Tham dự điễn đàn có hơn 300 đại biểu từ các cơ quan bộ ngành, các tổ chức, hiệp hội chính phủ và phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, đại diện Công ty Samsung – Việt Nam. Diễn đàn có sự tham gia của các khách mời là đại diện các cơ quan của Liên Hợp Quốc (Ông Chang Hee Lee – Giám đốc ILO, Bà Elisa Fernandez, Giám đốc UN Women tại Việt Nam), đại diện các cơ quan ban ngành về phía Việt Nam (Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), các tổ chức phi chính phủ và các trung tâm nghiên cứu độc lập (Trung tâm Hội nhập và phát triển, Viện nghiên cứu Giới và phát triển).  Diễn đàn còn có sự tham dự của các nghiên cứu viên, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Đây là hội thảo được tổ chức có quy mô lớn nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết NQ 11-CT ngày 27 tháng 4 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ.

Các đại biểu tại Hội thảo

Diễn đàn đa phương được chia thành 3 phiên làm việc. Phiên đầu tiên, các đại biểu trình bày các tham luận liên quan tới thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập tại Việt Nam, các vấn đề liên quan tới lao động việc làm, chính sách, luật pháp và việc đảm bảo quyền cho lao động nữ. Phiên thứ hai, diễn đàn đối thoại với khách mời về các thách thức, cơ hội và rào cản về giới trong kỷ nguyên số và hội nhập. Phiên thứ ba, các đại biểu đi tham quan mô hình công ty Samsung SEVT Thái Nguyên. Đây được cho là mô hình lý tưởng của các công ty, tập đoàn trong quá trình chuyển đổi nhằm nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó, công ty đã kịp thời đề xuất những chính sách hỗ trợ phát triển kỹ năng, tay nghề và những phúc lợi cần thiết cho nhân viên công ty – đặc biệt là nhân viên nữ (chiếm 75% số lượng người lao động tại công ty).

Hội thảo nhấn mạnh những thành tựu về bình đẳng giới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua. Các chỉ số phát triển giới (GDI), chỉ số khoảng cách giới (GGI) và chỉ số bất bình đẳng giới (GII) đều có sự thay đổi tích cực.

Một số diễn giả tại Hội thảo (từ trái sang: Bà Elisa Fernandez, Giám đốc UNWomen tại Việt Nam; Ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Bà Helen Bouchhave, Điều phối viên về Giới khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương – Ngân hàng Thế giới)

Kỷ nguyên số được coi là giai đoạn phát triển, trong đó các hoạt động/quy trình xã hội, kinh tế và chính trị được thúc đẩy bởi ứng dụng công nghệ số/công nghệ thông tin và truyền thông. Điều này cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho mục tiêu bình đẳng giới tại Việt Nam:

  • Phụ nữ có nguy cơ bị mất việc làm trong các ngành nghề truyền thống của họ như nông nghiệp, kinh doanh nhỏ và dệt may, da giầy. Kết quả nghiên cứu thị trường ở Việt Nam trong 10 năm tới cho thấy những ngành nghề rủi ro cao nhất bao gồm: nông, lâm và thuỷ sản (83,3% việc làm có rủi ro cao), bán buôn, bán lẻ (với 84,1% số việc làm có rủi ro cao), công nghiệp chế biến chế tạo (74,4% việc làm có rủi ro cao) trong đó dệt may và da giầy chịu tác động mạnh nhất.[1]
  • Bình đẳng giới còn chịu tác động mạnh mẽ bởi quá trình toàn cầu hoá và hội nhập, đồng thời với việc nâng cao yêu cầu về trình độ ngành nghề và kỹ năng làm việc – đây là những vấn đề lao động nữ luôn yếu thế hơn so với lao động nam.
  • Thách thức mới đặt ra đối với những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số. Phụ nữ dân tộc thiểu số gặp những vấn đề đặc biệt khó khăn do những ràng buộc kép về giới và dân tộc.
  • Rào cản lớn nhất đối với thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập chính là những chuẩn mực giới truyền thống cũng như vai trò trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Đây cũng là những nguyên nhân căn bản hạn chế sự lựa chọn, sự thành công và sự chủ động của phụ nữ trong thị trường lao động thời kỳ hội nhập.

