Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, nhân viên các đơn vị thuộc học viện.

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Đại học Michigan State, Mỹ, PGS.TS Julie Brockman đã chia sẻ về quan niệm của bà về vấn đề quản lý hiệu quả công việc. Theo bà, quản lý hiệu quả công việc đòi hỏi sự quan tâm và phát triển con người nhưng vẫn phải đảm bảo công việc đạt được mục tiêu của tổ chức. Vì vậy việc tìm hiểu lý do mỗi cá nhân yêu thích và cảm thấy có động lực khi làm việc là điều hết sức quan trọng.

Trả lời cho câu hỏi này, rất nhiều ý kiến được đưa ra tại tọa đàm, mỗi án bộ, nhân viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam đều nêu ra những mong muốn hoặc lý do tạo động lực cho bản thân khi làm việc như: tính sáng tạo trong công việc, sự thoải mái về thời gian, sự hài hòa về các mối quan hệ trong công việc, tính linh hoạt, không nhàm chán của công việc, thu nhập và phúc lợi xã hội, sự cân đối công việc và gia đình… Chính sự đa dạng về cách nhìn nhận những động lực, lý do tạo cảm hứng trong công việc của mọi người tạo thành những kinh nghiệm để đề phòng xung đột tại nơi làm việc.

Diễn giả Julie Brockman đã khơi gợi những điều thúc đẩy tinh thần làm việc của mỗi cá nhân từ đó đặt vào hoàn cảnh chung của tập thể để mỗi người tự dung hòa những mong muốn của bản thân với mục tiêu phát triển của tổ chức. Sự hài hòa đó không dễ tìm kiếm nhưng thông qua những chia sẻ của diễn giả mỗi người đều nhận thấy đó là điều có thể đạt được bằng sự cố gắng, thấu hiểu và sẻ chia giữa tổ chức và người lao động.

Trong quá trình trao đổi giữa diễn giả và các thành viên tham gia, vấn đề xây dựng chiến lược phát triển và lên kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa chiến lược được đặt lên hàng đầu. Trong đó, vấn đề phát triển nguồn nhân lực mang tính quyết định.

Đối với mục tiêu quản lý hiệu quả công việc, 5 yếu tố: tầm nhìn, kỹ năng, lợi ích, tài nguyên, kế hoạch cần được đảm bảo. Chỉ cần khuyết thiếu một trong các yếu tố trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc.

Cũng tại buổi tọa đàm, diễn giả đã trao đổi về những phương pháp để chẩn đoán xung đột trước khi nó gia tăng, áp dụng các kỹ thuật giải quyết mâu thuẫn thích hợp vào các tình huống cụ thể. Phân tích các phương pháp giải quyết xung đột để giá trị mối quan hệ không bị ảnh hưởng.

Nếu coi việc phản đối quan điểm là một sự chia sẻ tự nhiên những ý tưởng thì nó có thể mang lại lợi ích và tránh được sự xuất hiện xung đột. Nếu xung đột có thể được giải quyết trước khi nó có cơ hội leo thang, thì năng suất lao động sẽ tăng lên và tinh thần sẽ vẫn ở mức cao. Ngoài ra thông qua quá trình giải quyết xung đột sẽ giúp cá nhân và tập thể tăng cường sự hiểu biết, gắn kết thêm mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức đồng thời nâng cao kiến thức của bản thân. Xung đột thúc đẩy từng cá nhân xem xét kỹ càng các mục tiêu và kỳ vọng, giúp họ hiểu được điều gì là quan trọng nhất và sau đó tập trung toàn bộ sức lực cũng như tâm trí để nâng cao hiệu quả làm việc.

Buổi tọa đàm Quản lý hiệu quả công việc và giải quyết xung đột nơi làm việc đã mang lại những lợi ích không nhỏ cho người tham gia trong việc xác định vai trò của nhà quản lý, tổ chức đối với việc quản lý hiệu quả công việc và vai trò của từng cá nhân, tập thể đối với việc giải quyết xung đột nơi làm việc.