Trao quyền cho phụ nữ được thể hiện dưới nhiều hình thức: trao quyền năng kinh tế, trao quyền giáo dục, quyền văn hóa, xã hội, trao quyền năng chính trị. Thúc đẩy phụ nữ tham chính là trao quyền cho phụ nữ về mặt chính trị, đảm bảo sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong chính trị. Đây chính là vấn đề cốt lõi gắn liền với sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia.
Lý do cần có nhiều nữ giới trong các vị trí quản lý, lãnh đạo.
Thứ nhất, vì sự công bằng. Nữ giới chiếm một nửa dân số vì thế họ có quyền nắm giữ 50% các vị trí có quyền ra quyết định. Chính sự công bằng là nền tảng cho một xã hội bình đẳng giới. Công bằng tạo nên sự bình đẳng và chính bình đẳng cũng tạo nên sự công bằng trong việc đánh giá vai trò của nam giới và phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội.
Thứ hai, vì lợi ích. Xuất phát từ khác biệt về mặt sinh học, phụ nữ và nam giới có cấu tạo cơ thể khác nhau, vì thế có các mối quan tâm, kỳ vọng khác nhau, có những nhu cầu giới hay lợi ích giới khác nhau. Do đó, sẽ hiệu quả và chính đáng hơn nếu lợi ích của hai nhóm được đảm bảo. Các chủ trương chính sách của mỗi quốc gia cần phản ánh và đáp ứng được nhu cầu, lợi ích, kỳ vọng của người dân. Các quốc gia không thể hoạch định chính sách hiệu quả nếu chỉ dựa vào nam giới, những người đang chiếm số đông trong hệ thống các cơ quan quyền lực nhà nước.
Thứ ba, vì kinh nghiệm. Như đã nói ở trên, phụ nữ và nam giới có những kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế khác nhau. Nữ giới cần nắm các vị trí có tầm ảnh hưởng, có vai trò ra quyết định để thể hiện chính kiến, quan điểm của mình.
Thứ tư, vì sự phát triển bền vững.Thực tế cho thấy, quốc hội nào có nhiều phụ nữ tham gia thì nhiều chính sách, pháp luật được xây dựng để bảo vệ con người và môi trường hơn ở những Quốc hội có ít đại diện là phụ nữ. Đặc biệt, phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của phụ nữ và trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước (UNDP, 2014)[1].
Ngoài ra, phụ nữ có những khả năng và quyền lực mềm nhất định trong lãnh đạo.Trên thực tế, quyền lực và sức mạnh “cơ bắp” thuần túy đã không còn đem lại hiệu quả như mong muốn, nhiều khi lại có tác dụng ngược lại. Cuộc chạy đua vũ trang của các cường quốc thường kéo theo sự tốn kém và đổ vỡ. Hiện nay, “quyền lực mềm” được xem là một công cụ, chiến thuật, hay là một “thế” giúp nâng cao hiệu quả của nhiều chính phủ trên thế giới.Ví dụ như Chính phủ của thủ tướng Đức Angela Merkel đã rất thành công trong việc giải quyết các vấn đề xung đột, khủng hoảng ở Châu Âu, vấn đề người di cư, v.v. Bà được tạp chí Forbes 9 lần xếp hạng là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Thủ tướng Đức Angela Merkel – Đức
Thực trạng phụ nữ tham chính trên thế giới và ở Việt Nam
Bản đồ Phụ nữ tham chính năm 2014 của Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) và Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) cho thấy phụ nữ có xu hướng tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào đời sống chính trị xã hội của các nước. Tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội các nước Bắc Âu đứng đầu thế giới với 42.1% khiến khu vực này luôn chiếm thứ hạng cao về chỉ số quyền lực của phụ nữ và bình đẳng giới. Rwanda là cơ quan lập pháp thân thiện với nữ giới nhất với tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội chiếm tới 63,8%.Trên toàn cầu chỉ có 29 quốc gia có tỷ lệ nữ trong Quốc hội trên 30%; có 24 quốc gia nằm trong nhóm gần đạt đến tỷ lệ 30% (từ 25% đến 29%). Rất nhiều quốc gia trên thế giới không thể đạt được mục tiêu 30% nữ giới trong nghị viện trước năm 2025 được nhấn mạnh trong Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995. Sau 20 năm, kể từ khi ra đời của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào nghị viện đạt gần gấp đôi. Tuy nhiên, mới chỉ có 22% phụ nữ tham gia vào nghị viện các nước. Việc thúc đẩy phụ nữ tham chính là vấn đề khó khăn với hầu hết các nước.
