Tại Việt Nam, theo Điều tra quốc gia về sức khỏe sinh sản/sức khỏe tình dục năm 2017 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Bộ Y tế cho thấy, chỉ có 17,4% người ở tuổi vị thành niên, thanh niên hiểu đúng về thời điểm người phụ nữ có thể mang thai và 25,9% biết cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
Đáng chú ý, trong tổng số thanh thiếu niên tham gia điều tra, 15% cho biết đã từng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Hàng năm, Việt Nam vẫn còn khoảng 1.300 ca phá thai ở lứa tuổi 15-19. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, Việt Nam thuộc top 3 các nước có số ca phá thai cao nhất trên toàn cầu, với 1,52 triệu ca mỗi năm, chỉ sau Trung Quốc và Nga là hai nước có dân số lớn trên thế giới. Nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn và sinh con ở lứa tuổi vị thành niên.
Có những trường hợp khi biết mình mang thai thì bất chấp nguy cơ đi phá thai ở những cơ sở không đảm bảo yêu cầu nên đã dẫn đến những hệ luỵ lớn về sức khoẻ như vô sinh, nhiễm khuẩn đường sinh dục. Chính vì vậy, việc trang bị cho các bạn trẻ kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản kết hợp giáo dục kỹ năng sống là vấn đề cần thiết và cấp bách.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: “Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành viên, thanh niên giai đoạn 2020-2025 nhấn mạnh rằng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của thanh niên. Đầu tư chăm sóc sức khỏe sinh sản là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.
Tại Hội thảo, sinh viên đã được nghe TS. BS Nguyễn Thu Giang – Phó viện trưởng Viện LIGHT chia sẻ các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, biện pháp tình dục an toàn, phòng tránh thai an toàn. Theo Bác sĩ Nguyễn Thu Giang : “Sức khoẻ sinh sản sẽ đi theo các bạn suốt cuộc đời nên hiểu biết là biện pháp hữu hiệu nhất để có SKSS/SKTD tốt. Các bạn sinh viên cần rèn luyện để nâng cao hiểu biết của mình để đưa ra những lựa chọn an toàn, phù hợp nhất cho mình, đồng thời sẽ hỗ trợ cộng đồng trong tương lai sau khi ra trường ”
Cũng tại Hội thảo, Thầy Đỗ Việt Dũng – chuyên gia đầu ngành lĩnh vực CSSKSS cho thanh niên, người đã từng tham gia giảng dạy tại HVPNVN đã có những chia sẻ thú vị về mô hình chăm sóc sức khoẻ sinh sản thân thiện cho người dân tộc thiểu số. Hiện ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, những phong tục tập quán và điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, nhu cầu chăm sóc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản còn chưa được đáp ứng. Hiểu biết về bình đẳng giới và có lăng kính giới là một cấu phần quan trọng để đảm bảo cung cấp dịch vụ thân thiện cho người dân tộc thiểu số.
Hội thảo là nơi sinh viên của Khoa Giới và Phát triển chia sẻ những kết quả nghiên cứu về về vấn đề SKSS dưới lăng kính giới. Sinh viên Lý Mó Mư -K6 ngành Giới và Phát triển chia sẻ nghiên cứu liên quan đến “Hành vi chăm sóc sức khoẻ bà mẹ Hà Nhì trước khi mang thai”. Theo nhóm nghiên cứu, 65.5% các bà mẹ dân tộc Hà Nhì không đi khám thai lần nào trong suốt thai kỳ do điều kiện kinh tế khó khăn, các điểm thăm khám xa chỗ ở. Họ thường sử dụng thuốc nam, nhờ đến thầy mo và duy trì nhiều phong tục tập quán chăm sóc sức khoẻ sau sinh không dựa trên cơ sở khoa học. Do đó, các chương trình hỗ trợ cần quan tâm đặc biết đến nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số để đảm bảo họ được tiếp cận dịch vụ y tế an toàn trong thời gian trước và sau khi sinh con, góp phần giảm tỷ lệ tử vong và các rủi ro sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em trong quá trình sinh con.
Sinh viên Đỗ Thị Thanh Ngân cũng chia sẻ kết quả nghiên cứu thú vị về tiếp cận dịch vụ y tế tại bênh viện dưới góc nhìn lăng kính giới. Nam giới và phụ nữ có những bệnh lý và hành vi tiếp cận dịch vụ y tế khác nhau, việc đáp ứng nhu cầu khác nhau của các nhóm nam giới và phụ nữ giúp đảm bảo cung cấp dịch vụ thân thiện cho người bệnh.
Tại hội thảo, sinh viên đã mạnh dạn chia sẻ, đặt những câu hỏi về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, sinh viên cũng mong muốn được tư vấn, được chia sẻ các kinh nghiệm thực tập và làm việc trong các tổ chức phi chính phủ. Các câu hỏi đều được các chuyên gia đón nhận và giải đáp bằng kinh nghiệm, kiến thức và sự chân thành khiến các bạn sinh viên rất thích thú và thêm yêu chuyên ngành mình lựa chọn.
Hội thảo đã giúp giảng viên, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam có thêm những kiến thức thực tế cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản để chuẩn bị cho hành trang công việc và cuộc sống của mình. Hội thảo cũng là cơ hội kết nối và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức và chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giới và chăm sóc SKSS, giúp kết nối sinh viên các cơ hội thực tập, cơ hội việc làm ngay từ khi còn đang trên ghế nhà trường.
Kể từ khi được thành lập, Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các chủ đề, các hoạt động về chăm sóc sức khỏe sinh sản. Một trong những môn học chuyên ngành của Chương trình cử nhân Giới và Phát triển là môn Giới trong Chăm sóc sức khỏe, được sinh viên quan tâm, ưa thích bởi môn học gắn với thực tiễn cuộc sống. Rất nhiều môn học trong chương trình đào tạo giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thúc đẩy bình đẳng giới trong CSSK nói chung và CSSKSS nói riêng.