Hiện tại, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã và đang ký Thỏa thuận hợp tác về Dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới vại Việt Nam” với Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) vào ngày 26/06/2020. Khoa Giới và Phát triển là đơn vị kết nối và được giao đầu mối thực hiện Dự án tại Học viện, trực tiếp triển khai các hoạt động hợp tác với Đối tác CISDOMA.
- Giới thiệu sơ lược về Dự án Thanh niên và Bình đẳng giới
Dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”, được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, và thực hiện bởi Oxfam tại Việt Nam cùng các đối tác TUVA Communication, Viện CISDOMA, RED Communication, và Hội nhà báo Việt Nam. Hợp phần thuộc Viện CISDOMA phụ trách được triển khai 05 trường đại học tại ba miền trên cả nước, bao gồm: Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Hà Nội; Đại học Đà Nẵng; và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Dự án hiện đang triển khai hoạt động năm thứ 4, cũng là năm cuối, và sẽ kết thúc vào tháng 4 năm 2024.
Dự án triển khai tại Học viện tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức, vai trò của thanh niên trong việc xóa bỏ định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, với các hoạt động cụ thể như: Tọa đàm về bình đẳng giới; Lồng ghép giới trong các hoạt động giảng dạy; Tập huấn nâng cao kiến thức giới cho giảng viên, sinh viên 05 trường đại học đối tác trong Dự án; Thực hiện các tiểu dự án Sáng kiến về Giới của sinh viên…
- Giới thiệu về đối tác CISDOMA
Tại nguồn: https://cisdoma.org.vn/gioi-thieu-to-chuc/
Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) là một Tổ chức phi chính phủ (NGO) được thành lập theo Quyết định số 25 / QĐ-TW ngày 22/5/2000 của Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam (SEARAV). Thông qua tư vấn và hợp tác trong việc thực hiện các dự án phát triển bền vững trong các lĩnh vực khác nhau, hoạt động của CISDOMA đang nhắm tới:
- Nâng cao năng lực, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của các nhóm thiệt thòi, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái, người nông dân nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương khác;
- Tăng cường năng lực của các tổ chức địa phương trong việc lập kế hoạch và thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn và miền núi của Việt Nam;
- Cung cấp các thông tin và phản hồi từ cơ sở để đóng góp cho quá trình hoạch định và triển khai các chính sách và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Từ khi thành lập, CISDOMA đã thực hiện nhiều dự án can thiệp ở cấp cơ sở, và các nghiên cứu, khảo sát về các chủ đề liên quan đến quyền phụ nữ, dân chủ ở cơ sở, Nông nghiệp bền vững, biến đổi khí hậu và sinh kế thích ứng, chuỗi giá trị và xây dựng năng lực cho các cộng đồng dân tộc thiểu số. CISDOMA là thành viên sáng lập của Mạng lưới Xã hội Dân sự vì An ninh lương thực và Giảm nghèo (CIFPEN), là thành viên tích cực của một số mạng ở cả cấp khu vực và Quốc gia trong đó có Liên minh Nông nghiệp sinh thái ASEAN (ALiSEA), Liên minh đất đai (LANDA), Liên minh đất rừng, Liên minh Nông nghiệp… Viện cũng đã tích cực tham gia vào các diễn đàn chính sách khác nhau liên quan đến vấn đề Phát triển nông thôn.