Thành lập Bộ môn Giới và Phát triển
 
Ngày 31 tháng 10 năm 2014, Ban Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã ký Quyết định số 358/QĐ-BGĐ thành lập Bộ môn Giới và Phát triển. Theo Quyết định này, Bộ môn Giới và Phát triển sẽ trực thuộc Ban Giám đốc Học viện. Nhân sự Bộ môn Giới và Phát triển được điều chuyển từ các đơn vị thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam, trong đó có Khoa Khoa học cơ bản và Viện Nghiên cứu Phụ nữ. Trước đó, ngày 10/10/2014, Ban Giám đốc Học viện đã ký Kế hoạch số 29/KH-HVPNVN về hoạt động mở hai ngành đào tạo mới, hệ đại học là Giới và Phát triển, và Luật. 

Mặc dù bộ môn mới được thành lập, nhân sự ít nhưng đều được đào tạo bài bản, có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ đúng chuyên ngành về Giới từ các nước như Niu Di-lân (Trường Xã hội học, ĐH Waikato), Thái Lan (Viện Công nghệ Châu Á – AIT), Hà Lan (Học viện Xã hội học – ISS), và Vương quốc Anh (ĐH Hull); đồng thời bộ môn có đội ngũ các giảng viên kiêm nhiệm có kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng Giới. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban giám đốc Học viện, Bộ môn tập trung cho việc xây dựng Đề án mở mã ngành Giới và Phát triển; biên soạn tài liệu học phần Giới và Phát triển phục vụ cho việc giảng dạy các lớp cử nhân tại Học viện vào Học kỳ thứ 6 (năm 2015). Bộ môn đã quy tụ được một số chuyên gia có tiếng về Giới của Việt Nam như GS. Ts. Lê Ngọc Hùng, PGS. Ts Hoàng Bá Thịnh; PGS.Ts. Nguyễn Hữu Minh, Ts. Vương Thị Hanh, v.v. Để tăng cường hiệu quả cho việc xây dựng Chương trình khung Giới và Phát triển, thúc đẩy nâng cao năng lực và hợp tác đào tạo, Bộ môn Giới và Phát triển đã phối hợp với Phòng Hợp tác quốc tế tiến hành một số hoạt động thiết thực.

Từ ngày 23 tháng 10 đến ngày 7 tháng 11 năm 2014, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức 03 buổi làm việc với các học viện, nhà trường nước ngoài (Châu Á và Châu Âu), bao gồm 01 buổi làm việc với Học viện Công nghệ Châu Á – AIT, Thái Lan và 02 buổi làm việc với Học viện xã Hội học – ISS,  thuộc Đại học Erasmus – Hà Lan.

Học viện Phụ nữ Việt Nam làm việc với Học viện xã Hội học – ISS 

thuộc Đại học Erasmus – Hà Lan

Làm việc với Học viện Công nghệ Châu Á – AIT

Học viện Công nghệ Châu Á – AIT có trụ sở chính tại Băng-cốc, Thái Lan, được thành lập vào năm 1959. Mục tiêu của AIT là đào tạo các chuyên gia có chất lượng, giữ vai trò then chốt cho sự phát triển bền vững của khu vực và quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Hiện AIT đào tạo nhiều chuyên ngành, trong đó có đào tạo sau đại học về Giới và Phát triển.

Chiều ngày 23 tháng 10 năm 2014, Học viện Phụ nữ Việt Nam – Đại diện là Ts. Trần Quang Tiến – Phó Giám đốc phụ trách Học viện, đã tiếp đoàn chuyên gia Học viện AIT – Ts. Donna L. Doane và Ts. Philippe Doneys – là các giảng viên có kinh nghiệm trong đào tạo cao học chuyên ngành Giới và Phát triển.

 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Học viện và các giảng viên Bộ môn Giới và Phát triển cùng đại diện Phòng Đào tạo lắng nghe ý kiến đóng góp cho bản thảo đầu tiên Chương trình Khung Giới và Phát triển, hệ đào tạo Đại học; trao đổi và nghe chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia AIT về việc xây dựng Chương trình đào tạo Giới và Phát triển. Các ý kiến chính của chuyên gia AIT xoay quanh việc cần xác định nhóm ngành chuyên sâu, lưu ý đến đối tượng sinh viên và những công việc họ sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, cần lưu ý đến vấn đề phát triển, coi phát triển là nền tảng của khoa học về Giới. Bên cạnh đó cần lưu ý đến vấn đề Giới trong các nền văn hóa và bối cảnh kinh tế, chính trị – xã hội khác nhau. Các chuyên gia AIT cũng nhấn mạnh rằng các môn học chính rất quan trọng, ngoài các môn học nền tảng cần có các môn chuyên sâu; luận văn tốt nghiệp cần làm theo chuyên ngành. Theo các chuyên gia, Học viện Phụ nữ Việt Nam cần xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu, có sự kết hợp với các chuyên ngành khác như giới và kinh tế, giới và luật pháp, v.v.

