We are ABLE là sáng kiến nhằm tăng cường tiếp cận giáo dục cũng như khuyến khích trẻ em dân tộc thiểu số, nhất là trẻ em gái tại các trường trung học, tiếp tục tham gia học tập; đồng thời tăng cơ hội việc làm cho trẻ em gái và phụ nữ thuộc các vùng dân tộc thiểu số.
Dự án kêu gọi người tham gia chia sẻ câu chuyện của bản thân và những người phụ nữ xung quanh với chủ đề: Tầm quan trọng của việc học tập. Đó có thể là câu chuyện có hậu về nỗ lực học hành đưa ai đó tới những ước mơ. Đó có thể là câu chuyện tiếc nuối nhìn lại một cánh cửa học hành ai đó đã bỏ qua để rồi lỡ đi khát khao của mình. Từ câu chuyện đó, bạn có thể truyền cảm hứng cho trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái tiếp tục học hành và theo đuổi đam mê của mình.
NESCO sẽ là sứ giả mang câu chuyện đó tới trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng, Ninh Thuận, và Hà Giang – địa bàn dự án We are ABLE (Chúng tôi có thể) và đăng tải trên Facebook UNESCO Office in Viet Nam. UNESCO tin rằng những câu chuyện đó sẽ tiếp động lực cho rất nhiều em học sinh, đặc biệt là học sinh nữ, bước đi thật xa trên con đường đam mê của mình.
Câu chuyện từ cô gái người Ê-Đê đến từ Đăk Lăk. Bạn H Nô El Bya, sinh năm 2002, hiện đang là sinh viên K8 chuyên ngành Giới và Phát triển – Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Lớp 11 là khoảng thời gian tôi cảm nhận rõ nhất sự tự ti, sự mặc cảm đang ngày càng lớn lên trong mình. Khi đó, nơi tôi theo học là một trường dân tộc nội trú trong tỉnh. Tại đây các học sinh sẽ ở kí túc xá trong khuôn viên trường. Hàng tháng trường cho học sinh về một lần.

Số lần tôi trở về nhà không nhiều. Nhưng mỗi lần về thì đều nghe những thông điệp chung từ hàng xóm, từ mọi người xung quanh: “Con gái học ít thôi”!

Tôi vốn là người tự ti. Điều này có thể xuất phát từ vết bớt trên mặt gắn liền với cuộc đời tôi từ bé tới giờ. Vết bớt đó đã tạo cho tôi thói quen quan tâm tới lời nói của mọi người xung quanh và suy nghĩ rất nhiều. Thông điệp thường xuyên lặp lại của mọi người rằng con gái không cần học nhiều cũng vậy.

Khi mọi người hỏi tôi là học lớp mấy, tôi đáp:
– Dạ, cháu học lớp 11 ạ!
– Vậy, lấy chồng được rồi! Con gái thì học ít thôi. Nhìn xem bố mẹ cháu cũng già rồi. Lấy một người chồng để còn phụ giúp bố mẹ nữa chứ.
Lúc đó tôi cũng chỉ đáp lại:
– Thôi bác, cháu còn chưa hết mười hai, khi nào tốt nghiệp rồi lại tính bác ạ.
Những cuộc trò chuyện xã giao ngắn ngủi như vậy cứ lặp đi lặp lại và trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Tôi rơi vào sự trầm mặc, suy tư.
Trở lại trường, tôi hoang mang khi chưa có định hướng gì cho tương lai của mình, trăn trở về quyết định học tiếp sau khi tốt nghiệp. Tôi dần trở nên ít nói hơn, học hành mất tập trung và sa sút hơn. Ban ngày tôi vẫn nở nụ cười và chuyện trò cùng bè bạn nhưng tới đêm thì hôm nào tôi cũng trùm chăn khóc. Chỉ có những lúc nằm trên chiếc giường của mình lúc đó tôi mới cảm thấy được thư giãn. Những ngày như thế cứ thể diễn ra lặp đi lặp lại. Tôi bắt đầu có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực quẩn quanh.
Cho đến một ngày, cô giáo chủ nhiệm đã thay đổi điều đó. Cô đề nghị cả lớp viết tâm sự của mình vào giấy rồi đưa cho cô. Tôi cảm thấy được trút tâm sự. Tôi viết cho cô rằng mình cảm thấy áp lực với các mối quan hệ, với gia đình, với bạn bè, với những người xung quanh. Cô không gặp trực tiếp riêng ai để nói chuyện. Cô chỉ nhẹ nhàng đưa ra những lời khuyên cho cả lớp. Đó đều là những lời khuyên mà mỗi học sinh trong lớp của cô cần tới.
Lời khuyên và sự quan tâm của cô đã thật sự giúp tôi ổn hơn. Tôi dần dần bắt đầu thoát khỏi vỏ bọc mà tôi đã tự tạo cho mình. Đến hè năm lớp 11 tôi đã định hướng được tương lai cho bản thân là đi theo ngành Giới và Phát triển. Mặc dù, hầu như mọi người đều chưa nghe đến bao giờ nhưng thật may mắn là cả gia đình, thầy cô và các bạn đều ủng hộ tôi tiếp tục trên con đường học hành. Hiện giờ, tôi đang là sinh viên chuyên ngành Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Tôi đã rút ra được bài học cho mình “ Đừng quá để ý đến lời nói của người khác, hãy cứ làm những gì mình cho là đúng là xứng đáng với bản thân mình”. Các bạn trẻ đừng vì một chút mặc cảm mà đánh mất cả tương lai!