Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày Hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới diễn ra hàng năm. Chiến dịch này cũng đồng hành cùng với chiến dịch UNiTE chấm dứt bạo lực với phụ nữ vào năm 2030 của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc huy động các Chính phủ, các tổ chức xã hội và công chúng trên toàn thế giới chung tay chấm dứt vấn nạn này. Cùng với màu cam để tượng trưng cho hy vọng và một tương lai tươi sáng không bạo lực. 

Phát biểu chào mừng bà Elisa Fernandez Saenz và chuyên gia đến từ tổ chức UN Women, TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện, Trưởng Khoa Giới & Phát triển đã cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của tổ chức UN Women trong chuỗi hoạt động về Giới và bình đẳng giới trong suốt thời gian qua. Buổi tọa đàm “Đại dịch trong đại dịch – Bạn có thể làm gì để phòng ngừa” chính là một cơ hội để người tham gia đặc biệt là các sinh viên ngành Giới và Phát triển, Công tác xã hội, Truyền thông đa phương tiện, Luật có cơ hội nắm bắt thêm những thông tin và chia sẻ quan điểm, hành động của bản thân về vấn đề bạo lực Giới. Đây chính là nền tảng để những đại sứ truyền thông, pháp luật và công tác xã hội trưởng thành hơn về kiến thức, kinh nghiệm.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, bà Elisa Fernandez Saenz đã chia sẻ về chủ đề “Tô cam thế giới: Thế hệ bình đẳng chung tay chống lại bạo lực tình dục hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày Hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới diễn ra hàng năm. Chủ đề này nhấn mạnh sự cần thiết phải cùng nhau đứng lên, cùng nhau lên tiếng và cùng nhau hành động – chống lại “văn hóa không bị xét xử” đối với bạo lực tình dục và mọi hình thức bạo lực khác đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hướng đến mục tiêu chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, mỗi thông điệp mà bà Elisa Fernandez Saenz truyền tải đều mang những giá trị đặc biệt nhân văn. Trước hết bà chỉ rõ những  hình thức bạo lực đối với phụ nữ (Hiếp dâmbạo lực gia đìnhquấy rối tình dụctạt axitcưỡng bức sinh sảngiết trẻ sơ sinh gáilựa chọn giới tính trước khi sinhbạo lực sản khoabạo lực trên cơ sở giới bạo lực ngoài đời…) Đặc biệt trong đại dịch Covid, số liệu nghiên cứu, thống kê cho thấy: 99% các gia đình có xung đột trong thời gian xảy ra đại dịch. Chồng dễ gây xung đột hơn vợ; 89,1% phụ nữ là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong đại dịch COVID-19; 34% phụ nữ cho biết đã từng bị bạo lực kinh tế trong đợt dịch; 88% phụ nữ từng bị bạo lực tình cảm trong thời kỳ đại dịch; 59% phụ nữ bị chồng bạo hành thể xác trong đại dịch; 25% phụ nữ từng bị bạo lực tình dục trong thời kỳ đại dịch; Đối với đại đa số phụ nữ, bạo lực gia đình xảy ra nhiều hơn trước đại dịch. Tuy nhiên sự phản ứng trước những hiện tượng này mới là vấn đề đáng suy nghĩ khi 1/3 phụ nữ ở Việt Nam ủng hộ rằng nam giới nên là người ra quyết định và là chủ hộ; 52% phụ nữ đồng ý rằng có ít nhất một lý do hoặc tình huống mà chồng đánh vợ. Điều này chứng tỏ nhiều phụ nữ đang tự đánh mất vai trò của mình trong gia đình. Đại đa số phụ nữ bị bạo lực không bao giờ tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc báo cáo do nhiều lý do. Tại Việt Nam, hơn 90,4% nạn nhân bạo lực gia đình không tìm kiếm sự trợ giúp từ các dịch vụ công.

Ngoài lời kêu gọi chấm dưt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, bà Elisa Fernandez Saenz cũng chia sẻ các những dịch vụ hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ, trẻ em tại Việt Nam như Trung tâm Csaga; Ngôi nhà Bình yên; Ngôi nhà Ánh dương; Tổng đài bảo vệ trẻ em 111.

Cũng tại buổi tọa đàm, bà Lê Thị Lan Phương cán bộ thuộc tổ chức UN Women cũng chia sẻ về mô hình “Khuôn viên trường đại học an toàn” với những nguyên tắc và giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế thông qua sự tìm hiểu, đánh giá kỹ càng. Ngoài ra, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành các chính sách hỗ trợ hoạt động của mô hình và vai trò của cán bộ chuyên trách; Các biện pháp hỗ trợ kịp thời đi kèm với việc giám sát và đánh giá hiệu quả; Khả năng cung cấp các dịch vụ  hỗ trợ người trong cuộc và các chương trình nâng cao nhận thức người ngoài cuộc. Bà  Lê Thị Lan Phương cũng trao đổi trực tiếp với các cán bộ giảng viên, sinh viên tham dự buổi tọa đàm về khả năng xây dựng mô hình trường đại học an toàn tại Học viện Phụ nữ và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người tham gia bằng những chia sẻ, ý tưởng độc đáo, khả thi.

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí vui vẻ và thân thiện của những người mang sứ mệnh bảo vệ nhân quyền. Đó là các chuyên gia đến từ UN Women, là giảng viên, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Họ luôn mang trong mình tình yêu thương bình đẳng. Sau buổi tọa đàm, mỗi người càng ý thức hơn được vai trò, hành động của mình và củng cố thêm niềm tin về một tương lai tươi sáng khi xã hội dần chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Phát động mô hình Campus Without Violence (môi trường không bạo lực)