Bình đẳng giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai

Khóa họp thứ 66 của Ủy ban về Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc sẽ được tổ chức từ ngày 14-25/3/2022, coi bình đẳng giới (BĐG) là trọng tâm của các giải pháp can thiệp. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khóa họp sẽ được tổ chức trực tiếp và trực tuyến, tất cả các hoạt động bên lề và hoạt động song song sẽ diễn ra trực tuyến.

Trọng tâm của các kỳ họp đều liên quan mật thiết đến Mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG5) – Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu và Mục tiêu phát triển bền vững số 13 (SDG13) – Khẩn trương hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và các tác động của nó.

Có thể nói, BĐG trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai là một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất của thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai có những tác động nghiêm trọng và lâu dài tới môi trường, và phát triển kinh tế, xã hội.

Dưới tác động của nó, phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nam giới, do phụ nữ chiếm đa số những người nghèo trên thế giới, và phụ thuộc nhiều vào các nguồn lực tự nhiên. Để ứng phó với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, phụ nữ cần các nguồn lực khác nhau. Việc tiếp cận, đặc biệt là kiểm soát các nguồn lực này còn hạn chế so với nam giới. Bên cạnh đó, việc làm, sinh kế cho phụ nữ để phục hồi sau thiên tai là vấn đề rất cần được quan tâm giải quyết.

Phụ nữ là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh

Ảnh minh họa

Một số vấn đề giới nổi cộm, hạn chế sự phát triển bền vững của xã hội

Năm 2015 Liên hợp quốc ban hành Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), lấy mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG5) – Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu làm trọng tâm, nhấn mạnh rằng: Không thể có phát triển bền vững nếu không có tiến bộ về BĐG. BĐG mang lại lợi ích cho phụ nữ, nam giới và toàn xã hội. Đạt được BĐG tạo ra tiến bộ cho toàn nhân loại.

Chính vì vậy, BĐG và trao quyền cho phụ nữ là mối ưu tiên của các quốc gia, cũng như các diễn đàn quốc tế. BĐG là một trong những mục tiêu cốt lõi mà các quốc gia trên toàn cầu hướng tới, nhằm đạt được tiến bộ xã hội và phát triển bền vững. BĐG không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là điều kiện cơ bản để có được một xã hội hòa bình, thịnh vượng và phát triển.

Phụ nữ đại diện cho một nửa dân số thế giới, nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức so với nam giới ở mọi xã hội và nền văn hóa. Một số thách thức cơ bản phụ nữ phải đối mặt hiện nay là: Dịch bệnh, biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai, chiến tranh, bạo lực trên cơ sở giới, và gánh nặng công việc chăm sóc không lương.

Dịch bệnh Covid-19 là khủng hoảng phát triển con người, làm tăng thêm rủi ro cho tiến trình thúc đẩy BĐG. Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF, 2021) nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19 kéo lùi tiến bộ về BĐG vốn đã chậm chạp trên toàn cầu. Do ảnh hưởng của Covid-19 thời gian để xóa khoảng cách giới tăng từ 99,5 năm vào năm 2020 lên 135,6 năm vào năm 2021.

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả mọi người. Phụ nữ và trẻ em gái chịu tác động nghiệm trọng hơn, ở nhiều khía cạnh xã hội, kinh tế và chính trị do bất bình đẳng trong mối quan hệ quyền lực, chuẩn mực xã hội khắt khe và kỳ vọng xã hội đối với phụ nữ. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới phụ nữ về sức khỏe, mà còn ở nhiều khía cạnh khác. Trong đại dịch, bạo lực trên cơ sở giới xảy ra nhiều hơn đối với phụ nữ.

Báo cáo “Bạo lưc trên cơ sở giới và Covid-19” của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP, 2020) cho thấy, áp lực kinh tế xã hội do đại dịch gây ra, cùng với các chuẩn mực xã hội khắt khe, việc hạn chế đi lại và giãn cách xã hội dẫn đến sự gia tăng đáng kể bạo lực trên cơ sở giới. Nhiều phụ nữ phải đối mặt với bạo lực trong khi các dịch vụ hỗ trợ hạn chế hơn trong đại dịch. Các trường hợp bạo lực trên cơ sở giới tăng lên, khi gia tăng căng thẳng xuất phát từ đại dịch, áp lực về tiền bạc, sức khỏe, điều kiện sống khó khăn và chật chội.

Biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu khiến việc đảm bảo các nguồn tài nguyên nước, các nguồn lực, và môi trường sinh thái trở nên khó khăn, hạn chế việc thực hiện vai trò giới của phụ nữ trong xã hội. Trong biến đổi khí hậu và thiên tai, phụ nữ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với nam giới và dễ bị tổn thương hơn. Phụ nữ hạn chế hơn so với nam giới trong tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực để phòng ngừa, ứng phó và phục hồi trước thiên tai và biến đổi khí hậu.

