Được sự định hướng, chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, kể từ tháng 11/2014, Bộ môn Giới và Phát triển – với tư cách là đầu mối xây dựng Đề án mở ngành Giới và Phát triển đã tích cực chuẩn bị các hồ sơ, nội dung cần thiết theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo như tờ trình, báo cáo luận cứ khoa học mở mã ngành, chương trình đào tạo đến các đề cương, năng lực của cơ sở đào tạo. Ngày 30/1/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 497/QĐ-BGDĐT-GDĐH đồng ý để Học viện Phụ nữ Việt Nam được tự thẩm định chương trình đào tạo ngành Giới và Phát triển trình độ đại học.
Báo cáo luận cứ khoa học mở mã ngành Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh rằng bình đẳng giới là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua. Quan điểm bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ được thể hiện rõ trong văn kiện đại hội Đảng các nhiệm kỳ, các bản hiến pháp và được thể chế bằng luật pháp, chính sách. Quan điểm bình đẳng giới được thể hiện một cách toàn diện trong Luật Bình đẳng giới (2006), thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định nam nữ bình đẳng mọi mặt trong tất cả các lĩnh vực, không chỉ bình đẳng về quyền lợi mà còn bình đẳng về nghĩa vụ. Trên thực tế, để thúc đẩy bình đẳng giới cần tính đến những điều kiện và hoàn cảnh khác biệt của cả hai giới nam và nữ. Bình đẳng giới không có nghĩa là đối xử với mọi người như nhau mà cần tính đến những xuất phát điểm khác nhau của họ, nhu cầu khác nhau, vai trò và vị trí khác nhau. Vì thế, cần phải hướng tới bình đẳng giới thực chấtthông qua các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.
Sau 8 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ nhưng thực trạng bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Định kiến giới, phân biệt đối xử về giới vẫn tồn tại; phụ nữ thường phải làm các công việc dễ bị tổn thương, thu nhập không ổn định, họ phải gánh vác hầu hết các công việc nhà vốn không được trả công và chiếm nhiều thời gian. Nhận thức giới nhìn chung còn yếu và thiếu đồng bộ. Đặc biệt là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về giới. Báo cáo luận cứ khoa học mở mã ngành Giới và Phát triển của Học viện cũng nhấn mạnh rằng giới được đào tạo ở nhiều nước trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau, ở các cấp độ đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Hiện có ít nhất hơn 100 trường đại học trên thế giới đào tạo chuyên ngành giới ở bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ), ít nhất hơn 50 trường đào tạo chuyên ngành giới ở bậc đại học. Tuy nhiên, tại Châu Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), số trường đại học đào tạo chuyên ngànhgiới còn quá ít, đặc biệt là ở trình độ đại học để có thể cung cấp cho sinh viên những kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành giới cơ bản.
Chương trình đào tạo Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam được thiết kế theo hướng hiện đại, khoa học, phù hợp với đặc thù của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Chương trình gồm 128 tín chỉ, được đào tạo trong 4 năm. Về kiến thức, ngoài các kiến thức giáo dục đại cương, ngành Giới và Phát triển cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về giới, mối quan hệ liên ngành giữa giới và các lĩnh vực phát triển. Về kỹ năng, chương trình cung cấp cho sinh viên một số kỹ năng cơ bản như kỹ năng mềm, kỹ năng tư duy, phát hiện vấn đề có nhạy cảm giới, kỹ năng phân tích lồng ghép giới, kỹ năng tư vấn giới cho các chương trình dự án phát triển, kỹ năng tham mưu, đề xuất chính sách, kỹ năng phản biện xã hội. Với những kiến thức, kỹ năng toàn diện, sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội việc làm tại nhiều cơ quan, tổ chức như các tổ chức chính trị xã hội, các ban ngành từ Trung Ương đến địa phương, các chương trình, dự án phát triển, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, v.v.
Phát biểu tại Hội nghị thẩm định, Chủ tịch Hội đồng thẩm định – Tiến sĩ Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, việc mở ngành Giới và Phát triển chính là phát huy thế mạnh của Học viện Phụ nữ Việt nam và Hội LHPN Việt Nam trong đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ. Đào tạo đại học chuyên ngành Giới và Phát triển sẽ là cơ sở để thực hành đào tạo cao học chuyên ngành này ở Học viện phụ nữ Việt Nam trong tương lai gần. Hiện nay Học viện đang tích cực tìm hiểu và triển khai cơ hội hợp tác đào tạo sau đại học với các nhà trường, học viện nước ngoài trong đào tạo Giới và Phát triển. Tại Hội thảo thẩm định, PGS. TS. Hoàng Bá Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội thuộc ĐH KHXH và Nhân văn, ĐH Quốc gia chia sẻ rằng ĐH Quốc gia sẵn sàng hợp tác với Học viện Phụ nữ Việt Nam trong đào tạo cao học Giới và Phát triển.
Các thành viên Hội đồng thống nhất thông qua Chương trình đào tạo Giới và Phát triển hệ Đại học của Học viện Phụ nữ Việt Nam với số phiếu tuyệt đối (5/5). Hội nghị thẩm định Chương trình đào tạo Giới và Phát triển đã kết thúc tốt đẹp. Đây là kết quả khả quan bước đầu khuyến khích Bộ môn Giới và Phát triển và Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng Đề án để kịp trình Sở Giáo dục và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tháng 3 và tháng 4 năm nay. Hy vọng rằng Học viện Phụ nữ Việt Nam có thể tuyển sinh chuyên ngành Giới và Phát triển trong năm học 2015-2016.