Được sự điều động của Ban Tổ chức, TƯ Hội LHPN Việt Nam, TS. Dương Kim Anh, Trưởng Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã làm giảng viên khóa tập huấn, cùng với đồng chí Nguyễn Thanh Thủy, Phó phòng Kiểm tra, Ban Tổ chức TƯ Hội chia sẻ, trao đổi với các học viên. Các giảng viên đã tích cực truyền đạt, hướng dẫn học viên là các nữ ứng viên tiềm năng các kiến thức, kỹ năng liên quan đến hệ thống chính trị, vấn đề phụ nữ tham chính, vai trò của Hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu HĐND, các kỹ năng chuẩn bị cho hội nghị tiếp xúc cử tri và trình bày chương trình hành động thuyết phục cử tri bỏ phiếu cho mình. Trong buổi học cuối cùng, đồng chí Phạm Thị Hân, đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Bình cũng đã chia sẻ với các học viên kinh nghiệm về quy trình giới thiệu, tiếp xúc cử tri, xây dựng và trình bày chương trình hành động, v.v.

Tập huấn trên là sáng kiến liên kết giữa Hội LHPN Việt Nam, Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Ngoại giao. Chương trình tập huấn được thiết kế theo phương pháp lấy người học làm trung tâm, phát huy tối đa sự tham gia, chia sẻ của người học, kết hợp nghe giảng lý thuyết, thảo luận và thực hành. Học viên của khóa học là 30 lãnh đạo nữ thuộc Hội LHPN thành phố Đồng Hới, lãnh đạo Hội LHPN các huyện, thị, xã phường và lãnh đạo nữ các ban ngành như tài chính, truyền thanh, tư pháp, v.v của tỉnh Quảng Bình.

Các học viên tích cực thảo luận nhóm

Quyết tâm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính được nhấn mạnh trong các chủ trương của Đảng, luật pháp chính sách của Nhà nước. Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu tối thiểu là đạt mức 35-40% nữ đại biểu Quốc hội. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 cũng xác định phấn đấu tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 là trên 35%.

Phụ nữ tham chính là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt trong thời gian qua; tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ phụ nữ tham chính còn thấp. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, tỷ lệ nữ nữ đại biểu quốc hội là 24,4%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,7%, cấp huyện là 24,6% và cấp cơ sở là 27,7%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND có tăng so với nhiệm kỳ trước song so với mục tiêu của Nghị quyết 11 của Bộ chính trị, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách khá lớn. 

Nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ thông qua việc tăng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử là hết sức cần thiết. Phụ nữ cần nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo hơn vì nhiều lý do. Trước hết, xét về mặt công bằng xã hội, phụ nữ chiếm 50% dân số thế giới, vì vậy, họ có quyền nắm giữ 50% các vị trí lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra, nữ giới có những kinh nghiệm khác với nam giới xét về mặt xã hội học và sinh học vì thế nữ giới cần nắm những vị trí có tầm ảnh hưởng để có thể đóng góp kinh nghiệm và nêu lên quan điểm của nữ giới. Việc phụ nữ tham chính là không chỉ để lắng nghe mà còn thể hiện các quan điểm, kỳ vọng khác nhau của hơn một nửa thế giới.

Về mặt lợi ích, phụ nữ và nam giới có nhiều quyền lợi trung lập giới hay trung tính giới như quyền được học hành, quyền được bảo vệ trước pháp luật; tuy nhiên phụ nữ cũng như nam giới có một số quyền lợi đặc thù khác, như quyền của phụ nữ mang thai, cho con bú. Ngoài ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, vấn đề phụ nữ và quyền lực mềm được lưu tâm hơn. Phụ nữ có những khả năng và quyền lực mềm nhất định trong lãnh đạo. Hiện nay, quyền lực mềm được xem là công cụ hoặc chiến thuật giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều chính phủ trên thế giới. Chính phủ của thủ tướng Đức Angela Merkel với chiến lược mềm dẻo trong đối phó với vấn đề người nhập cư là một ví dụ.

 Lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc khóa tập huấn, các học viên tự tin hơn với những hiểu biết về hệ thống chính trị, vai trò trách nhiệm của đại biểu dân cử, với khả năng soạn thảo, trình bày chương trình hành động cũng như trả lời câu hỏi của các cử tri. Chúc các chị thành công trong công việc cũng như trong kỳ bầu cử 2016 sắp tới. Trở về Học viện Phụ nữ Việt Nam từ lớp tập huấn, tôi thực sự mong rằng tỉnh Quảng Bình nói riêng và các tỉnh thành trên khắp đất nước Việt Nam thân yêu nói chung, sẽ có thêm nhiều nữ đại biểu dân cử trong nhiệm kỳ sắp tới. Đây thực sự là một cơ hội tốt để tôi có thể chia sẻ và học hỏi thêm các kiến thức thực tiễn từ các cán bộ nữ, là các nữ ứng viên tiềm năng, góp phần làm sinh động hơn bài giảng về giới của mình ở Học viện Phụ nữ Việt Nam.