Mục đích của Hội thảo nhằm: Tăng cường nhận thức về bạo lực giới, tập trung vào Bạo lực giới tại nơi làm việc; Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế của các chuyên gia đến từ các trường Đại học của Đức, Mỹ  về phòng chống Bạo lực giới tại nơi làm việc; đưa ra một số khuyến nghị thực tế cho Việt Nam, từ đó, nâng cao trách nhiệm phòng chống Bạo lực giới tại nơi làm việc, tích cực thực hiện các nghiên cứu, hoạt động can thiệp liên quan, thúc đẩy môi trường làm việc không có bạo lực giới, đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

Nội dung Hội thảo tập trung vào 03 tham luận chia sẻ kinh nghiệm quốc tế. TS. Sina Fontana – Đại học Tổng hợp Georg August Gottinggen, Đức chia sẻ 02 tham luận: (1) Hướng dẫn về Bình đẳng giới trong Luật Lao động của Đức – Khuyến nghị đối với Việt Nam, (2) Quấy rối tình dục tại nơi làm việc – phòng ngừa và bảo vệ; PGS.TS. Julie – Đại học Michigan State University, Mỹ chia sẻ 01 tham luận: Kinh nghiệm của Mỹ trong phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc – khuyến nghị cho Việt Nam.

Tại phiên thảo luận, Hội thảo đã nhận được hơn 20 ý kiến trao đổi của các đại biểu. Nội dung mong muốn các chuyên gia làm rõ hơn về một số vấn đề cơ bản như: Khái niệm quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể mở rộng như tiếp khách, công tác ở ngoài văn phòng làm việc; Văn bản Luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam cần có khái niệm quấy rối tình dục; Kinh nghiệm hỗ trợ đặc biệt cho các nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Quấy rối tình dục là vấn đề có liên quan đến văn hóa; Giải pháp bảo vệ nạn nhân bị quấy rối tình dục khi họ tố cáo; Giải pháp phòng chống quấy rối tình dục trong đời sống sinh viên; Giải pháp phòng chống quấy rối tình dục cho phụ nữ khuyết tật; Nét đặc biệt của mô hình Complaint office – Đức (Văn phòng báo cáo các trường hợp);…

Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã giải đáp các câu hỏi và chia sẻ thêm các khía cạnh thực tiễn liên quan đến bạo lực giới tại nơi làm việc. Một số kết luận cơ bản đã được rút ra từ các bài trình bày và thảo luận: (1) Xây dựng bộ luật về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; (2) Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục cho người quản lý lao động, người lao động và cộng đồng nói chung; (3) Xem xét đến hậu quả của hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc để có cách xử lý phù hợp; (4) Xây dựng quan niệm văn hóa trong cộng đồng: Không chấp nhận bất cứ hành vi nào của quấy rối tình dục; (5) Thành lập các văn phòng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ kịp thời cho sinh viên hoặc phụ nữ khuyết tật; (6) Tập huấn nâng cao hiểu biết về quấy rối tình dục tại công ty, trụ sở làm việc, nêu gương các điển hình.

Bạo lực giới còn tồn tại là do mối quan hệ quyền lực không cân bằng. Do đó phải thay đổi vai trò giới, phá vỡ khuôn mẫu giới, định kiến giới để xây dựng xã hội cân bằng. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên đối với từng cá nhân là không nên phụ thuộc vào pháp luật, không nên tin vào lòng tốt của các chủ doanh nghiệp, căn cốt là bản thân phải có khả năng: kểm soát bản thân tốt, kiểm soát các ranh giới và đứng lên mạnh mẽ, vững vàng. Thông điệp “Không bạo lực giới nơi làm việc” sẽ định hướng hành động cho các đại biểu và sinh viên tham dự Hội thảo. Hội thảo mong muốn truyền thông điệp này rộng rãi hơn đến toàn xã hội để xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh – môi trường an toàn để phát triển.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm