Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS.Tiêu Tiến Dũng – Phó Giám đốc Viện FES và các chuyên gia trong lĩnh vực giới, giáo dục, phát triển đến từ NES Education, Oxfam tại Việt Nam, Viện FES và các đại biểu là diện lãnh đạo và chuyên viên Nhà xuất bản Phụ nữ, Ban Quốc tế, Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Ban Tổ chức, Ban Luật pháp – Chính sách Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các giảng viên, nghiên cứu viên và hơn 100 sinh viên và sinh viên ngành Giới và Phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Dương Kim Anh khẳng định, hội thảo là cơ hội tốt để cán bộ, giảng viên, sinh viên và các đại biểu cùng bàn luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến các vấn đề giới trong giáo dục, các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới thông qua cơ hội giáo dục và việc làm; kết nối, tăng cường mối quan hệ mạng lưới để cùng chung tay thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững, hướng tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đồng thời, hội thảo cũng góp phần mở rộng cơ hội hợp tác giáo dục, nghiên cứu và thực hành, thực tập cho sinh viên ngành giới và phát triển.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 6 tham luận về các vấn đề: “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ: Gạn đục khơi trong từ truyền thống” “Nhận diện trần kính (Glass celling) đối với nữ thanh niên – rào cản cơ hội giáo dục và việc làm”; “Hoạt động của Viện FES tại Việt Nam và cơ hội thực tập cho sinh viên”; “Phương pháp sư phạm có đáp ứng giới và khả năng ứng dụng trong Giáo dục đại học”; “Làm việc tại Tổ chức Phi chính phủ: Kinh nghiệm và định hướng”; “Cơ hội và thách thức trong tiếp cận cơ hội việc làm của sinh viên ngành Giới và Phát triển”.
Sau đó các đại biểu và diễn giả đã cùng trao đổi và tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến các rào cản giới trong cơ hội giáo dục và việc làm; chỉ ra các vấn đề giới trong giáo dục; giải pháp xóa bỏ các rào cản, góp phần giải quyết các bất bình đẳng giới trong giáo dục. Đại diện FES và Oxfam Việt Nam cũng chia sẻ các cơ hội việc làm, tình nguyện viên, cơ hội thực tập có lương trong các tổ chức phi chính phủ đối với sinh viên ngành giới và phát triển. Sinh viên Khoa Giới và Phát triển mạnh dạn đưa ra các câu hỏi, trao đổi thẳng thắn với các diễn giả, các cơ quan tổ chức về ngành học và cơ hội việc làm.
Các nội dung của hội thảo đã đem đến cho đại biểu tham dự góc nhìn đa chiều về các giải pháp nâng cao quyền năng thông qua thúc đẩy cơ hội giáo dục và việc làm. Với phương châm kết nối kiến thức và thực tiễn, Hội thảo “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua cơ hội giáo dục và việc làm” đã thành công tốt đẹp.
Ảnh: Xuân Quỳnh, Ngự Bình (Báo PNVN)