Tham dự Hội thảo có bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện cơ quan UN WOMEN tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cùng các đại biểu là các cán bộ chương trình UN WOMEN tại Việt Nam, các cán bộ của Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nhóm tư vấn, đại diện các cơ quan, các Bộ, ngành và đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Sau lời phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Trọng Đàm, Hội thảo đã nghe bà Leika Aruga, cán bộ chương trình của UN WOMEN tại Việt Nam trình bày nội dung của Kết luận Khuyến nghị của Ủy ban CEDAW đối với Báo cáo của Chính phủ Việt Nam. Trong đó, Ủy ban đánh giá cao việc Việt Nam đã đệ trình Báo cáo ghép định kỳ lần thứ 7 và 8. Ủy ban khen ngợi những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được kể từ khi Ủy ban xem xét báo cáo ghép định kỳ 5 và 6 vào năm 2006 và đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hội thảo đã nghe các báo cáo về “Khuyến nghị số 33 của Ủy ban CEDAW về Quyền tiếp cận công lý và đề xuất cho Việt Nam” do bà Nguyễn Thị Thúy, cán bộ chương trình của UN WOMEN tại Việt Nam trình bày và báo cáo về “Việc thực hiện trách nhiệm giải trình về CEDAW của Chính phủ Việt Nam” do bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội trình bày.

Hội thảo cũng đã lắng nghe và tiếp thu các  báo cáo đề xuất của đại diện các tổ chức phi chính phủ đối với việc thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban CEDAW.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã đưa ra các đề xuất nhằm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban CEDAW như sau:

1.     Tiếp tục nâng cao nhận thức giới trong cộng đồng

2.     Xem xét các chương trình truyền thông mang định kiến giới

3.     Quan tâm hơn nữa đến vai trò của giáo dục như: Xóa bỏ các nội dung định kiến giới trong sách giáo khoa, lồng ghép giới vào chương trình giảng dạy từ cấp mầm non trở lên

4.     Xem xét việc thực thi và giám sát việc thực thi pháp luật liên quan đến vấn đề giới

5.     Xem xét lại tính hiệu quả của bộ máy hoạt động trong phòng, chống bạo lực gia đình

6.     Xem xét là quyền được lao động, quyền được nghỉ hưu của nam và nữ

7.     Xây dựng các bộ chỉ số về giới

Và rất nhiều các ý kiến đóng góp khác.

Kết thúc Hội thảo, các đại biểu đã đề nghị hệ thống lại các ý kiến đề xuất nhằm làm căn cứ sớm đưa ra Kế hoạch hành động, đồng thời cũng cần thu hút sự tham gia của các Bộ/ngành có liên quan như Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Tư pháp để có thể thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động vì mục tiêu bình đẳng giới.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm