Với những hướng dẫn đó, các doanh nghiệp có thể nâng cao quyền năng cho phụ nữ để hỗ trợ họ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế trong mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ. Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng các doanh nghiệp ủng hộ Những nguyên tắc này. Từ tháng 10/2012, Lễ ký kết diễn ra trong buổi giới thiệu Những Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam và tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức. Những nguyên tắc này nhằm mục tiêu thúc đẩy giới và hỗ trợ phụ nữ được bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội việc làm, trong đào tạo cũng như bình đẳng trong chi trả lương và thu nhập. Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ bao gồm:
– Thiết lập nguyên tắc lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới.
– Đối xử bình đẳng nam và nữ trong công việc, tôn trọng, hỗ trợ phụ nữ và không phân biệt nam nữ.
– Đảm bảo sức khỏe, an toàn và không có bạo lực đối với cả lao động nam và nữ.
– Khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ.
– Phát triển doanh nghiệp, chuỗi cung ứng và các hoạt động marketing nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ.
– Khuyến khích thực hiện bình đẳng giới thông qua các sáng kiến cộng đồng.
– Theo dõi và báo cáo tiến bộ trong công tác bình đẳng giới.
Thực tế cho thấy, các quốc gia có mức độ bình đẳng giới cao nhìn chung có nền kinh tế cạnh tranh hơn và tăng trưởng nhanh hơn, ngược lại, ở những nơi phụ nữ không được tham gia đầy đủ vào đời sống kinh tế và chính trị thì sự phát triển không thực sự bền vững. Như vậy, trao quyền cho phụ nữ, coi trọng hơn vai trò của phụ nữ trong tổ chức và vai trò của lãnh đạo của phụ nữ là việc làm cấp thiếp trong bối cảnh mới của xã hội. Với tình hình hiện nay, vấn đề đặt ra là “làm thế nào để trao quyền cho phụ nữ, đảm bảo sự tham gia và tiếng nói của các nhóm khác nhau trong cộng đồng và quá trình hoạch định chính sách cũng như tạo cơ hội để phụ nữ tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các chính sách bảo hộ, an sinh xã hội, không bị buôn bán và bị bóc lột.
Học viện Phụ nữ Việt Nam là đơn vị đào tạo Đại học đầu tiên được Bộ GD & ĐT cho phép đào tạo ngành Giới & Phát triển. Với đội ngũ giảng viên được đào tạo chuyên ngành Giới từ nước ngoài với nhiều năm kinh nghiệm, Học viện đang từng bước khẳng định ưu thế vượt trội trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về Giới. Đặc biệt, vấn đề hợp tác mở rộng đào tạo nâng cao năng lực thúc đẩy bình đẳng giới cho các đơn vị ngoài hệ thống Hội LHPN Việt Nam cũng được quan tâm. Để tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp, đưa các quy định về quyền bình đẳng giới vào thực tiễn, cần có sự hiểu biết và thực thi của các doanh nghiệp.
Góp phần đưa Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ vào thực thi tại các doanh nghiệp, khóa học Nâng cao năng lực thúc đẩy bình đẳng giới cho cán bộ, nhân viên Tổng công ty Sông Đà do bộ môn Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổng công ty Sông Đà tổ chức từ 12/8 đến 15/8/2015 tại trụ sở của Học viện, 68 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội.
Khai giảng khóa học Nâng cao năng lực thúc đẩy bình đẳng giới cho cán bộ, nhân viên
Tổng công ty Sông Đà
Khóa tập huấn nhằm hệ thống và nâng cao hiểu biết, nhận thức về các khái niệm giới cơ bản, công cụ phân tích giới và lồng ghép giới nhằm giúp học viên nhận thức đúng về các vai trò giới và những bất bình đẳng/định kiến giới trong các lĩnh vực quản lý của doanh nghiệp, cụ thể như: quản lý nhân sự, quản lý sản xuất, markettinh… Khóa học còn chia sẻ các sáng kiến về thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp, tạo cơ hội, điều kiện bình đẳng cho lao động nam và nữ. Đây sẽ là những kiến thức, kinh nghiệm để doanh nghiệp có thể vận dụng phù hợp trong xây dựng các kế hoạch hành động thúc đẩy bình đẳng giới của doanh nghiệp.
Trong cả khóa học, các học viên sẽ được tiếp nhận các nội dung: Một số vấn đề cơ bản về Giới trong doanh nghiệp, Kỹ năng phân tích giới, lồng ghép giới trong doanh nghiệp, nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại doanh nghiệp, thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp do các giảng viên bộ môn Giới và Phát triển của Học viện và các chuyên gia về Giới của Liên Hợp Quốc, Mạng lưới doanh nhân nữ Asean giảng dạy.
Kết quả thành công của khóa tập huấn này sẽ mở rộng sự phối hợp giữa Học viện và các doanh nghiệp khác, tiếp tục thiết kế các khóa học Thúc đẩy bình đẳng giới trong doanh nghiệp – một lĩnh vực mới nhưng vô cùng hữu ích cho sự phát triển và thịnh vượng chung cho xã hội của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Thay lời kết luận, chúng tôi muốn mượng lời của ngài Georg Kell, Tổng giám đốc UN Global Compact như sau: “Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ có đề phụ là Bình đẳng có nghĩa là Kinh doanh bởi vì sự tham gia một cách đầy đủ của phụ nữ mang đến lợi ích cho việc kinh doanh, và thực sự là cho tất cả chúng ta. Với những thông tin thu thập được từ những chính sách và thực hành kinh doanh của các đơn vị hang đầu trong các lĩnh vực khác nhau trên toàn thế giới, Bộ Nguyên tắc này đưa ra cách tiếp cận thực tiễn để giúp phụ nữ đi lên và chỉ ra con đường tới một tương lai thịnh vượng hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người.”