Hôm nay là một ngày đặc biệt với tất cả các thầy giáo, cô giáo cũng như đối với viên chức, người lao động trong ngành giáo dục – ngày này đúng 35 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã chính thức quyết định chọn làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Lời đầu tiên, thay mặt BGĐ Học viện và những người làm quản lý tại Học viện xin kính chúc các thầy giáo, cô giáo và toàn thể viên chức, người lao động trong Học viện luôn luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Thưa các thầy cô giáo và các em Sinh viên!

Ngày 20 tháng 11 được thế giới chính thức công nhận là ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo cách đây đúng 60 năm. Cuối tháng 8 năm 1957, hội nghị Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã họp tại Vacsava (Ba lan) với 57 nước tham dự trong đó có Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo. Từ năm 1958, các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo đã được tổ chức ở Việt Nam, kể cả ở những vùng giải phóng thuộc miền nam Việt Nam. Đất nước thống nhất, theo đề nghị của Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề và các cơ quan có liên quan, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT ngày 28 tháng 9 năm 1982 lấy ngày 20/11 làm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, các hoạt động kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam đã trở thành một hoạt động truyền thống của tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo; là nét đẹp văn hóa “tôn sư trọng đạo” được gìn giữ từ bao đời nay của các dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp để cả Thầy và Trò cùng nhau nhìn lại mình để cùng cố gắng hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa trong việc dạy và học của mỗi người.

Thưa các thầy cô giáo, các quý vị đại biểu và các em sinh viên,

Năm nay, Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam được BGĐ Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức trong bối cảnh kinh tế – xã hội ở Việt Nam và thế giới có những biến đổi nhanh chóng và tác động sâu sắc đến tư tưởng, hành động của tất cả mọi người, trong đó có các thầy cô giáo và sinh viên Học viện. Xu hướng hội nhập toàn diện và sâu rộng của Việt Nam vào thị trường quốc tế; tác động, yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ trương đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ nhanh và quản trị hiệu quả theo mô hình doanh nghiệp… là những xu hướng nổi bật và có tác động mạnh mẽ, tạo ra cơ hội nhưng cũng vô cùng thách thức, nhất là với những cơ sở giáo dục đại học còn non trẻ như Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Mặc dù vậy, nhìn lại năm học 2016-2017 và hoạt động của kỳ I năm học 2017-2018, thầy và trò Học viện Phụ nữ Việt Nam vẫn đạt được những kết quả rất tích cực, trên tất cả các mặt công tác. Với việc triển khai các hoạt động một cách bài bản, khoa học, luôn coi trọng sự khách quan, công bằng; từng bước xác định rõ ràng “giáo dục đào tạo là một loại hình dịch vụ đặc biệt” nên chỉ sau hơn 5 năm đào tạo đại học, hình ảnh, thương hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có sự cải thiện nhanh chóng, tạo ra được một vị thế nhất định trong xã hội. Trong mắt các học trò, hình ảnh thầy giáo, cô giáo của Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn có sự kính trọng, ngưỡng mộ và biết ơn. Nhiều thầy, cô đã trở thành tấm gương về sự nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì sinh viên. Nhiều thầy cô đã có sự thay đổi nhanh chóng về trình độ, năng lực chuyên môn; về nhận thức, phương pháp giáo dục đại học; về vai trò, yêu cầu đối với người thầy trong giáo dục đại học ngày nay. Thay mặt BGD Học viện, tôi xin nhiệt liệt biểu dương và trân trọng cảm ơn các thầy giáo, cô giáo và đội ngũ viên chức, người lao động đang công tác tại Học viện vì những cống hiến vô cùng quan trọng và ý nghĩa cho Học viện cũng như cho nền giáo dục nước nhà (Tôi cũng xin đề nghị những người quản lý các cấp, viên chức hành chính, người lao động ở các phòng, trung tâm không tham gia giảng dạy sẽ đứng lên vỗ tay chúc mừng các thầy, cô).

Kính thưa các thầy cô giáo và các em Sinh viên!

          Kết quả đạt được trong hơn 5 năm qua chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo sự phát triển bền vững, chưa tạo ra sự đột phá mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đội ngũ giảng viên, viên chức, người lao động cũng như toàn thể sinh viên. Chất lượng đào tạo chậm được cải thiện, thể hiện ở phân bổ thời lượng, sự đầu tư cho thực hành, thực tập còn hạn chế; sự chia sẻ, hỗ trợ của chuyên gia, sự liên kết với doanh nghiệp, tổ chức còn yếu; ý thức, kết quả học tập của sinh viên chưa đáp ứng với kỳ vọng của gia đình và yêu cầu của xã hội, trong đó năng lực tự học, tự nghiên cứu, năng lực ngoại ngữ, tin học, năng lực thực hành nghề nghiệp, giao tiếp của sinh viên là những vấn đề nổi bật. Đối với đội ngũ giảng viên, Học viện chưa có những chính sách đột phá để thu hút, động viên những giảng viên có trình độ, chất lượng cao về làm việc; năng lực nghiên cứu, ngoại ngữ của đội ngũ hiện tại còn thấp so với mặt bằng chung; sự nhận thức về phát triển bản thân để đáp ứng với yêu cầu mới không đồng đều; Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính của Học viện còn hạn chế và chịu tác động mạnh mẽ từ chủ trương tự chủ đại học – đây đang và sẽ là những cản trở to lớn đối với việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng chuyên môn của Học viện; rất khó để Học viện có thể đáp ứng ngay các điều kiện, tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế đối với cơ sở giáo dục đại học.

Chính vì vậy, Ban Giám đốc Học viện kêu gọi tất cả các Cô giáo, Thầy giáo, các viên chức và người lao động trong Học viện hãy thực sự đoàn kết và trách nhiệm; phát huy hết tiềm năng, sức sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Là những nhà quản lý, những đồng nghiệp, chúng tôi rất mong các Thầy, Cô giáo luôn giữ được niềm đam mê, luôn cảm thấy hạnh phúc khi được giảng dạy; đề nghị các thầy, cô sẽ nỗ lực cùng với đội ngũ quản lý, viên chức và người lao động để đưa Học viện ngày càng phát triển, tạo ra một môi trường làm việc để mọi người đều cảm thấy hạnh phúc khi đến làm việc, học tập tại đây. BGD Học viện luôn ở bên và đồng hành cùng các thẩy, cô trong mọi hoạt động; cam kết tạo mọi điều kiện, cải thiện tối đa các chế độ, chính sách trong phạm vi nguồn lực có được để các thầy, cô, đội ngũ viên chức và người lao động yên tâm công tác.

Thầy cũng đề nghị các em sinh viên có nhận thức và thái độ học tập đúng đắn, nhanh chóng tích lũy kiến thức, năng lực chuyên môn, xây dựng tác phong, đạo đức nghề nghiệp đúng đắn trong thời đại ngày nay để có thể tự tin tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp.

Đại diện sinh viên Học viện chúc mừng các thầy cô nhân ngày Hiến chương Nhà giáo 20/11

Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn sự tham dự của các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, viên chức Học viện và đại diện sinh viên các lớp đại học chính quy, Học viên đang học tập tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn!