TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện chủ trì hội thảo. PGS.TS Lê Phước Minh, Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ, trao đổi về nội dung hội thảo. Đại biểu tham dự là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện và viên chức Trung tâm Công nghệ thông tin và Thư viện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Quang Tiến nhấn mạnh yêu cầu đổi mới đáp ứng nhu cầu của giáo dục đại học hiện nay đối với các cơ sở đào tạo. Học viện Phụ nữ Việt Nam dù mới được thành lập từ năm 2012 trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cán bộ Phụ nữ TW nhưng bước đầu đã dần khẳng định được uy tín, chất lượng đào tạo thể hiện ở sự lựa chọn của phụ huynh, sinh viên, học viên tham gia học tập tại đây. Mặc dù vậy, yêu cầu phát triển về quy mô, chương trình, dịch vụ …nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội luôn đặt ra những thách thức, đòi hỏi mỗi cá nhân và tập thể Học viện cần chuyên tâm, sáng tạo không ngừng để xây dựng Học viện phát triển bền vững và chuyên biệt. Giám đốc hy vọng hội thảo là cơ hội tốt để Học viện chia sẻ và tham khảo kinh nghiệm xây dựng và phát triển thương hiệu giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay từ chuyên gia, PGS.TS. Lê Phước Minh.

PGS.TS. Lê Phước Minh đã cung cấp thông tin toàn diện về tình hình giáo dục đại học Việt Nam hiện nay; những đặc trưng cơ bản, chất lượng giáo dục, năng lực cạnh tranh, căn cứ, kết quả xếp hạng, điểm mạnh, thách thức của nền giáo dục đại học Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. PGS.TS cũng khẳng định cần xác định mục đích của việc thay đổi không chỉ là đối phó mà chính là để đáp ứng nhu cầu đón đầu. Điều này được minh chứng rõ nét khi so sánh những đặc điểm của hệ thống giáo dục truyền thống và hệ thống giáo dục thế kỷ XXI. Vai trò của nhà giáo, người học, phương pháp, quan điểm đào tạo…đều thể hiện sự khác biệt theo hướng tích cực đáp ứng xu thế của thời đại. Những giải pháp phát triển dựa trên đặc điểm của hệ thống giáo dục thế kỷ XXI của Việt Nam cũng được diễn giả đề cập cụ thể và sâu sắc. Không chỉ vậy, gắn liền với các giải pháp là chương trình hành động cụ thể của các trường đại học. Vấn đề tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, đổi mới chương trình giáo dục, đổi mới việc đào tạo giáo viên, đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới công tác quản lý… đều được đề cập rõ nét.

Các đại biểu tham dự hội thảo trao đổi rất sôi nổi, tập trung về vấn đề phát triển thương hiệu của một trường đại học; cấu trúc giá trị của một tổ chức, các nhóm yếu tố hữu hình, vô hình ảnh hưởng đến việc xây dựng thương hiệu trường đại học…để tìm ra những đặc điểm và yếu tố quyết định thành công của một trường đại học trong thời đại hiện nay. Kết quả trao đổi cho thấy thành phần chính để đánh giá chất lượng dịch vụ giáo dục bao gồm: độ tin cậy; sự bảo đảm; sự hữu hình; sự thấu cảm và sự nhiệt tình. Những yếu tố đó góp phần xây dựng và khẳng định thương hiệu của trường đại học đối với mọi đối tượng khách hàng.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Những nội dung được trao đổi chính là nền tảng của ý thức đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đối với các trường đào tạo đại học nói chung và Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng. Hy vọng rằng, những ý tưởng được trao đổi giữa diễn giả và các đại biểu tại hội thảo sẽ từng bước hiện thực hóa trong hoạt động của Học viện.