Sự tham gia, tiếng nói và quyền quyết định của phụ nữ trong quản lý rủi ro thiên tai cũng hạn chế. Biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực hơn đối với phụ nữ, đặc biệt là tình trạng nghèo đói, thiếu nơi ở an toàn, điều kiện nước sạch, vệ sinh môi trường thiếu thốn và hạn chế về chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Chiến tranh, hiện vẫn còn hiện hữu ở một số quốc gia trên thế giới. Giá trị của hòa bình đối với phụ nữ là giá trị nhân văn và bền vững. Hòa bình không chỉ giúp phụ nữ được sống trong một môi trường ổn định, mà còn thúc đẩy việc bảo vệ nhân phẩm con người của phụ nữ, góp phần hiện thực hóa quyền phụ nữ, quyền con người và quyền BĐG. Bên cạnh đó, phụ nữ là tác nhân quan trọng trong thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và gắn kết xã hội.

Phụ nữ đóng vai trò trọng tâm trong việc ngăn ngừa các rạn nứt xã hội, khôi phục sự tự tin của cộng đồng và duy trì hòa bình, phát triển. Sự tham gia và ảnh hưởng của phụ nữ trong các vấn đề về hòa bình, an ninh rất quan trọng, không chỉ đảm bảo thực hiện quyền phụ nữ, quyền con người, quyền BĐG, mà còn là cơ sở để xây dựng nền tảng vững chắc cho một xã hội công bằng và hòa bình.

Chiến tranh xảy ra ở Ucraina, Afghanistan, Ethiopia, và Myanmar khiến nhiều phụ nữ, trẻ em phải sống trong bất ổn. Báo cáo năm 2021 của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh đưa ra lời kêu gọi hành động khẩn cấp để giảm chi tiêu quân sự và tăng đầu tư vào xây dựng hòa bình, giáo dục, y tế và các chương trình công cộng khác. Có thể nói, trong chiến tranh, đối tượng chịu thiệt thòi nhất là phụ nữ và trẻ em, với các rủi ro bạo lực trên cơ sở giới, mất an toàn, thất học, nghèo đói và thiếu thốn về cơ sở hạ tầng.

Bạo lực trên cơ sở giới, cho tới nay, vẫn là vấn đề nóng trên toàn cầu. Khắp nơi trên thế giới, bạo lực trên cơ sở giới vẫn tồn tại và là vấn đề nhức nhối bởi bạo lực giới là tội ác, vi phạm quyền con người, nhân phẩm con người, đặc biệt là quyền và nhân phẩm của phụ nữ.

Theo thông tin trên website của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong suốt cuộc đời của mỗi con người, cứ 1 trong 3 phụ nữ, tức là khoảng 736 triệu phụ nữ gặp phải các vấn đề bạo lực thể chất hoặc tình dục bởi chồng hay người bên ngoài gia đình. Phụ nữ trẻ tuổi có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới cao nhất, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi 15-24. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, đại dịch làm tăng nguy cơ bạo hành với phụ nữ và trẻ em, cả về thể xác, tinh thần, và bạo lực tình dục.

Đóng góp của phụ nữ trong việc duy trì, phát triển gia đình là rất quan trọng. Tuy nhiên, đóng góp của họ trong công việc chăm sóc không lương lại chưa được tính vào GDP của mỗi quốc gia. Do công việc chăm sóc không lương chưa được “lượng hóa” nên đóng góp này của phụ nữ thường chưa được ghi nhận đầy đủ.

Vì một ngày mai bền vững

Cần thay đổi hệ tư tưởng giới phụ quyền, trọng nam khinh nữ, để luật pháp chính sách không bị ảnh hưởng trực tiếp của hệ tư tưởng này. Lồng ghép giới trong luật pháp, chính sách để luật pháp chính sách có nhạy cảm giới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu, kỳ vọng của đối tượng hưởng lợi.

Các quy định về giới cần được đẩy mạnh trong hệ thống luật pháp, chính sách để bảo đảm giải quyết và ngăn chặn thành công các tác động tiêu cực đối với phụ nữ. Các cơ quan, tổ chức cần coi BĐG là giá trị cốt lõi để đảm bảo quyền, nhân phẩm con người, đảm bảo việc làm bền vững, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của người lao động.

Lãnh đạo các cơ quan tổ chức cần cam kết hành động thúc đẩy BĐG, xây dựng tổ chức thân thiện giới, áp dụng phương pháp lãnh đạo đa dạng khuyến khích sự sáng tạo của phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương, áp dụng các nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc.

Xác định thúc đẩy BĐG là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cộng đồng và cá nhân, như quy định trong Luật BĐG. Mỗi cá nhân, cần ý thức được rằng, BĐG là tiến bộ chung của toàn xã hội, có tác động trực tiếp đến chính bản thân mình. Vì vậy, cần xóa bỏ các định kiến giới, nói không với phân biệt đối xử theo giới.

Mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện các quy định phòng dịch, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh. Thân thiện với môi trường, không vứt rác bừa bãi. Giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc giảm phương tiện giao thông cá nhân, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Nói không với các hành vi bạo lực trên cơ sở giới, tôn trọng quyền, nhân phẩm của phụ nữ và các đối tượng yếu thế.