Tham dự hội thảo có sự hiện diện của TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện, TS. Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện kiêm Trưởng khoa Giới và Phát triển; bà Vũ Phương Ly, bà Nguyễn Thúy Anh, chuyên gia UN Women; cán bộ giảng viên, sinh viên Học viện; đại diện Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Quang Tiến đề cao ý tưởng tổ chức hội thảo phối kết hợp với việc trao học bổng Vừ A Dính của Báo thiếu niên Tiền phong cho 20 sinh viên dân tộc thiểu số của Khoa Giới và Phát triển và trao giải thưởng cuộc thi ‘Tự hào về ngành giới và phát triển”. Đặc biệt, với chủ đề: ‘Giới trong tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững’ hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề năm 2017 là “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” từ 15/11 đến 15/12.
Trình bày tham luận ‘Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới – thúc đẩy phát triển bền vững‘, bà Nguyễn Thị Nga, chuyên viên Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ về các biểu hiện, hành vi bạo lực trên cơ sở giới; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống chương trình đề án Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới 2011- 2020; thực trạng bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam với các số liệu cụ thể về bạo lực với phụ nữ; xâm hại tình dục trẻ em gái; tảo hôn, ép hôn; buôn bán phụ nữ và trẻ em gái; quấy rối tình dục; nạo phá thai lựa chọn giới tính; đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với các hoạt động chính, giải pháp để cùng chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Theo nghiên cứu quốc gia của Tổng cục thống kê và LHQ năm 2010, 58% phụ nữ từng kết hôn đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong đời. Hơn 50% phụ nữ bị bạo lực không nói với bất cứ ai và 87% phụ nữ bị bạo hành thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công. Bên cạnh đó, năm 2016, đã có hơn 1.600 vụ xâm hại trẻ em, trong đó trẻ em gái chiếm 84% số nạn nhân. Cũng trong năm 2016, đã có 600 nạn nhân bị buôn bán, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái…
Với chủ đề Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) bà Vũ Phương Ly đã điểm qua các khái niệm, nguyên tắc và mục tiêu bình đẳng giới trong SDGs; bình đẳng giới trong mục tiêu 5 và lồng ghép trong các mục tiêu khác và nêu các khuyến nghị để Việt Nam đạt được bình đẳng giới thông qua SDGs. Các khuyến nghị được đề xuất dựa trên cách tiếp cận “toàn chính phủ” về vấn đề bình đẳng giới; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động để thực hiện SDGs ở cấp quốc gia và địa phương cần triển khai trên cở sở các cam kết hiện hành đối với mục tiêu bình đẳng giới như Công ước Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và kết quả từ cuộc rà soát 20 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh; sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự của phụ nữ là rất quan trọng để đảm bảo tính trách nhiệm giới…Nhất là việc giải quyết các vấn đề gốc rễ của nghèo đói và bất bình đẳng, yêu cầu mang tính toàn cầu về sự phát triển đem lại lợi ích cho tất cả mọi người để không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng chia sẻ những phát hiện chính từ nghiên cứu “Hướng tới bình đẳng giới tại Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ” của UN Women với các đại biểu tham gia hội thảo. Về mặt tổng quan, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Campuchia, Lào, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam là một quốc gia mà tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ tương đối cao 73% ở phụ nữ và 82% ở nam giới. Đây là một tín hiệu mừng khi khoảng cách về giới trong tham gia lực lượng lao đọng của Việt Nam chỉ là 9% thấp hơn các nước khác, và thấp hơn mức trung bình toàn cầu là 25%. Tuy nhiên hiện nay phụ nữ làm những công việc dễ bị tổn thương nhiều hơn nam giới. Khoảng cách về giới đặc biệt cao đối với lao động lớn tuổi. Nhóm người dân tộc thiểu số là nhóm dễ bị tổn thương nhất, và đồng thời họ tham gia nhiều nhất vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp…Vấn đề đặt ra là cần xem xét nền kinh tế thông qua lăng kính giới; cần giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong phân bổ tài sản, công việc nội trợ và chăm sóc không được trả lương của phụ nữ, khoảng cách về giới trong lao động, thu nhập; phúc lợi và mức sống đầy đủ cho mọi người là một mục tiêu trọng tâm của các chính sách kinh tế…
Trong hội thảo, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã trao 20 suất học bổng của Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Báo Thiếu niên Tiền phong cho các sinh viên người dân tộc thiểu số đạt thành tích tốt trong học tập và rèn luyện của khoa Giới & Phát triển.
Khoa Giới và phát triển cũng trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tác nghệ thuật ‘Tự hào về ngành Giới và Phát triển’ cho 6 sinh viên đoạt giải với các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích.