Ngày 23 và 24 tháng 01 năm 2019, Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia (NIES – National Institute for Environmental Studies) đã phối hợp với Đại học Tokyo, Đại học Việt Nhật và Viện Công nghệ châu Á (AIT) tổ chức Diễn đàn Quốc tế lần thứ 4 về Tương lai bền vững ở châu Á (4th International Forum on Sustainable Future in Asia) tại Khách sạn Pan Pacific – Hà Nội, Việt Nam.

Mục đích của diễn đàn là tạo cơ hội cho các học giả, nghiên cứu viên, chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi các kết quả nghiên cứu quan trọng về lĩnh vực quản lý môi trường và phát triển bền vững tại châu Á.

Diễn đàn diễn ra trong 02 ngày, bao gồm 04 phiên họp chính:

1. Phiên thứ nhất: “Nghiên cứu thực tiễn: Cách tiếp cận đa ngành trong nghiên cứu quản lý chất thải rắn với mục đích giảm thiểu rủi ro lũ lụt ở các thành phố châu Á”.

2. Phiên thứ hai:“Các chiến lược thích ứng với lưu vực sông Mê Kông đối với sự thay đổi của môi trường”

3. Phiên thứ ba: “Môi trường của chúng ta, sức khỏe của chúng ta: Cải thiện sức khỏe cộng đồng thông qua nghiên cứu về môi trường ở các nước châu Á”

4. Phiên thứ tư: “Nghiên cứu liên ngành về Phát triển bền vững”

Diễn đàn có sự tham gia của 30 diễn giả chính với các chủ đề đa dạng về môi trường và phát 
triển bền vững. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, các chiến lược mới thích ứng với biến đổi 
khí hậu, hỗ trợ một xã hội bền vững ở Đông Nam Á.

 

Giảng viên và Sinh viên Khoa Giới và Phát triển, Học viên Phụ nữ Việt Nam tham gia Diễn đàn quốc tế lần thứ 4 về tương lai bền vững ở châu Á

Diễn đàn còn có phần trình bày của 50 nhóm tác giả đến từ Việt Nam, Thái Lan, Nhật, Myanmar, Malaysia… Đại diện cho khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam, nhóm tác giả gồm Ths. Nguyễn Phương Chi và sinh viên Lù Thị Ngân đã trình bày kết quả nghiên cứu về di cư với chủ đề: “Hành trình di cư: Trải nghiệm của nam giới và phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực biên giới với Trung Quốc ”. Bài trình bày đã đưa ra những trải nghiệm di cư của phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số thông qua hình thức và cách thức di cư, các yếu tố lực đẩy và lực hút trong di cư cũng như các đặc điểm nhân khẩu học của người di cư. Đặc biệt, bài trình bày đã phân tích các khác biệt giới về những khó khăn, những nguy cơ mà người dân tộc thiểu số gặp phải trong quá trình họ tìm kiếm việc làm. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh biến đổi khí hậu và thiên tai cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình di cư tìm kiếm việc làm. Qua đó, nghiên cứu đã đo lường và phân tích các tác động của di cư tới mối quan hệ giới ở cấp độ cá nhân, gia đình và cộng đồng người dân tộc thiểu số. Bài trình bày nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Hình ảnh: Khu vực trưng bày các Poster của Diễn đàn

Diễn đàn quốc tế là cơ hội để giảng viên và sinh viên Khoa Giới và Phát triển mở rộng mạng lưới kết nối, trao đổi và công bố các kết quả nghiên cứu ở tầm khu vực, từ đó nâng cao chất
lượng nghiên cứu.