Trong thập niên gần đây, từ 2005 đến 2015, tỷ lệ phụ nữ tham gia các nghị viện tính theo khu vực có sự thay đổi đáng kể, tuy nhiên vẫn còn ở mức thấp so với quy định và kỳ vọng.
Nguồn: http://www.idea.int/gender/women-in-politics-achieving-key-milestones.cfm
Ở khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, một số phụ nữ đã nắm được vị trí chủ chốt trong chính phủ như bà Park Geun He – nữ thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc; cựu nữ tổng thống đầu tiên của New Zealand – bà Helen Clark, hiện là Tổng giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp từ 2009 đến nay, cựu Thủ tướng Thái Lan – bà Ying Luck, hay cựu tổng thống Phillippines – bà Gloria Macaraeg Macapagal-Arroyo. Ở Việt Nam ta, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch quốc hội Tòng Thị Phóng là các nữ chính khách có uy tín. Gần đây nhất, ngày 16/1/2016, bà Thái Anh Văn đã đắc cử nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan. Điều đó cho thấy, người dân Châu Á nói riêng và khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung đã có sự ủng hộ nhất định đối với sự tham gia, đại diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo chủ chốt trên chính trường.
Tại Việt Nam, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016 đạt mức 24.4%, thấp nhất trong 4 nhiệm kỳ vừa qua. Phụ nữ mới chỉ chiếm 15% các vị trí trong chính phủ. Ở cấp địa phương, phụ nữ chiếm 26% các vị trí trong Hội đồng nhân dân, trong đó chỉ có 3% Chủ tịch HĐND là nữ[1].
Thuận lợi đối với phụ nữ tham chính tại Việt Nam
Việt Nam có khung pháp lý thúc đẩy bình đẳng giới tương đối vững chắc, trong đó có các quy định thúc đẩy bình đẳng giới về mặt chính trị.Điều 26 Hiến pháp 2013 nêu rõ, công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt; nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Điều 11 Luật bình đẳng giới quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020 coi việc nâng cao quyền năng chính trị cho phụ nữ là mục tiêu hàng đầu. Mục tiêu 1 của Chiến lược nêu rõ: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Mục tiêu 1 của Chiến lược có 3 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu 1 là: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 – 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 – 2020 trên 35%. Trước đó, Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị ngày 27/4/2007 cũng nhấn mạnh rằng, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% đến 40%;
Việt Nam đã ký nhiều công ước quốc tế như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Tuyên bố thiên niên kỷ, v.v, cam kết ủng hộ phụ nữ tham chính và nỗ lực giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam tích cực tham gia Cương lĩnh hành động Bắc Kinh với 12 lĩnh vực quan tâm, trong đó có vấn đề ra quyết định và cơ chế thể chế, bên cạnh các lĩnh vực quan tâm khác như nghèo đói, giáo dục và đào tạo, sức khỏe, bạo lực, xung đột vũ trang, kinh tế, quyền con người, truyền thông, môi trường và trẻ em gái. Gần đây nhất, Việt Nam ký kết tham gia Chương trình nghị sự thế giới về phát triển bền vững, trong đó có Mục tiêu 5: Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu, trong đó có chỉ tiêu đảm bảo phụ nữ có quyền tham gia đầy đủ, hiệu quả, bình đẳng các cơ hội lãnh đạo và ra quyết định.
Để thúc đẩy phụ nữ tham chính, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp quan trọng như khuyến khích phụ nữ tham chính, có các chính sách hỗ trợ, đưa thêm phụ nữ vào danh sách ứng cử, khuyến khích đề bạt thêm phụ nữ vào Đảng, v.v. Nhằm nâng cao năng lực cho các nữ ứng viên Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân, chuẩn bị tốt cho kỳ bầu cử 2016, Hội LHPN Việt Nam, phối hợp với UNDP và Bộ Ngoại Giao đã tổ chức nhiều lớp tập huấn với nội dung hữu ích, trang bị cho các ứng cử viên nữ kiến thức về hệ thống chính trị Việt Nam, về quy trình bầu cử, xây dựng chương trình hành động, kỹ năng chuẩn bị cho hội nghị tiếp xúc cử tri và trình bày chương trình hành động, v.v.
Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh lưu niệm với các nữ đại biểu Quốc hội
Một số khó khăn đối với phụ nữ tham chính ở Việt Nam
Những định kiến về văn hóa – xã hội và vai trò giới truyền thống.Tại Việt Nam, vẫn tồn tại định kiến liên quan đến khả năng tham chính và năng lực lãnh đạo của phái đẹp như việc cho rằng phụ nữ thiếu kiên quyết, dứt điểm trong việc ra quyết định; hay quan niệm “nam trưởng, nữ phó” khiến phụ nữ ít được ủng hộ vào các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn.Bên cạnh đó, quan niệm về vai trò giới truyền thống cho rằng, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nội trợ, bếp núc, chăm sóc con cái, gắn chặt họ với thiên chức của người mẹ, người vợ, người con, khiến vị trí lãnh đạo trên chính trường của họ thường đứng sau nam giới. Thông thường, họ phải nỗ lực làm việc gấp đôi mới được thừa nhận.
Khó khăn trong tiếp cận các chương trình giáo dục của trẻ em gái, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Nghiên cứu của Viện LĐXH, Bộ Lao động (2015) cho rằng mặc dù Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc nâng cao quyền năng giáo dục cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái các vùng sâu, vùng ra; việc tiếp cận các cơ hội, các chương trình giáo dục của trẻ em gái còn nhiều hạn chế. Phân tích số liệu thống kê từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 của Tổng Cục Thống Kê cho thấy trẻ em gái vùng dân tộc miền núi phía Bắc có: (i) tỷ lệ chưa bao giờ đi học cao hơn so với các vùng khác trong cả nước; (ii) tỷ lệ biết đọc biết viết thấp nhất trong cả nước; (iii) tỷ lệ biết đọc biết viết thấp hơn trẻ em trai tại tất cả các tỉnh trong cùng vùng và (iv) càng học cao trẻ em gái càng bỏ học nhiều hơn so với trẻ em trai.
Rào cản về thể chế có ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tham chính của phụ nữ. Sự khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu giữa nam giới và phụ nữ đã hạn chế sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo cao cấp, hạn chế cơ hội quy hoạch, bổ nhiệm của phụ nữ. Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy Đảng còn thấp. Ở địa phương, tỷ lệ ủy viên nữ trong Đảng ủy cấp tỉnh chỉ chiếm 11%, trong khi đó cấp quận, huyện là 15% và cấp xã phường là 18%[1]. Với mức tham gia cấp ủy Đảng hạn chế như vậy, thực sự phụ nữ chưa đại diện đượclượng nữ đông đảo trong xã hội. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định và thực thi chính sách hạn chế.
Kết luận
Như vậy, việc tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo tiếng nói đại diện, thể hiện tâm tư, nguyện vọng của nữ giới. Mặc dù Đảng, Nhà nước ta có quan tâm đặc biệt tới việc tăng cường tỷ lệ phụ nữ tham chính, tỷ lệ nữ tham gia vào quốc hội, hội đồng nhân dân còn thấp. Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam có cơ hội tham chính, quyền năng chính trị của họ được thúc đẩy bởi quy định thuận lợi của luật pháp, chính sách, tuy nhiên họ gặp không ít cản trở về thể chế, về quan niệm xã hội.
Hội nhập quốc tế và khu vực tạo nhiều vận hội mới, nhưng cạnh tranh cũng gay gắt hơn nên những thách thức sẽ càng lớn đối với phụ nữ. Phụ nữ có xuất phát điểm thấp hơn, nhiều cản trở hơn nên nguy cơ bị loại ra khỏi môi trường cạnh tranh là lớn hơn.Trong thời gian tới, đất nước ta ngày càng hội nhập mạnh mẽ hơn với nền kinh tế, khoa học, công nghệ thế giới mà đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế tri thức, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, nữ giới không những phải tích cực nâng cao kiến thức, kỹ năng mà còn phải rèn cho mình ý chí quyết tâm cao; bởi lẽ, nếu mỗi người dân nói chung, và phụ nữ nói riêng ở vị trí xuất phát thấp hơn, ít thời gian và cơ hội đầu tư, học tập hơn thì nguy cơ bị loại khỏi môi trường hội nhập sẽ không tránh khỏi. Hội nhập đòi hỏi phụ nữ phải năng động, bản lĩnh, tuân thủ các nguyên tắc quốc tế. Trao quyền là quan trọng nhưng phụ nữ cần chuẩn bị tâm thế, năng lực để đón nhận và thực hiện quyền năng chính trị được trao một cách hiệu quả nhất.
[1] Sẵn sàng để thành công (UNDP, 2015)