Sáng ngày 16/01/2018, tại tòa nhà Lotte, đường Liễu Giai, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, được sự tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Lao động – Thương binh &Xã hội (MOLISA) đã phối hợp với và Quỹ Dân số của Liên Hơp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” với sự tham gia của đại biểu đại diện cho Cơ quan Phát triển phụ nữ của Liên Hợp Quốc (UN WOMEN), UNFPA, Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA); MOLISA, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… và nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Hội thảo khởi động dự án:“Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Doãn Ngọc Diệp, thứ trưởng MOLISA đã bày tỏ sự quan ngại trước thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang diễn biến hết sức phức tạp ở Việt Nam mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong các hoạt động phòng ngừa và ứng phó. Đồng thời, bày tỏ tình cảm đối với KOICA và UNFPA là các đối tác thường xuyên và lâu dài của Việt Nam trong lĩnh lực phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Ông Doãn Ngọc Diệp, thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh& Xã hội phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng mọi người đều có quyền sống mà không có bạo lực, đó là quyền cơ bản nhất của con người. Để giải quyết vấn đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, cần phải có sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, trong đó MOLISA là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới có vai trò đầu mối; các Bộ Công an, Tư pháp và các tổ chức xã hội cần tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Bà Astrid Bant, trưởng đại diện Quỹ Dân số của Liên Hơp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) phát biểu tại Hội thảo.
Cũng tại hội thảo, Bà Lee Mi – Kyung, Chủ tịch KOICA khẳng định “Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em là hình thức phạm tội, những người gây bạo lực với phụ nữ và trẻ em thường là những người gần gũi với nạn nhân, họ thường im lặng, không nói ra tình trạng bị bạo lực của mình, cũng không tố cáo hành vi bạo lực, rất khó để phát hiện, để ngăn chặn kịp thời; vì vậy, các chính phủ cần phải xây dựng chính sách, pháp luật để bảo vệ họ. Tôi mong rằng Việt Nam cũng như Hàn Quốc là những đất nước yêu chuộng hòa bình sẽ cùng nhau ngăn chặn bạo lực gia đình”.
Bà Lee Mi – Kyung, Chủ tịch cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phát biểu tại hội thảo
Phiên thảo luận do ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới, MOLISA và ông Lê Bạch Dương, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam điều hành. Hội thảo đã nghe tham luận về Bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam và giới thiệu về gói dịch vụ thiết yếu ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ của đại diện vụ Bình đẳng giới; giới thiệu về các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới ở tỉnh Quảng Ninh. Các đại biểu Bộ Y tế; Học viện Quản lý giáo dục; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh…và nhiều đại biểu khác đã phát biểu ý kiến đóng góp tâm huyết
Ông Lê Bạch Dương chia sẻ mong muốn của UNFPA về tính bền vững của dự án và nhấn mạnh vai trò của Vụ Bình đẳng giới trong việc triển khai các hoạt động của Dự án. Ông Phạm Ngọc Tiến đã đánhh giá cao sự cam kết của các đơn vị tham gia dự án đồng thời bày tỏ sự cảm kích đối với các đại biểu về tham dự Hội thảo.
Ông Lê Bạch Dương – Đại diện cho Quỹ dân số của Liên Hợp Quốc phát biểu tổng kết Hội thảo
Dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” có mục tiêu góp phần thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 thông qua việc xây dựng mô hình hỗ trợ phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, đồng thời tăng cường môi trường chính sách để phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, các thực hành có hại và cung cấp dịch vụ liên ngành thông qua đẩy mạnh quan hệ đối tác với các tổ chức xã hội. Thông qua dự án, góp phần thực hiện các chỉ tiêu của chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030 của các quốc gia trên toàn cầu
Dự án hướng tới việc nâng cao nhận thức về bạo lực giới, đặc biệt là bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái tại nơi công cộng và nơi làm việc; tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ y tế, tư pháp, và xã hội thông qua các chiến dịch truyền thông. Hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, người cung cấp dịch vụ để cung cấp các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ nạn nhân của bạo lực giới. Xây dựng mô hình điểm can thiệp phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Quảng Ninh
Thụ hưởng trực tiếp từ dự án này sẽ có hàng triệu nam giới và phụ nữ Việt Nam không chỉ ở tỉnh Quảng Ninh mà trong phạm vi toàn quốc; các nhà hoạch định chính sách; các nhà nghiên cứu, các cán bộ quản lý; người cung cấp các dịch vụ; cán bộ công tác xã hội; cán bộ làm công tác bình đẳng giới; nạn nhân của bạo lực và người gây bạo lực. Ngoài ra, các nhóm thụ hưởng gián tiếp của dự án có cán bộ trung ương và địa phương ở vùng dự án; các tổ chức xã hội và các bên liên quan có cung cấp dịch vụ cho nạn nhân; cộng đồng và các tổ chức hoạt động về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.
Dự án do UNFPA và Viện Quyền con người của phụ nữ Hàn quốc (WHRI) quản lý, triển khai thực hiện. Chủ dự án là Vụ Bình đẳng giới, MOLISA. Dự án dự kiến sẽ thực hiện từ 2018 – 2020 tại Trung ương, Quảng Ninh và một vài khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận.
Các đối tác của dựa án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam”.
Để đạt được các mục tiêu nói trên, dự án sẽ triển khai 05 hoạt động, gồm: (i) Tổ chức các chiến dịch truyền thông quốc gia về bạo lực trên cơ sở giới, tập trung vào chủ để bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái; nâng cao nhận thức và tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới tại tỉnh Quảng Ninh. (ii) Hỗ trợ nâng cấp đường dây nóng và nâng cấp cơ sở hạ tầng của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh để cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm cả hệ thống phần mềm ghi chép số liệu để cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ chuyển tuyến cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. (iii) Hỗ trợ thiết lập các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới bao gồm y tế, tư pháp, an toàn, xã hội, và điều phối, và đảm bảo các dịch vụ này có thể tiếp cận được. (iv) Hỗ trợ để xây dựng các tài liệu hướng dẫn, bộ công cụ để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới. Vận động cho việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới và người gây bạo lực. (v) Xây dựng kế hoạch tổng thể để nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam; vận động cho việc nhân rộng mô hình.
Tại hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận triển khai dự án giữa KOICA và UNFPA.
Lễ ký kết thỏa thuận triển khai dự án giữa Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ Dân số của Liên Hơp Quốc (UNFPA)