Ngay từ sáng sớm, cả đoàn đã có mặt đông đủ để bắt đầu hành trình về vùng đất địa linh nhân kiệt. Trong tiết trời mùa xuân se lạnh, ai cũng cảm thấy phấn khởi, hào hứng vì được tìm về cội nguồn yên bình nơi lưu dấu biết bao dấu tích của ông cha.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc. Đây là quần thể di tích đặc biệt gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và là chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Không chỉ gắn với các dấu ấn lịch sử, Côn Sơn – Kiếp Bạc còn được thiên nhiên ưu đã cảnh quan kỳ thú, hội tụ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc thông qua lễ hội và các nghi lễ…

Vào thăm đền Kiếp Bạc, cả đoàn đã thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc. Đây chính là nơi được ông lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Đền được xây dựng ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Đền Kiếp Bạc cùng với hai ngôi đền trên núi Bắc Đẩu và Nam Tào được ví như một “cõi thiên bồng lai giữa hạ giới”. Ngày giỗ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hằng năm trở thành ngày hội chính của đền Kiếp Bạc. Đây trở thành một trong những lễ hội lớn nhất cả nước đang được giữ gìn hơn 7 thế kỷ nay.

Rời khỏi đền Kiếp Bạc, cả đoàn cùng đến thăm chùa Côn Sơn. Ngôi chùa uy nghiêm nằm dưới chân núi Côn Sơn, từ thế kỷ 14 nơi đây đã trở thành chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Viện. Đây là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới tiêu biểu như Trần Nhân Tông, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán và đặc biệt là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ “Bình Ngô Đại cáo” của ông cũng được viết tại chốn này.

Điểm tham quan tiếp theo của đoàn là Đền thờ Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Quần thể đền thờ Chu Văn An uy nghi, thanh tịnh nằm ẩn mình giữa khu rừng thông xanh ngút ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu”, đặc biệt là bảng khắc chữ “Học” rất lớn theo nét bút thư pháp ở trên con đường vào đền. Đây là sự thể hiện tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An. Một điểm rất khác biệt nữa ở đền Chu Văn An là mỗi khi du khách vào đền còn dâng cả bút, sách, vở để cầu công danh, thi cử, học hành. Mỗi đoàn viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam khi ghé thăm nơi này đều có cảm nghĩ sâu sắc hơn về đạo làm thầy, về đạo học mà Nhà giáo Chu Văn An đã gửi lại cho hậu thế từ hơn 600 năm trước để cố gắng phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp trồng người.

Điểm tham quan cuối cùng của đoàn là một di tích vô cùng đặc biệt – Đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ – vị nữ Tiến sĩ đầu tiên của nước ta. Bà còn có tên gọi là Nguyễn Thị Ngọc Toàn hay bà chúa Sao Sa. Tương truyền bà là một người hiếu học, song luật lệ bấy giờ không cho phép con gái được học hành thi cử, Nguyễn Thị Duệ phải giả trai để dự việc đèn sách. Khoa thi Hội triều Mạc, bà mang tên giả là Nguyễn Du đi thi và đỗ đầu khi tuổi mới 20. Đến khi triều đình mở yến tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị Tiến sĩ trẻ dáng người mảnh mai, mặt mày thanh tú nên đã dò hỏi. Chuyện bị bại lộ, Nguyễn Thị Duệ không những không bị khép tội mà còn được vua ngợi khen. Sau đó, bà được mời vào cung để dạy các phi tần, rồi tuyển làm phi, được gọi là Tinh Phi (Sao Sa), vì thế người ta quen gọi là Bà Chúa Sao Sa.

Năm 1625, quân Lê – Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ vào rừng ẩn náu, bị quân lính bắt được. Mến tài, vua Lê và chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ. Năm 70 tuổi, Nguyễn Thị Duệ xin về nghỉ nơi quê nhà. Bà sống hơn 80 tuổi mới qua đời. Khi mất, người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm phúc thần. Khi còn làm việc quan, bà rất quan tâm đến việc học hành thi cử, bồi dưỡng nhân tài. Phần lớn ở các kỳ thi đình, thi hội, nhiều bài vở đều qua tay bà chấm chọn. Kỳ giảng hàng tháng, bà cùng các bậc túc nho đến giảng dạy, ôn tập cho các sĩ tử. Ngoài ra, bà còn xin triều đình cấp nhiều mẫu ruộng tốt, cho canh tác lấy huê lợi, giúp đỡ học trò nghèo biết chăm chỉ.

 Đền thờ bà Nguyễn Thị Duệ là nơi linh thiêng, được bao bọc bởi dãy núi Phượng Hoàng. Trong đền là tượng bà  được đặt trang trọng ở trung tâm hậu cung, tượng được sơn son thiếp vàng và có nhiều câu đối ca ngợi nữ tiến sĩ như: “Sắc nước hương trời nghìn xưa còn ngưỡng mộ. Linh thiêng đức lớn muôn đời tỏa ánh hào quang”…

Sau chuyến về nguồn ý nghĩa này, cả đoàn đã hiểu thêm lịch sử, về chiến công lẫy lừng 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII của quân dân thời Trần với dấu ấn của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn hay càng thấm thía, đồng cảm và thêm phần ngưỡng mộ người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi trong cuộc khởi nghĩa 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh ở thế kỷ XV. Đặc biệt, đoàn cảm nhận sâu sắc hơn về đạo làm người, đạo làm thầy để ngày càng tâm huyết hơn với sự nghiệp giáo dục và cảm phục, trân quý hơn tấm gương Bà chúa Sao Sa nữ cải nam trang lưu danh hậu thế.

Tạm biệt Hải Dương vùng đất đã sinh dưỡng và hội tụ những nhân vật lịch sử lẫy lừng, cả đoàn cùng trở về Hà Nội để ngày mai lại tiếp tục công việc thường nhật. Chuyến đi đã tiếp thêm niềm tin, động lực để mỗi cán bộ, nhân viên nỗ lực nhiều hơn cho sự phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam hôm nay và mai sau.