Chương trình tập huấn hướng đến mục tiêu chính là: Hiểu sâu sắc và toàn diện về 9 tiêu chuẩn nhân đạo cốt lõi và các chỉ số, xây dựng sự tự tin và áp dụng thành công CHS trong bối cảnh hoạt động nhân đạo ở Việt Nam.
Thành viên tham gia chương trình tập huấn gồm: Nhóm cứu trợ khẩn cấp của Oxfam; cán bộ Tổng cục phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các cơ quan LHQ – các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội dân sự làm việc về quản lý thiên tai tại Việt Nam (Plan International, Church World Service, Christoffel Blindenmision, Save the children, Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội Huế, Trung tâm phát triển cộng đồng Hà Tĩnh, Trung tâm phát triển và bảo tồn nguồn nước,…) và các cơ quan giảng dạy, nghiên cứu khác.
Tài liệu sử dụng trong chương trình tập huấn bao gồm: Bộ tài liệu giới thiệu về Tiêu chuẩn Cốt lõi về chất lượng và Trách nhiệm giải trình của hoạt động Nhân đạo – CHS; Các hướng dẫn và Chỉ số CHS; Bản trình bày nội dung của CHS và hướng dẫn thực hành.
Sau hai ngày tham dự chương trình tập huấn, các học viên đã nắm vững 09 cam kết thực hiện trong công tác chuẩn bị và ứng phó, viện trợ nhân đạo; nắm rõ các khái niệm và thuật ngữ cốt lõi được sử dụng trong CHS; có khả năng hỗ trợ phát triển tiêu chí chất lượng và chia sẻ, học tập về CHS; tiến hành các hoạt động thực hiện cam kết theo CHS; hiểu rõ trách nhiệm và phát huy năng lực hỗ trợ tổ chức mình thực hiện có hệ thống các hành động chính CHS.
Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam là đối tác của Oxfam đã được mời tham gia chương trình tập huấn. Các giảng viên và một số sinh viên của Khoa đã tham gia tích cực 02 ngày tập huấn. Qua lớp tập huấn, giảng viên và sinh viên của Khoa đã được tiếp nhận các kiến thức về Tiêu chuẩn Cốt lõi về chất lượng và Trách nhiệm giải trình của hoạt động Nhân đạo – CHS; thực hành kịch bản diễn tập “Đánh giá nhu cầu và lập kế hoạch cứu trợ dựa trên CHS”. Nhiều bài học ý nghĩa đã được đúc rút, vấn đề cứu trợ khẩn cấp phải tuân thủ 3 yếu tố then chốt: (1) Cứu trợ phù hợp với nhu cầu và đảm bảo thời gian nhanh nhất; (2) Quyền của người được cứu trợ phải đảm bảo, nhất là quyền phản hồi thông tin, đảm bảo cứu trợ đạt hiệu quả; (3) Năng lực và kỹ năng của người cứu trợ phải tốt để cam kết công tác cứu trợ có kết quả. Ngoài ra, còn có các bài học về đánh giá nhanh, báo cáo nhanh sau thiên tai, từ đó viết đề xuất dự án xin tài trợ. Những câu chuyện điển hình cùng các hình ảnh khi đi đánh giá nhanh sau thiên tai sẽ là những điểm nhấn quan trọng để xin tài trợ từ các tổ chức quốc tế và phi chính phủ.
Khóa tập huấn thực sự có ý nghĩa với các đối tác được mời tham gia, không chỉ bởi được tiếp cận các tiêu chuẩn và giá trị hoạt động nhân đạo cứu trợ người dân và cộng đồng trong các thảm họa thiên tai vô cùng khắc nghiệt như hiện nay mà còn là sự kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường sức mạnh về nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo trong tương lai ở Việt Nam.