Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các mục tiêu phát triển bền vững được Liên Hợp Quốc và các quốc gia quyết tâm theo đuổi đạt được, với tầm nhìn đến năm 2030, để “không ai bị bỏ lại phía sau” (no one left behind) và được hưởng cuộc sống an toàn, được đảm bảo quyền con người, phẩm giá con người.

Hội thảo có 14 bài tham luận của các học giả, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh các trường đại học Monash (Australia), Chonnam (Hàn Quốc), Sultan Ageng Tirtayasa, Brawijaya, Parahyangan (Indonesia), Học viện Phụ nữ Việt Nam  và đại diện các bộ ngành, tổ chức của Indonesia; nhóm BK21+ Phát triển tài năng sáng tạo di cư toàn cầu của Hàn Quốc; các nhà hoạt động thực tế về giới, phụ nữ, di cư.

Ngài Mangadar Situmorang – Hiệu trưởng trường Đại học Công giáo Parahyangan Chủ trì hội thảo cũng đã trình bày tham luận về sự di cư của người Papua, người Tây Papua và các vấn đề liên quan đến phát triển, dân chủ, vấn đề giới, quyền con người, môi trường, và vấn đề phân biệt đối xử.

Hội thảo thu hút sự tham gia của học giả đến từ nhiều trường đại học, cơ quan, tổ chức của Indonesia và quốc tế

          Điểm nhấn của Hội thảo là các phân tích lý thuyết, thực tiễn về vấn đề di cư trong bối cảnh toàn cầu hóa ở các quốc gia Châu Á như: Kinh nghiệm làm mẹ của phụ nữ di cư tại Hàn Quốc; nhìn nhận vấn đề di cư dưới quan điểm truyền thông; việc sử dụng phương tiện truyền thông của phụ nữ di cư và sự giao lưu, thẩm thấu văn hóa của người di cư ở Hàn Quốc; hình ảnh phụ nữ di cư dưới con mắt của người dân bản địa Hàn Quốc; hoạt động hội nhóm của phụ nữ Trung quốc tại Hàn Quốc; quy định về lao động di cư ở Kazakhstan; vấn đề di cư của phụ nữ Châu Á tới các nước Hồng Kông, Hàn Quốc, Kazakhstan, Nhật Bản, Malaysia, v,v. Các công cụ phân tích (phân tích luật pháp, chính sách, phân tích giới), phân tích các mối quan hệ (mối quan hệ giữa văn hóa, ngôn ngữ với việc nuôi dạy con cái; mối quan hệ giữa di cư và buôn bán người, mối quan hệ giữa di cư và an ninh  khu vực), các vấn đề lý luận (vốn xã hội, vốn tài chính, xu hướng nữ hóa di cư, kỳ vọng xã hội, giá trị xã hội, trật tự xã hội, vấn đề thể chế, mạng lưới, tiếp biến văn hóa) được các học giả và những người tham gia hội thảo sử dụng, bàn bạc trong hội thảo, với mục đích hiểu rõ hơn vấn đề di cư, di dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập. Qua đó, khuyến nghị các giải pháp giải quyết các vấn đề bất cập trong di cư như đưa người đi di cư trái phép, buôn bán người; nâng cao năng lực và khả năng phát triển cho người di cư, đặc biệt là phụ nữ di cư; nâng cao nhận thức về di cư an toàn trong bối cảnh thế giới luôn vận động và chuyển đổi. Việt Nam được nhắc đến nhiều trong các tham luận Hội thảo, khi người di cư Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của các nước ASEAN và Châu Á.

          Ngôn ngữ chính thức sử dụng trong Hội thảo là tiếng Anh, kỷ yếu Hội thảo được ban hành với 14 bài tham luận của các học giả Australia, Hàn Quốc, Indonesia, và Việt Nam. Hai trường ĐH Công giáo Parahyangan và ĐH Chonnam đóng vai trò quan trọng trong việc mời và thu hút tham luận của các học giả là giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh các trường ĐH một số nước trong khu vực Châu Á, quan tâm nghiên cứu chuyên sâu về di cư và các vấn đề liên quan. Di cư là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển, là mối quan tâm không chỉ của các nước Châu Á, có liên quan đến nhiều điểm đến khác nhau trong và ngoài khu vực. Việc nghiên cứu, bàn bạc các giải pháp thúc đẩy di cư an toàn là việc làm hết sức ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững khu vực Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng.