 

Tuy nhiên, cơ hội do kỷ nguyên số và hội nhập mang lại cũng rất đa dạng. Nếu nắm bắt tốt cơ hội, đây chính là đòn bẩy thúc đẩy tiềm năng của cả phụ nữ và nam giới. Kỷ nguyên số đánh dấu sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự tăng trưởng lớn mạnh của các ngành dịch vụ – những ngành nghề được cho là lợi thế của phụ nữ. Công nghệ phát triển và tự động hoá yêu cầu sự gia tăng của nền kinh tế tri thức thế giới, mở ra những công việc có giá trị tăng cao. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy phụ nữ phát triển trình độ học vấn và kỹ năng của mình. Ngoài ra, kỷ nguyên số và hội nhập là công cụ hữu hiệu giúp xoá bỏ các khoảng cách địa lý về vùng miền, dân tộc, tôn giáo, văn hoá; điều này đòi hỏi cần có sự chuẩn bị thật tốt và kỹ lưỡng cho những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người dân tộc thiểu số, người di cư, người khuyết tật.  

Diễn đàn cũng là nơi các học giả bàn luận và đề xuất một số giải pháp giải quyết những thách thức đặt ra trong việc thu hẹp khoảng cách giới trong kỷ nguyên số, đó là:

  • Phát triển thị trường lao động linh hoạt, không phân biệt đối xử về giới: Sự gia tăng của nền kinh tế hội nhập của tri thức và dịch vụ sẽ mở ra nhiều việc làm mới với nhiều hình thức linh hoạt, đòi hỏi trình độ học vấn và tay nghề cao cũng như thúc đẩy sự đa dạng trong lựa chọn và tính linh động trong công việc.
  •  Trang bị những kỹ năng và bổ túc nghề nghiệp cho phụ nữ để mở rộng cơ hội việc làm cho nữ trong những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nam: Sự tham gia của phụ nữ phụ nữ trong các ngành khoa học – công nghệ – kỹ thuật và toán (STEM) có thể khuyến khích họ đa dạng lĩnh vực lao động, khai thác cơ hội từ các ngành truyền thống của nam giới và giúp phụ nữ chuẩn bị tốt hơn cho các thị trường lao động thâm dụng tri thức.
  • Phát triển thị trường dịch vụ chăm sóc và các phúc lợi xã hội cần thiết cho người lao động, đặc biệt trong bối cảnh già hoá dân số. Trong hội thảo, công ty Samsung đã giới thiệu một hệ thống chăm sóc nhân viên và công nhân và gia đình của họ như hỗ trợ gửi trẻ cho công nhân nữ, hỗ trợ ký túc xá cho các công nhân xa nhà, cung cấp các dịch vụ khám thai, cung cấp thuốc, các phòng hút sữa ngay tại công ty.
  • Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hướng tới bình đẳng giới thực chất như: trực tiếp giải quyết tình trạng phân biệt đối xử về giới thông qua các quy định pháp luật rõ ràng; trao quyền cho phụ nữ thông qua việc gia tăng lựa chọn cho họ trong công việc, tiếp tục khuyến khích nam giới chia sẻ gánh nặng gia đình thông qua các quy định về chế độ nghỉ thai sản, chăm sóc con… không phân biệt giới.
  • Diễn đàn cũng nhấn mạnh, giải pháp thiết thực nhất đó là ngay từ trong công việc, khuyến khích môi trường làm việc thân thiện với phụ nữ và nam giới, thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ cũng như đảm bảo các phúc lợi xã hội cho người lao động.

Hội thảo Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập là diễn đàn cởi mở, cập nhật những kiến thức mới thông qua các trao đổi có chất lượng giữa đại diện chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và đại diện phía công ty, liên đoàn lao động. Diễn đàn cũng là cơ hội giúp giảng viên và nghiên cứu Học viện Phụ nữ Việt Nam trải nghiệm thực tế cách thức một công ty đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 thông qua những thay đổi cần thiết trong chính sách và môi trường làm việc đối với người lao động.

[1]ILO, Asean in transition: How technology is changing jobs and enterprises, 7/2016