Đã từ lâu vấn đề giới và phát triển bền vững được quan tâm trên cả bình diện quốc gia lẫn quốc tế. Quan điểm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng phụ nữ được nhấn mạnh trong các văn bản quốc tế quan trọng của Liên Hợp Quốc (LHQ) như Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (1995), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ – CEDAW (1978), Mục tiêu thiên niên kỷ (2000), hay qua Văn kiện đại hội Đảng các nhiệm kỳ, các bản hiến pháp, luật pháp chính sách như Luật Bình đẳng giới (2006), Hiến pháp sửa đổi 2013. Trong khi đó, phát triển bền vững đã trở thành chiến lược toàn cầu thế kỷ 21. Kể từ Chương trình nghị sự 21về phát triển bền vững của LHQ (1992) đến Hội nghị Liên Hợp quốc về phát triển bền vững (Rio +20) ngày 22/6/2012 tại Rio de Janeiro, phát triển bền vững luôn được nhấn mạnh như giải pháp tháo gỡ các thách thức về đói nghèo và bất bình đẳng giới. Tại Việt Nam, phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020 khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thúc đẩy phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững. Tuy nhiên, có thể nói, vấn đề tăng trưởng toàn diện chưa được đề cập nhiều, đặc biệt là mối liên hệ giữa bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện.

Thông tin về đánh giá tình hình giới tại Việt Nam của tác giả Ruchika Bahl –

Chuyên gia về Giới, Sinh kế và An sinh xã hội, với đóng góp của bà Shoko Ishikawa – Giám đốc UN Women tại Việt Nam cho thấy, mặc dù phụ nữ đóng góp một phần lớn vào các hoạt động kinh tế của đất nước, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động tới 73%, nhưng tăng trưởng kinh tế chưa mang lại nhiều lợi ích cho họ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là sự phân biệt ngành nghề, hạn chế về khả năng tiếp cận thị trường lao động, thiếu kỹ năng chuyên môn, thiếu dịch vụ an sinh xã hội cho phép phụ nữ tham gia tối đa vào các ngành nghề chính thức và có thu nhập ổn định.

Nghiên cứu chuyên đề Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện do bà  Shoko Ishikawa – Trưởng đại diện UN Women trình bày tại Hội thảo nhấn mạnh rằng hiện nay tỷ lệ phụ nữ tham gia vào khu vực kinh tế phi chính thức còn cao hơn nhiều so với nam giới; tăng trưởng kinh tế nhìn chung cao nhưng chênh lệch giới còn nhiều tồn tại. Vì thế, cần quan tâm tới việc phát triển và thực thi các chính sách bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Theo bà Marzia Fontana – Trưởng nhóm Đánh giá giới quốc gia tại Việt Nam, tăng trưởng toàn diện có nghĩa là sự phát triển mang lại cơ hội và lợi ích cho tất cả mọi người chứ không riêng gì phụ nữ. Bên cạnh đó, tăng trưởng toàn diện cũng cần lưu ý tới yếu tố vùng miền, các nhóm phụ nữ, v.v. Vì vậy, thảo luận nhóm với chủ đề Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện được thực hiện theo các nhóm đại biểu khác nhau. Cụ thể: Nhóm 1 là các đại biểu thuộc các Bộ ngành từ Hà Nội; Nhóm 2: Các đại biểu từ Nghệ An – Hà Tĩnh; Nhóm 3: Các đại biểu đến từ Quảng Trị;Nhóm 4: Các nhóm đại biểu đến từ Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Thảo luận xoay quanh 3 nội dung chính: (1) Tác động của tăng trưởng kinh tế tới phụ nữ và nhưng khó khăn phụ nữ gặp phải ở Việt Nam; (2) Phụ nữ có đóng góp như thế nào cho phát triển bền vững và gặp nhứng khó khăn gì; (3) Các khuyến nghị nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện.

Ảnh 2:PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội điều hành Hội thảo và Thảo luận.

Các nhóm đã thảo luận sôi nổi và tích cực, dựa trên đặc thù nổi bật của nhóm. Ví dụ, nhóm đại biểu từ các bộ ngành Hà Nội (bao gồm các đại biểu đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội LHPN Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam, v.v) thảo luận trên quan điểm vĩ mô, gắn với các chính sách phát triển kinh tế xã hội, các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới. Trong khi đó nhóm đại biểu đến từ Quảng Trị đưa ra các phân tích, đánh giá dựa trên tình hình phụ nữ dân tộc thiểu số là phụ nữ Vân Kiều – Pa Cô vốn là cộng đồng thiểu số tập trung đông ở tỉnh Quảng Trị. Sau khi thảo luận, các nhóm đã trình bày rất thuyết phục tại Hội thảo và nhận được những câu hỏi, cũng như chia sẻ từ các nhóm thảo luận và các chuyên gia.

Ảnh 3:Đại diện nhóm Quảng Bình – Thừa Thiên Huế trình bày kết quả thảo luận.

Hội thảo là cơ hội tốt để các đại biểu tìm hiểu thêm về vấn đề tăng trưởng toàn diện, mối quan hệ hai chiều giữa bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện; cơ hội trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước – những người có kinh nghiệm thực tiễn trong thúc đẩy bình đẳng giới và lĩnh vực phát triển. Đặc biệt, tiếng nói của các đại biểu – theo nhận định của bà Shoko Ishikawa cũng như TS. Marzia Fontana – là các chi tiết đầu vào quan trọng giúp nhóm xây dựng khung báo cáo nghiên cứu chuyên đề tại Việt Nam về “Bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện” thiết kế được một báo cáo với kết cấu phù hợp, đưa ra được những khuyến nghị chính sách quan trọng trong thúc đẩy bình đẳng giới và tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam.

 

Học viện Phụ nữ Việt Nam đã cử 2 cán bộ, giảng viên tham gia Hội thảo là ThS. Hoàng Hương Thủy –  Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế và TS. Dương Kim Anh – Phó trưởng Bộ môn Giới và Phát triển. Hai đại biểu của Học viện đã tích cực trao đổi trực tiếp với các chuyên gia và đại biểu hội thảo cũng như đóng góp các ý kiến hữu ích cho nhóm thảo luận. Những kiến thức, kinh nghiệm tiếp thu được tại Hội thảo sẽ giúp ích cho các đại biểu của Học viện trong công tác chuyên môn, đồng thời có tầm nhìn bao quát và sâu hơn đối với các vấn đề bình đẳng giới và phát triển.