 Một góc trong khuôn viên trường ĐH Parahyangan Catholic University

          Tham luận của Việt Nam về “Mối liên hệ giữa Buôn bán người và Di cư: Một số vấn đề giới và chính sách” (Human trafficking – Migration nexus: Gender and policy issues) đã chỉ ra rằng, di cư và buôn bán người là hai vấn đề khác biệt nhưng có mối liên hệ. Cả hai đều liên quan đến việc di chuyển của một hay nhiều người từ nơi này đến nơi khác, với mong muốn tìm được cơ hội tốt hơn cho cuộc sống. Trong quá trình di chuyển, người di cư có thể gặp rủi ro bị buôn bán. Tác giả tham luận cũng phân biệt rõ buôn bán người và đưa người đi di cư trái phép, trong đó có các khác biệt giới (nạn nhân của buôn bán người đa phần là nữ giới, trong khi đó nạn nhân của đưa người đi di cư trái pháp đa phần là nam giới). Đồng thời, nhấn mạnh rằng, phụ nữ và nam giới có những trải nghiệm khác nhau, chịu ảnh hưởng khác nhau trong quá trình di cư. Mặc dù mục đích di cư đều là tìm kiếm cơ hội phát triển, mưu cầu cuộc sống tốt đẹp hơn, phụ nữ có thể di cư vì mục đích kết hôn, khác với nam giới thường di cư lao động. Sự vắng mặt của phụ nữ và nam giới di cư có tác động khác nhau tới gia đình và các thành viên gia đình. Đặc biệt, phụ nữ di cư có tác động không nhỏ tới sự phát triển của trẻ em, tới người già, khi ông bà (đặc biệt là người bà) phải thay người mẹ, người cha chăm sóc trẻ. Bài viết cũng phân tích xu hướng nữ hóa di cư trên thế giới và khu vực, đáp ứng nhu cầu lao động đặc thù giới của một số quốc gia, một số lĩnh vực; tác động tích cực của việc di cư của phụ nữ đối với việc xóa bỏ định kiến về vai trò “nội tướng” hay vai trò “hướng nội” (private) của phụ nữ, gắn họ với công việc nội trợ trong gia đình. Phụ nữ di cư gặp nhiều trở ngại khác nhau, định kiến giới và kỳ vọng của xã hội với vai trò “giữ lửa” trong gia đình của phụ nữ khiến không ít phụ nữ phải chịu nhiều áp lực khi đi di cư. Nhiều chính sách di cư được áp dụng tại các nước đi và nước đến, trong đó hai chính sách cơ bản được áp dụng là chính sách hỗ trợ di cư (migration supportive policy) – thường được áp dụng ở nước đi (source country) và chính sách hạn chế di cư (migration restrictive policy) – được áp dụng ở nước đến (destination country) đều có những hạn chế nhất định và có thể gây ra rủi ro bị buôn bán cho người di cư nếu chính sách không được hoạch định, thực thi hiệu quả. Tham luận nhấn mạnh rằng, di cư và buôn bán người – là các vấn đề phát triển, cần được nhìn nhận từ góc độ quyền con người, có nhạy cảm giới. Di cư, gắn với bình đẳng giới cần được nhìn nhận theo cách tiếp cận điều chỉnh (corrective approach) thay vì tiếp cận hình thức (formal approach) vốn xem mọi vấn đề là trung tính giới, có tác động tới phụ nữ và nam giới như nhau), hay tiếp cận bảo vệ (protective approach) – quá nhấn mạnh các điểm tiêu cực của di cư mà hạn chế quyền di cư của con người. Việc phân tích, đánh giá các can thiệp, các giải pháp, các chiến lược liên quan đến di cư, hoặc phòng chống buôn bán người cần được giám sát, đánh giá, phân tích thường xuyên để có các giải pháp phù hợp.

Đại biểu Hội thảo chú ý lắng nghe, trao đổi về vấn đề giới trong di cư

          Sau phần trình bày, nhiều đại biểu đã trao đổi, chia sẻ các nội dung liên quan đến tham luận của Việt Nam. Đây cũng là một trong số ít các tham luận có sự gắn kết di cư – chủ đề chính của Hội thảo với một vấn đề xã hội của các nước Châu Á và toàn cầu là buôn bán người. Hội thảo là cơ hội tốt để đại biểu Việt Nam cũng như đại biểu các nước tham gia Hội thảo chia sẻ, thảo luận về vấn đề di cư và các vấn đề liên quan, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu về di cư và các vấn đề phát triển, cũng như mở rộng quan hệ mạng lưới trong nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học Châu Á và ASEAN.