Đây là nghiên cứu so sánh đầu tiên về tình trạng bỏ cuộc trong số các trường hợp trình báo về bạo lực tình dục tại Châu Á nói chung, trong đó có Thái Lan và Việt Nam. Nghiên cứu khắc hoạ rõ hơn bức tranh về hệ thống tư pháp hình sự trong xử lý các vụ án đối với phụ nữ, những người bị hiếp dâm và tấn công tình dục. 

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo. Nguồn: Báo Pháp luật và xã hội

Nghiên cứu tập trung vào nữ nạn nhân bị hiếp dâm và bị tấn công tình dục, bao gồm cả toan tính hiếp dâm và tấn công tình dục, tìm kiếm công lý thông qua hệ thống tư pháp hình sự chính thức. Nghiên cứu đã tiến hành rà soát 120 hồ sơ vụ việc của cảnh sát, của toà án hai nước và  phỏng vấn định tính, thảo luận nhóm với 213 người.

Nghiên cứu cho thấy phụ nữ trình báo các vụ việc về hiếp dâm tại Thái Lan và Việt Nam thường gặp phải những rào cản trong việc tiếp cận công lý do những giá trị, hình mẫu, thông lệ văn hoá, xã hội mang tính phân biệt đối xử. Nạn nhân cũng thiếu hiểu biết và có ít khả năng tiếp cận thông tin về quyền của họ khi họ đi qua các hệ thống tư pháp hình sự và quy trình tố tụng phức tạp.

Ở cả Thái Lan và Việt Nam, tình hình nạn nhân bị thúc giục hoà giải ngay giai đoạn đầu rất cao. Nạn nhân thường được yêu cầu kể lại câu chuyện của mình nhiều lần và được đối xử thiếu tôn trọng và thiếu tế nhị. Công an thường không lập biên bản vụ việc, hoặc nếu có lập biên bản họ sẽ không tiến hành điều tra, điều tra không đầy đủ hoặc trì hoãn điều tra.

Thủ tục tố tụng của toà án kéo dài rất lâu và thường tập trung vào chứng cư pháp y hoặc chứng cứ vật chất, ít coi trọng chứng cứ là lời khai nạn nhân. Bên cạnh đó, các cơ sở vật chất nơi cơ quan điều tra thiếu thân thiện với phụ nữ và nạn nhân như công an, toà án hay nơi thực hiện giám định pháp y.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã bàn luận những giải pháp thiết thực để tỷ lệ bỏ cuộc trong việc xét xử tội hiếp dâm có thể thay đổi. Nguy cơ bỏ cuộc của nạn nhân bị bạo lực tình dục phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như việc tiếp cận công an, yêu cầu về thời hạn nạn nhân có thể trình báo vụ việc bạo lực tình dục, các chi phí liên quan cũng như quy trình tố tụng bao gồm giai đoạn trình báo ban đầu, giai đoạn điều tra, giai đoạn trước khi xét xử và giai đoạn xét xử. Các giai đoạn này đều có những yếu tố khách quan từ quy trình điều tra, tố tụng và việc thiếu nhạy cảm giới trong tiếp nhận, xử lý thông tin và thu thập bằng chứng.

Nội dung thảo luận chú trọng tới giải pháp thay đổi quy trình thu thập chứng cứ và tố tụng hướng tới sự thân thiện với phụ nữ và trẻ em. Đại diện các cơ quan tư pháp cũng đề xuất mô hình “hội nghị vụ việc”. Tại hội nghị vụ việc, các bằng chứng trong các vụ việc bạo lực tình dục được xử lý và thảo luận giữa các bên liên quan và các bằng chứng này sẽ chỉ nên thu thập một lần trong quá trình điều tra. Quy trình điều tra nên có sự thay đổi lấy nạn nhân làm trung tâm.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng cần có chiến lược truyền thông lâu dài ở cấp độ quốc gia nhằm thay đổi những giá trị, khuôn mẫu và định kiến trong suy nghĩ của cộng đồng nói chung và cán bộ điều tra, cán bộ tư pháp nói riêng trong việc nhìn nhận nạn nhân bị bạo lực tình dục.

Nghiên cứu cung cấp những thông tin mang tính cấp thiết về cách thức ứng phó đối với bạo lực tình dục trên khía cạnh tư pháp hình sự, đây là những thông tin hữu ích về trải nghiệm của các nạn nhân trong quy trình hành pháp và khởi tố bạo lực tình dục, giúp giảng viên và nghiên cứu viên làm phong phú thêm nội dung giảng dạy và nghiên cứu bạo lực trên cơ sở giới.