạc với Lễ ký kết Văn bản ghi nhớ giữa Trường ĐH Lao động Xã hội và Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc.
Bàn về Thực trạng và triển vọng đào tạo và nghiên cứu Giới và Phát triển tại các trường ĐH ở khu vực ASEAN và Hàn Quốc, Ts. Eun Kyung Kim, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc đưa ra một số nhận định quan trọng dựa trên kết quả nghiên cứu thực trạng đào tạo tại 15 trường Đại học của 8 nước từ khu vực ASEAN (Philippines, Ma-lay-xi-a, Brunei, Cam-pu-chia, Thái Lan, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, và Sing-ga-po). Tại Việt Nam, hai trường Đại học được nhắc đến là ĐH Quốc gia và ĐH Lao động Xã hội. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 hình thức đào tạo Giới và Phát triển ở ASEAN hiện nay. Thứ nhất, hiện có 2 trường Đại học khu vực ASEAN có khoa Giới và Phát triển; đó là ĐH Phillipines Diliman và Viện Công nghệ Châu Á – AIT. Thứ hai, có 7 trường Đại học tại 4 nước đào tạo Giới và Phát triển như là những môn học riêng lẻ (2 trường của Philliippines, 2 trường của Ma-lay-xi-a, 1 trường của Brunei và 2 trường của Việt Nam). Thứ ba, các trường Đại học tại một số nước ASEAN có đào tạo Giới với các môn học thuộc các khoa khác nhau, đặc biệt là khoa Xã hội học gồm các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ (diploma) và cấp bằng. Theo hướng này, có 10 trường ĐH tại 7 nước (Philippines, Ma-lay-xi-a, Brunei, Cam-pu-chia, Thái Lan, Việt Nam, và Sing-ga-po) có các môn học về giới trong đào tạo cử nhân; 11 trường Đại học tại 6 nước (Philippines, Ma-lay-xi-a, Cam-pu-chia, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, và Sing-ga-po) có các môn học về giới trong đào tạo thạc sĩ. Thứ tư, một số trường Đại học thuộc khu vực ASEAN có các viện nghiên cứu mang tên liên quan đến Giới/Phụ nữ. Có 5 viện nghiên cứu như thế ở 3 nước là Phillipines, Ma-lay-xi-a và Việt Nam. Thứ năm, một số trường Đại học khu vực ASEAN không có các viện nghiên cứu mang tên Giới/Phụ nữ nhưng có các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, xuất bản và hoạt động liên kết liên quan bao gồm 3 viện nghiên cứu ở 4 nước (Ma-lay-xi-a, Cam-pu-chia, Thái Lan, và Việt Nam). Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu còn thiếu chính xác khi chưa nhắc đến đào tạo giới ở Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng như Viện Nghiên cứu Phụ nữ thuộc Học viện. Tham luận của Ts. Eun Kyung Kim cũng nhấn mạnh đến thực trạng và kết quả đào tạo giới ở hai nhà trường, học viện hàng đầu Châu Á là ĐH Philippines Diliman và Viện Công nghệ Châu Á – AIT. ĐH Philippines Diliman đào tạo cử nhân và thạc sĩ chuyên ngành Phụ nữ và Phát triển trong khi Học viện Công nghệ Châu Á – AIT đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ chuyên ngành Giới và Phát triển và lồng ghép giới vào các chuyên ngành đào tạo khác.
Các học giả đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam, Ts. Dương Kim Anh – Bộ môn Giới và Phát triển và Ts. Bùi Thị Mai Đông – Trưởng khoa Công tác Xã hội đã có bài tham luận trình bày tại Hội thảo chia sẻ Kinh nghiệm đào tạo Giới và Phát triển ở Học Viện Phụ nữ Việt Nam và được chọn là bình luận viên trong Hội nghị bàn tròn tham vấn cấp cao về đào tạo Giới và Phát triển trong khu vực ASEAN tại Phiên thứ ba của Hội thảo. Bài tham luận của học giả Học viện Phụ nữ Việt Nam giới thiệu một số chương trình đào tạo liên quan đến Giới và Phát triển tại Học viện: Chương trình trung cấp công tác xã hội từ 1 đến 2 năm; các chương trình đào tạo ngắn hạn cho cán bộ nữ các ngành và cán bộ Hội LHPN Việt Nam các cấp; đào tạo cử nhân các chuyên ngành Công tác Xã hội, Quản trị Kinh doanh với các môn học Giới và Phát triển, Giới trong Kinh Doanh, Kinh tế học về Giới, và hai chuyên ngành dự kiến tuyển sinh năm 2015 là Giới và Phát triển và Luật học. Thảo luận tại Hội nghị bàn tròn tham vấn cấp cao, Ts. Dương Kim Anh cho rằng việc lồng ghép giới vào chương trình đào tạo của các khoa hay định hướng đào tạo chuyên sâu bậc đại học, sau đại học chuyên ngành Giới và Phát triển đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Giới là khoa học liên ngành, việc lồng ghép giới vào các lĩnh vực khác nhau là phù hợp và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, khi Giới được coi là mục tiêu cam kết của 189 quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc trong đó có các nước khu vực ASEAN. Trong khi đó đào tạo chuyên sâu có thể giúp tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng về giới, góp phần giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới, hướng tới bình đẳng giới thực chất và phát triển bền vững. Tuy nhiên, do đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam, đào tạo cử nhân Giới và Phát triển cần cân nhắc đưa các môn học phù hợp, vừa đảm bảo các nội dung cần thiết về giới vừa cung cấp cho sinh viên các kiến thức nền cơ bản trong các lĩnh vực để sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu công việc nếu không tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Ts. Dương Kim Anh cũng thể hiện mong muốn nhận được sự hợp tác, chia sẻ của các nhà trường, Học viện có định hướng đào tạo, nghiên cứu Giới và Phát triển ở Việt Nam, đặc biệt là Dự án Hợp tác Hàn Quốc – ASEAN và các nước thành viên Dự án trong việc xây dựng, thực hiện chương trình cử nhân Giới và Phát triển cũng như các nghiên cứu giới của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Các học giả Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến định hướng đào tạo cử nhân chuyên ngành Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam, coi đây là hướng đi mới và đột phá so với các trường ĐH khác ở Việt Nam và ASEAN trong đào tạo chuyên ngành này.
Kết quả Hội thảo là tư liệu quan trọng giúp Bộ môn Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam đưa ra những căn cứ thực tiễn xác đáng, thuyết phục Bộ Giáo dục Đào tạo trong việc phê duyệt Đề án mở mã ngành Giới và Phát triển hệ đào tạo Đại học tại Học viện. Đồng thời, Hội thảo cũng mở ra nhiều ý tưởng mới cũng như cơ hội mới cho Học viện Phụ nữ Việt Nam trong đào tạo và nghiên cứu giới trong tương lai phát triển rộng mở của Việt Nam nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung.