Biến đổi khí hậu là một thách thức mang tính toàn cầu, có tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của mọi quốc gia, đến đời sống của người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng mạnh hơn, thường xuyên hơn và gây ra các ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Nhiệt độ bề mặt trung bình của trái đất đã tăng khoảng 1,18 độ C kể từ cuối thế kỷ XIX. Theo tổ chức Khí tượng Thế giới, hai năm gần đây là những năm nóng nhất trong lịch sử. Mực nước biển toàn cầu đã tăng thêm khoảng 20 cm trong vòng 1 thế kỷ qua.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp thứ 91 trong tổng số 191 quốc gia phải đối mặt với mức độ rủi ro thiên tai cao (xét theo Chỉ số Quản lý rủi ro – INFORM), xếp thứ 16 toàn cầu về tác động nghiêm trọng do thiên tai liên quan đến khí hậu. Các hiện tượng khí hậu cực đoan và thiên tai đã gia tăng cả về cường độ và tần suất trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới có phân bố tập trung hơn vào cuối mùa bão, hoạt động chủ yếu ở phía Nam; trong đó các cơn bão mạnh đến rất mạnh có xu hướng gia tăng. Năm 2020, trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung đã để lại thiệt hại nặng nề về người và tài sản mà nhiều năm tới chưa thể khắc phục được… Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nắng hạn kéo dài ở khu vực duyên hải miền Trung như Bình Thuận, Ninh Thuận ngày càng trầm trọng, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học… đang là những thách thức lớn và khó đối với Việt Nam.

Trước những vấn đề nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đã có những hành động mạnh mẽ, đề xuất nhiều chính sách và chương trình hành động để giảm thiểu các tác động bất lợi, phòng chống rủi ro thiên tai, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu. Những khung chính sách quan trọng đã được công bố từ nhiều năm trước bao gồm: Công ước Khung về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, Khung hành động Hyogo, Khung hành động Sendai…

Việt Nam đã thể hiện sự cam kết từ rất sớm với các chính sách toàn cầu về biến đổi khí hậu và kiểm soát rủi ro thiên tai. Việt Nam tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (11/1994) và Nghị định thư Kyoto (9/2002). Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội Việt Nam thông qua từ năm 1994 và từ đó đến nay, hàng loạt chính sách, pháp luật liên quan đã được xây dựng và ban hành. Trong đó, phải kể đến Luật tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, tránh thiên tai; Luật Bảo vệ môi trường… Bên cạnh các văn bản pháp luật, các chương trình hành động cấp quốc gia, vùng và địa phương cũng được triển khai mạnh mẽ. Gần đây nhất, năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1055/QĐ-TTg Về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 438/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030”.

Mặc dù hệ thống chính sách luật pháp đã được ban hành khá đầy đủ, các chương trình hành động được triển khai rộng khắp cả nước, trên nhiều lĩnh vực nhưng nhiều vấn đề, mối liên hệ giữa giới và biến đổi khí hậu chưa được nghiên cứu đầy đủ cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Hầu hết các nghiên cứu có liên quan cũng như kết luận từ các Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về an ninh, môi trường đều đã thừa nhận biến đổi khí hậu gây ra những rủi ro an ninh đáng kể, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam năm 2020 cho biết phụ nữ và trẻ em là những người dễ bị tổn thương, có thể cao gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên. Đa số các nghiên cứu khác cũng cho thấy nữ giới có cảm nhận với rủi ro thiên tai thấp hơn nam giới và họ thường bị động hơn trong ứng phó với chúng. Có thể có nhiều nguyên nhân từ thực trạng này nhưng các nghiên cứu đã cố gắng lý giải về sự hạn chế của phụ nữ trong trong tiếp cận với các thông tin, hệ thống cảnh báo rủi ro và với các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực thích ứng. Một đặc điểm quan trọng là các mô hình sinh kế của phụ nữ thường gắn với tự nhiên và chịu ảnh hưởng bởi khí hậu, thời tiết. Vì vậy, sinh kế của nhiều phụ nữ đã và đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Phụ nữ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương hơn trước thảm họa do họ ít có cơ hội tiếp cận với các nguồn lực hỗ trợ, cho dù họ lại đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự hồi phục, phát triển của gia đình và cộng đồng sau những thiệt hại bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Thích ứng với biến đổi khí hậu là một quá trình phức tạp, đa chiều và nhiều cấp độ. Một số nghiên cứu đã cố gắng phát triển một khuôn khổ mới về sự thích ứng với tự nhiên; trong đó, có những mô hình nghiên cứu tổng hợp, đánh giá rõ ràng, kết hợp khá đầy đủ những thành tố phản ánh các tương tác quan trọng về giới và biến đổi khí hậu. Cho dù như vậy, mối quan hệ giữa giới và biến đổi khí hậu vẫn là một chủ đề khoa học cần được quan tâm nghiên cứu, tổng kết và đưa ra các thực hành tốt để có thể áp dụng trong thực tiễn, góp phần vào phát triển bền vững và bình đẳng giới.

