Ngành Giới và Phát triển sẽ học những gì?

Ngành Giới và Phát triển là ngành khoa học liên ngành, giúp sinh viên nâng cao kiến thức và kỹ năng về phân tích giới, lồng ghép giới và các công cụ khác để hiểu rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp giúp thúc đẩy bình đẳng giới, công bằng xã hội, và phát triển bền vững. Chương trình học sẽ tìm hiểu về vai trò giới, quan hệ giới, nhu cầu giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như giới và chính trị, giới và kinh tế, giới và truyền thông đại chúng, giới và văn hóa và gia đình, giới trong chăm sóc sức khỏe, giới trong biến đổi khí hậu.

Sinh viên sau khi ra trường bên cạnh các kiến thức kỹ năng nghiên cứu, phân tích, kỹ năng lập kế hoạch, xây dựng và quản lý dự án, kỹ năng tư vấn, tập huấn, vận động chính sách liên quan đến giới và xã hội, mà còn hiểu sâu về một số lĩnh vực phát triển góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. Bên cạnh đó sinh viên ngành giới và phát triển sẽ được học chuyên sâu các kỹ năng về tiếng Anh, tư duy phản biện, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng lãnh đạo và đổi mới, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng viết, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tập huấn về bình đẳng giới và đa dạng tính dục, kỹ năng thiết kế, hoạch định và quản lý dự án, kỹ năng truyền thông và vận động chính sách.

Đây cũng là ngành học liên ngành và định hướng công dân toàn cầu cho nên sinh viên ngành giới và phát triển được trang bị nhiều kỹ năng để phát triển bản thân như một công dân toàn cầu.

 

Nhu cầu nhân lực ngành Giới và Phát triển ngày càng cao

Cùng với sự phát triển của xã hội, ở đâu có con người ở đó có những vấn đề giới, vấn đề phát triển như bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, nghèo đói, ô nhiễm môi trường…. Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu thứ 5 trong các Mục tiêu Phát triển bền vững. Luật Bình đẳng giới được ban hành năm 2006, và đến nay Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng Giới và hàng loạt các chính sách khác khẳng định Việt Nam đang đẩy mạnh mục tiêu bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có một đội ngũ nhân lực có kiến thức và kỹ năng để thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng xã hội trong các lĩnh vực.

Luật Bình đẳng giới và một số văn bản luật khác cũng quy định cần thực hiện lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cho nên khi một luật hoặc chính sách mới ra đời và sửa đổi, cần phải có lồng ghép giới và đánh giá tác động giới. Cho nên cần một đội ngũ các chuyên gia về giới hỗ trợ cho các chương trình này.

Tại Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao Động – Thương binh và Xã hội đóng vai trò là cơ quan đầu mối thúc đẩy hoạt động này, với bộ máy phụ trách bình đẳng giới và các vấn đề xã hội từ cấp từ trung ương đến địa phương. Hiện nay đội ngũ cán bộ bình đẳng giới các cấp chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về bình đẳng giới và thực hành phát triển. Cho nên các bạn sau khi tốt nghiệp ngành giới và phát triển có thể làm trong các cơ quan phụ trách bình đẳng giới ở các cấp, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp và nhiều cơ quan ban ngành liên quan khác.

Lồng ghép giới cũng là một yêu cầu của các chương trình viện trợ đảm bảo thúc đẩy lồng ghép giới và hòa nhập xã hội trong các chương trình dự án. Vì thế nên nhiều tổ chức có cán bộ chuyên trách về giới và phải đảm bảo rằng tất cả các cán bộ của tổ chức phải có hiểu biết và thực hành lồng ghép giới trong các chương trình dự án và hoạt động của mình. Do đó, nhiều sinh viên ngành giới ra trường sẽ làm việc trong các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức phát triển. Với ngành học này, các bạn không chỉ học về bình đẳng giới, thúc đẩy lồng ghép giới mà học các kiến thức kỹ năng và thực hành phát triển như Quản lý dự án phát triển, đánh giá giám sát dự án.

Do đó, các vị trí việc làm rất rộng mở đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp::

– Cán bộ, chuyên viên hoạt động vì bình đẳng giới thuộc các cơ quan, tổ chức Chính phủ: Quốc hội – HĐND – UBND các cấp, các bộ/ngành từ trung ương đến địa phương;

– Cán bộ, chuyên viên trong hệ thống các tổ chức chính trị – xã hội từ trung ương đến địa phương;

– Cán bộ, chuyên viên làm việc trong các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ;

– Chuyên gia tư vấn giới, tư vấn xã hội cho các chương trình, dự án phát triển;

– Giảng viên, nghiên cứu viên về giới trong các Viện, Học viện, Trường Đại học,Trường phổ thông, Trung tâm hoạt động về lĩnh vực giới, phụ nữ và phát triển; Trung tâm kỹ năng sống – kỹ năng mềm.

– Cán bộ giới, cán bộ làm công tác phát triển trong các tổ chức hoạt động vì cộng động, phát triển con người;

– Chuyên viên nhân sự, chăm sóc khách hàng trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh…

– Các vị trí về truyền thông có nhạy cảm giới…

– Các vị trí việc làm tự khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khác.

Đoàn Ngọc  Hân 

Cự sinh viên K4 Giới

Hiện đang là Cán bộ dự án – Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR)

 

Diệp Văn Quỳnh

Cựu sinh viên K3 Giới

Phóng viên Tạp chí Kinh tế Chứng khoán

Tráng Thị Nguyên

Cựu sinh viên K5 Giới

Trợ lý dự án –Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA)