Đây là một trong các hoạt động kỷ niệm 30 năm hoạt động của viện FES tại Việt Nam, 60 năm thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam và 5 năm thành lập Khoa Giới và Phát triển, cũng như duy trì và phát triển mối quan hệ đối tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và Viện  Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam.

Với mục đích nhằm tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và hoạt động thực tiễn về giảm thiểu rác thải nhựa và vai trò giới trong giảm thiểu rác thải nhựa; Tạo diễn đàn trao đổi học thuật các kết quả nghiên cứu về giới và môi trường giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam, Chi hội nữ trí thức Môi trường, khoa Môi trường thuộc một số trường Đại học, các tổ chức, câu lạc bộ hoạt động vì môi trường; Truyền thông thúc đẩy hành động bảo vệ môi trường trong sinh viên, ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong hoạt động giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa, thúc đẩy sự tham gia của nam giới, phụ nữ trong hoạt động bảo vệ môi trường.

Hội thảo được livestream trên fanpage khoa Giới và trang fanpage của Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ trên các diễn đàn, fanpage về giới, về môi trường.

Tham dự sự kiện có TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trưởng khoa Giới & Phát triển; TS. Phạm Quỳnh Hương – Chi hội phó – Chi hội nữ trí thức bảo vệ Môi trường và Biến đổi khí hậu – Hội nữ trí thức Việt Nam; Các chuyên gia về môi trường và Giới đến từ Bộ Tài nguyên môi trường;UN Women; Học viện Nông nghiệp; Giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam; Hội viên Hội nữ trí thức Việt Nam, Chi hội nữ trí thức Môi trường, Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Dương Kim Anh khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa cần thiết của hội thảo trong bối cảnh cả thế giới báo động về tình hình ô nhiễm môi trường nói chung và rác thải nhựa nói riêng: “Cơ quan môi trường EPA của Mỹ đã thống kê được số lượng rác thải nhựa mỗi quốc gia thải ra biển: Trung Quốc và Indonesia lần lượt là hai quốc gia xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất hiện nay với  8,8 triệu tấn và 3,2 triệu tấn mỗi năm. Việt Nam hiện đứng thứ 4 sau Philippines với 1,8 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm. Việc nâng cao nhận thức, tác động thay đổi hành vi, giảm thiểu rác thải nhựa vì thế là hết sức cần thiết”. Theo TS. Dương Kim Anh, giảm thiểu rác thải nhựa là vấn đề nhạy cảm giới bởi có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của nam, nữ. Trên thực tế, phụ nữ và nam giới có liên quan đến môi trường theo những cách khác nhau. Nhận thức tốt về giảm thiểu rác thải nhựa sẽ tác động trực tiếp tới lượng rác thải nhựa chúng ta thải ra hàng ngày. 

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tồn tại nhiều khác biệt, bất bình đẳng giới trong bảo vệ môi trường. Vì vậy, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa cho học sinh, sinh viên cho người trẻ tuổi là rất quan trọng.

Tại hội thảo, có 6 tham luận đã được trình bày bởi các chuyên gia truyền thông, các chuyên gia, nghiên cứu viên Chi hội nữ trí thức Môi trường và Biến đổi khí hậu, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam… về các vấn đề: Vai trò của Truyền thông, vận động cộng đồng thực hiện 3R trong thu gom và quản lý rác thải đô thị; Lồng ghép giới trong Truyền thông thay đổi hành vi giảm thiểu Rác thải nhựa; Lồng ghép giới trong xây dựng chính sách Giảm thiểu rác thải nhựa – Một số gợi mở cho Việt Nam; Giới và quản lý chất thải rắn sinh hoạt hướng tới nền kinh tế tuần hoàn; Nhận thức và hành động của sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam trong giảm thiểu rác thải nhựa.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung thảo luận và chia sẻ thêm về các vấn đề xung quanh nội dung chính của hội thảo nhằm đưa ra những giải pháp, đề xuất phù hợp và tích cực cải thiện môi trường từ những việc làm hàng ngày nhằm thay đổi thói quen đến những dự án dài nhằm giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa.

Ngoài ra, hội thảo còn trình bày các Posters đến từ các nhà hoạt động về môi trường từ tổ chức ENV (Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên), CLB Climate change (Đại học Bách khoa Hà Nội), CLB MOV – Multimedia, CLB YAGS (Học viện Phụ nữ Việt Nam), các chuyên gia về phát triển kinh tế xanh, chuyên gia về giới và môi trường. CLB Hành động vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững (YAGS) tổ chức gian hàng tái chế, thực hành tái chế rác thải nhựa, tổ chức 01 gian hàng các sản phẩm thân thiện với môi trường, đổi nhựa lấy cây nhằm nâng cao nhận thức của thành niên về giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa.

Hội thảo “Vai trò giới trong giảm thiểu rác thải nhựa” và các hoạt động kèm theo chính là những hoạt động hữu ích và cấp thiết góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường sống trong lành cho toàn xã hội.