Học viện Phụ nữ Việt Nam vinh dự được phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNWOMEN), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted), Cơ quan phát triển Thụy Điển (Srivege) và Dự án EmPower “Tăng cường quyền con người và bình đẳng giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu” tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế ‘Giới trong Biến đổi Khí hậu và Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai’. Hội thảo được tổ chức vào tháng 10, nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam cũng như ngày thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Hội thảo là diễn đàn học thuật để trao đổi, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận về mối quan hệ giới và biến đổi khí hậu, trong đó làm rõ vai trò của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Thực trạng chính sách, kinh nghiệm và các thực hành của quốc tế và Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới trong thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai cũng sẽ được hội thảo trình bày, thảo luận và đưa ra hàm ý chính sách.

Sau hơn 6 tháng công bố và kêu gọi bài viết, ban Tổ chức hội thảo đã tiếp nhận hơn 70 báo cáo khoa học bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Sau quá trình phản biện độc lập, nghiêm túc, 37 báo cáo khoa học thuộc 4 chủ đề khác nhau đã được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học. Nhìn chung, các bài viết được chọn đăng đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học cao, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn; trong đó có nhiều bài viết đến từ các nhà khoa học uy tín của nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước và quốc tế, bao gồm: Anh, New Zealand, Hàn Quốc, Hà Lan, Pháp…

Kính thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học,

Để Hội thảo thành công, đạt được các mục tiêu đề ra, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn nhận được sự tham gia, thảo luận nhiệt tình, tâm huyết của các quý vị trong suốt thời gian diễn ra Hội thảo. Bên cạnh việc lắng nghe các kết quả nghiên cứu khoa học được trình bày, rất mong các nhà khoa học và quý vị đại biểu chia sẻ thêm thông tin, tri thức liên quan đến các chủ đề của Hội thảo. Ban Tổ chức xin đề xuất 3 nội dung thảo luận như sau:

  1. Phân tích đầy đủ hơn một số vấn đề lý luận về mối quan hệ giữa Giới và Biến đổi khí hậu; trong đó, bên cạnh việc phân tích các khái niệm liên quan, cần làm rõ mức độ, chiều hướng tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai đến phụ nữ, trẻ em; thảo luận về khung phân tích sự thích ứng của phụ nữ và nam giới với biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai.
  2. Thực trạng chính sách, pháp luật quốc tế và Việt Nam có liên quan; những vấn đề giới đặt ra trong các lĩnh vực cụ thể do tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai: Quản lý tài nguyên nước, rừng, nông nghiệp, an ninh lương thực, giao thông vận tải, năng lượng, quản lý rác thải, chăm sóc sức khỏe, sinh kế và việc làm…
  3. Các kinh nghiệm và thực hành của Quốc tế và Việt Nam trong xây dựng và thực hiện các chính sách, pháp luật nhằm ứng phó với Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Kinh nghiệm và thực hành trong phân tích và lồng ghép Giới trong dự án/ mô hình thích ứng với Biến đổi khí hậu và Giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Ban tổ chức hội thảo đánh giá cao và xin trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted), Cơ quan phát triển Thụy Điển (Srivege) và Dự án EmPower “Tăng cường quyền con người và bình đẳng giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu”.

Xin đặc biệt cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, các đại biểu, các nhà khoa học đến từ các cơ quan, tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã dành thời gian và trí tuệ tham dự Hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Học viện Phụ nữ Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của quý vị trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phát triển cộng đồng; góp phần vào việc thực hiện thành công sứ mệnh, tầm nhìn của Học viện liên quan đến bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Cuối cùng, xin kính chúc sức khỏe các đồng chí Lãnh đạo, các Quý vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!