Lật lại từng trang sử sách trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi nhìn nhận rõ hơn về vùng đất Quảng Trị, nơi được coi là “trọng trấn”, là “trấn biên” là “phên dậu”, là “cửa ngõ” phía Nam của Tổ quốc. Cùng với đó, Quảng Trị cũng trở thành “tiêu điểm” ác liệt của những cuộc kháng chiến, là địa phương hiếm hoi của cả nước in hằn dấu chân của hầu hết các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang, các đơn vị thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến…  

Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Nơi đây quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ được phân thành các khu vực theo vị trí địa lý.

Cả đoàn thành kính tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đài tưởng niệm sau đó lặng lẽ tỏa đi khắp nghĩa trang. Mỗi nén hương thơm nhắc chúng tôi nhớ về những hi sinh cao cả của các liệt sĩ. Những chàng trai, cô gái 18, đôi mươi còn mang trong mình bao khát vọng. Mỗi thành viên của đoàn tỏa về những địa danh là quê hương của mình để tìm kiếm những dòng tên liệt sĩ có quê quán, cùng xã, huyện quen thuộc của mình để tri ân, để thắp nén hương ấm lòng người nằm xuống. Còn nữa, có rất nhiều những tấm bia vô danh lặng nhìn chúng tôi tìm đến để thắp lên một nén hương thành kính. Các chiến sĩ cảm tử vì Tổ Quốc bình yên bên đồng đội nơi này suốt bao năm tháng không một ai biết họ tên, quê quán, chỉ biết họ đã đánh đổi tất cả vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.

Rời Nghĩa trang Trường Trường Sơn, cả đoàn tiếp tục hành trình tới Nghĩa trang Quốc gia Đường 9.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đường số 9 là con đường chiến lược nối biên giới Việt-Lào với Đông Hà. Dọc trục Đường số 9, người Mỹ cho xây dựng các căn cứ quân sự, cứ điểm và lô cốt nhằm cắt chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 nằm bên cạnh Quốc lộ 9, P. 4, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6km về phía Tây. Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, tiền thân là nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, xây dựng từ năm 1983-1984, nằm trên một vùng đồi quay mặt ra hướng Quốc lộ 9. 
Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nơi yên nghĩ của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nằm trên vùng đồi tĩnh lặng trong nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 là nhiều ngôi mộ tập thể và hàng ngàn mộ chiến sĩ chưa xác định danh tính. Những giọt mồ hôi và cả nước mắt quyện vào khói hương của cả đoàn. Mỗi nén hương tri ân là một lời cảm tạ, biết ơn của thế hệ chúng tôi, những người được sinh ra trong hòa bình, không phải chịu cảnh khổ đau, chia cắt bởi bom rơi, đạn nổ. Càng biết ơn, càng tự hào, mỗi thành viên của đoàn càng tự nhắc mình cần nỗ lực nhiều hơn khi được ngắm hoa độc lập, hái quả tự do.

Buổi chiều, đoàn tiếp tục tới viếng thăm Thành Cổ Quảng Trị, nơi từng viên gạch, ngọn cỏ, lá cây, tấc đất, dòng sông đều đã mang dáng hình dân tộc, mang hồn thiêng sông núi.

Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến 16/9/1972, Thành cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót.” Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, thị xã Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, những bước chân của chúng tôi cố gắng đi thật khẽ bởi từng ngọn cỏ, nhành cây nơi đây dường như đều thấm máu cha anh. Khi lắng nghe hướng dẫn viên kể lại những câu chuyện của những người hùng nơi Thành Cổ, những tiếng nấc nghẹn ngào đã vang lên, những đôi mắt đỏ hoe của các thành viên trong đoàn không ngăn nổi dòng nước mắt chảy dài.

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào

(Tấc đất Thành Cổ – Phạm Đình Lân)

Thành Cổ hôm nay không còn đạn bom, pháo nổ nhưng vẻ đẹp bình yên này được đánh đổi bằng những gì thì chẳng thể nào đo đếm được, chúng tôi nguyện không bao giờ quên công ơn của biết bao anh hùng, liệt sĩ, biết bao tấm gương tuổi đôi mươi tóc còn xanh mãi màu tuổi trẻ.

Tạm biệt Quảng Trị, hành trang trở về của mỗi thành viên có thêm niềm bâng khuâng khó tả. Cảm xúc dường như chưa nguôi trong lòng, những bước chân rời đi còn muốn nán lại thêm vài phút để được nghe tiếng núi sông, tiếng gió ca bài “Hát mãi khúc quân hành”:

Con nhắn với họ hàng cha nằm ở nơi đây

Cùng đồng đội chưa một ngày đơn lẻ

Tuổi hai mươi căng tràn sức trẻ

Vẫn hát tiếp khúc quân hành khi Thành Cổ về đêm.

(Lời Thành Cổ” – Trần Thị Quỳnh Nga)

Xin gửi niềm tri ân thành kính tới các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để nhuộm thắm màu cờ Tổ Quốc, chúng tôi sẽ viết tiếp bài ca dựng xây cuộc đời sao cho xứng đáng với các anh!