Làm việc với Học viện Xã hội học – ISS

Học viện Xã hội học – ISS có trụ sở chính tại thành phố La-hay (thủ đô hành chính của Hà Lan, nơi có trụ sở của Tòa án quốc tế và có trụ sở của Đại sứ quán nhiều nước trên thế giới). Ra đời từ năm 1952, ISS có thế mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học. ISS được biết đến như một học viện đầu ngành ở Châu Âu về xã hội học, chuyên đào tạo các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ, các khóa học ngắn hạn về các lĩnh vực chính trị xã hội, trong đó có chuyên ngành Giới và Phát triển. ISS đã có quan hệ hợp tác tốt đẹp nhiều năm với Hội LHPN Việt Nam thông qua Dự án Hà Lan nâng cao năng lực phụ nữ. ISS có những đóng góp đáng ghi nhận trong việc nâng cao năng lực để Trường cán bộ phụ nữ TƯ trở thành Học viện phụ nữ Việt Nam, trong đó phải kể đến các hỗ trợ nâng cao năng lực cho Hợp phần Đào tạo và Hợp phần Nghiên cứu của Trường cán bộ phụ nữ TƯ (nay là Học viện phụ nữ Việt Nam). Đặc biệt, ISS cũng đã trực tiếp đào tạo trình độ thạc sĩ cho một số cán bộ, giảng viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Đánh giá cao ý tưởng thiết lập Chương trình đào tạo liên kết Thạc sĩ Giới và Phát triển tại Việt Nam của Học viện Phụ nữ Việt Nam, đoàn lãnh đạo Học viện Xã hội học – ISS đã đến thăm và làm việc với Học viện Phụ nữ Việt Nam trong hai ngày 3/11 và 7/11. Phía ISS có Giáo sư, Ts. Leo J. de Haan – Hiệu trưởng, Ts. Freek B. Schiphorst – Phó hiệu trưởng phụ trách Giáo dục, và Ts, Joop de Wit – Giảng viên cao cấp về Chính sách công và Quản lý. Phía Học viện Phụ nữ Việt Nam có Ts. Trần Quang Tiến – Phó giám đốc phụ trách cùng đại diện các phòng ban, các giảng viên của Bộ môn Giới và Phát triển.

Đại diện ISS giới thiệu cách thức đào tạo thạc sĩ của phía bạn. Cụ thể, ISS cung cấp kiến thức cho học viên theo 3 phần: Khóa kiến thức cơ bản (foundation courses), các môn học chính (core courses), các môn chuyên ngành (specialized courses). ISS đặc biệt coi trọng kỹ năng nghiên cứu khoa học, coi đó là nền tảng của học thuật chuyên sâu. Các sinh viên đều phải làm luận văn thạc sĩ với độ dài 17.500 từ. Vì vậy, một trong những môn học bắt buộc trong các khóa đào tạo thạc sĩ tại ISS là phương pháp nghiên cứu khoa học (sinh viên có thể lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng, hoặc kết hợp cả hai phương pháp). Việc làm luận văn thạc sĩ được thực hiện xuyên suốt khóa học – bắt đầu từ kỳ học đầu tiên thông qua việc chia sẻ ý tưởng nghiên cứu, thiết kế đề cương nghiên cứu, bảo vệ đề cương cho đến bảo vệ nội dung chính của luận văn, v.v. Tại ISS, chương trình đào tạo thạc sĩ kéo dài 15 tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm sau.

Sau hai buổi làm việc, Học viện xã hội học Hà Lan và Học viện Phụ nữ Việt Nam đã bàn bạc một số nội dung cụ thể, bước đầu đưa ra một số hình thức hợp tác có thể triển khai xin tài trợ của Chính phủ Hà Lan và hợp tác nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên thông qua các chương trình đào tạo theo yêu cầu (Tailor-made Training  – TMT), trước khi tiến tới các bước hợp tác sâu rộng hơn trong liên kết đào tạo Thạc sĩ Giới và Phát triển. TMT là chương trình đào tạo theo hình thức TOT nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các giảng viên trẻ. Trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ Hà Lan cắt giảm nguồn tài trợ cho các nước có mức phát triển được cải thiện, trong đó có Việt Nam, tài trợ của quỹ học bổng NUFFIC cho Việt Nam rất hạn chế, việc tìm kiếm nguồn tài trợ cho các chương trình TMT là hợp lý, góp phần nâng cao năng lực cho các giảng viên, đặc biệt là với các ngành chưa có đào tạo chuyên sâu ở Việt Nam như Giới và Phát triển.

Phát biểu tại các buổi làm việc, Ts. Trần Quang Tiến chân thành cảm ơn sự quan tâm của Học viện Công nghệ Châu Á – AIT cũng như Học viện Xã hội học Hà Lan – ISS, khẳng định mong muốn và quyết tâm thực hiện các cơ hội hợp tác phát triển vì sự phát triển bền vững của các bên nhà trường, học viện. Các buổi gặp mặt diễn ra tốt đẹp, hứa hẹn nhiều cơ hội hợp tác phát triển tốt cho Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng như sự lớn mạnh của Bộ môn Giới và Phát triển trong tương lai.