Về phía lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có sự tham dự của đồng chí Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đại diện các ban, đơn vị thuộc TW Hội.
Về phía Tổ chức nhân dân Úc vì Y tế Giáo dục và Phát triển hải ngoại (APHEDA) có sự tham gia của bà Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện Tổ chức.
Về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam có PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện, lãnh đạo, giảng viên, nghiên cứu viên thuộc các đơn vị tại Học viện.
Hội thảo còn có sự tham dự của các thành viên thuộc hội đồng cố vấn, hội đồng biên tập Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam, các nhà khoa học, học giả; giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; chuyên gia các lĩnh vực Chính trị, Giới và phát triển, Luật, Xã hội học và cá nhân quan tâm tới chủ đề Hội thảo; Đại diện lãnh đạo Bộ, ban, ngành; Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tỉnh thành phố, quận, huyện, xã phường thị trấn; Đại diện một số trường Đại học, Học viện (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học KH xã hội và Nhân văn, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Công đoàn, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Khoa học xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngoại giao…), các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức trong nước về bình đẳng giới; Lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Phóng viên báo Nhân dân, báo Phụ nữ Việt Nam, báo Dân trí, Đài TH Hà Nội có tham dự và đưa tin về hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS, Dương Kim Anh khẳng định: Quyền của phụ nữ là vấn đề mang tính thời đại. Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ là giải pháp quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới. Ngày nay, vai trò và năng lực của phụ nữ càng được khẳng định ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội; đồng thời là tiền đề để hiện thực hoá các quyền con người khác. Việt Nam luôn quan tâm tới việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nâng cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ. Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa XII) xác định rõ mục tiêu đến năm 2030 “phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp uỷ và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20 – 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%”. Hội thảo chính là diễn đàn thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn về nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ, đề xuất các giải pháp nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững. Là nhịp cầu nối bền chặt cho mối quan hệ hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Tổ chức APHEDA và các tổ chức trong nước về lĩnh vực Giới và phát triển; Giới trong Chính sách công, Giới trong chính trị và các lĩnh vực liên quan khác.
Đại diện tổ chức APHEDA, bà Hoàng Thị Lệ Hằng bày tỏ sự vui mừng, ấn tượng bởi sự chuẩn bị hội thảo chu đáo, nghiêm túc của Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng như sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đối với hội thảo. Với vai trò là tổ chức đoàn kết quốc tế, hỗ trợ cho phát triển kinh tế – xã hội các nước đang phát triển của Hội đồng Công đoàn Australia, APHEDA rất quan tâm và ủng hộ những chương trình vì mục tiêu bình đẳng, phát triển xã hội. Hội thảo này chính là một trong những mối quan tâm hàng đầu của tổ chức trong giai đoạn hiện nay nhằm góp phần khơi dậy, phát huy tiềm năng của phụ nữ, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Với 5 bài tham luận trình bày trực tiếp, Hội thảo tập trung thảo luận 03 chủ đề cơ bản: (1) Vai trò và tiếng nói của nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; (2) Thực trạng, giải pháp nâng cao quyền năng chính trị của phụ nữ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay; (3) Nội dung khác liên quan đến quyền và vai trò tham chính của phụ nữ.
Hội thảo đã tập trung lắng nghe 5 tham luận được chắt lọc, chọn lựa từ 26 bài viết đạt chất lượng cao với các góc độ tiếp cận đa dạng, phù hợp với mục tiêu Hội thảo đăng tải trên Tạp chí Khoa học, Học viện Phụ nữ Việt Nam, số Chuyên đề 1 với chủ đề: “Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ – Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới”.
Các tham luận tập trung chia sẻ thực trạng, khai thác tiềm năng và đề xuất giải pháp nâng cao vai trò của nữ giới trong hệ thống chính trị như: Định kiến về vai trò giới đối với lãnh đạo nữ ở hệ thống chính trị cấp cơ sở: biểu hiện và cách thức ứng phó (Trần Thị Hồng – Viện Nghiên cứu Gia đình & Giới); Chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình và an ninh – Cơ hội thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ (Phạm Thu Hiền – Chuyên gia giới); Thực trạng, giải pháp nâng cao vị thế chính trị của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới (TS. Nguyễn Hải Hữu – Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam); Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ Việt Nam – Một số gợi mở từ tư tưởng của Amartya Sen (Lê Thị Vinh, Phan Thành Nhâm – ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn); Chính sách và thực thi chính sách bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam: Thực trạng và một số hàm ý chính sách (TS. Phan Thuận, Học viện Chính trị khu vực IV; CN. Nguyễn Thanh Thủy, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang).
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan tới chủ đề hội thảo thông qua các tham luận.
Hội thảo “Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ – Giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới” thực sự là cơ hội chia sẻ, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật để thảo luận các vấn đề liên quan đến các giải pháp nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay. Các bài tham luận và những chia sẻ, trao đổi của các đại biểu tham dự đã thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ đồng thời gợi mở nhiều hướng đi, giải pháp thực tiễn thúc đẩy, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ).
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm