Tại buổi làm việc, TS. Dương Kim Anh – Trưởng khoa Giới và phát triển cùng các giảng viên của khoa đã trao đổi với Bà Chong Sheau Ching và đoàn đại biểu về thực trạng mang thai ở tuổi vị thành niên (VTN) tại Việt Nam hiện nay.

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ vị thành niên có thai trong tổng số người mang thai tăng liên tục qua các năm: Năm 2010: 2,9%; năm 2011: 3,1%; năm 2012: 3,2%, tương ứng tỷ lệ phá thai ở lứa tuổi này là 2,2% (2010), 2,4% (2011) và 2,3% (2012).  Với con số mang thai và nạo hút thai VTN như trên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi VTN cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới. Đây không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số, mà đáng lưu tâm hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ.

Bà Chong Sheau Ching cũng cho rằng các bà mẹ chưa trưởng thành này sẽ phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài về mặt sức khỏe và xã hội do việc mang thai sớm. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, mỗi năm có khoảng 16 triệu em gái tuổi 15-19 sinh con; cứ 10 trẻ vị thành niên (VTN) thuộc nhóm này thì 9 đã lập gia đình. Các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ với các em gái 15-19 tuổi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trên toàn cầu, cứ 3 nữ thanh niên tuổi 20-24 thì có 1 người (khoảng 70 triệu người) kết hôn trước tuổi 18.

Việc phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam triển khai dự án “Phòng tránh mang thai trẻ vị thành viên” sẽ là một hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền về nguyên nhân, hậu quả cùng đưa ra những giải pháp đẩy lùi tình trạng mang thai sớm ở trẻ VTN Việt Nam và thế giới.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm Học viện, đoàn đại biểu của tổ chức E-homemakers – Malaysia cũng dành thời gian chia sẻ với sinh viên ngành Giới & Phát triển về chủ đề cân bằng cuộc sống.

Bà Chong Sheau Ching nhấn mạnh rằng, cân bằng cuộc sống và công việc chính là công cụ trao quyền hữu hiệu, thúc đẩy phát triển bền vững. Bà cũng cho biết, Dự án Cân bằng cuộc sống và công việc của ASEAN do bà làm giám đốc bắt đầu vào năm 2015, gắn liền với một số nội dung quan trọng trong Chương trình nghị sự thế giới về phát triển bền vững, tầm nhìn đến năm 2030, đặc biệt là mục tiêu 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi. Cân bằng cuộc sống và công việc không chỉ là vấn đề mang tính hiệu quả, lợi ích và còn là vấn đề thời gian, sự công bằng, hạnh phúc và mức độ thỏa mãn công việc. Để thúc đẩy cân bằng cuộc sống và công việc cần sự hợp tác của nhiều ban ngành, nhiều lĩnh vực, sự nỗ lực của tất cả mọi người trong xã hội.

Đối với sinh viên ngành Giới & Phát triển Học viện Phụ nữ Việt Nam việc định hướng phát triển nghề nghiệp gắn với chuyên ngành đã lựa chon nhằm đảm bảo sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc sau khi ra trường là một vấn đề cần xác định nghiêm túc và có kế hoạch ngay từ bây giờ. Bằng những kinh nghiệm, hiểu biết của mình, bà Chong Sheau Ching đã đem đến cách tiếp cận mới lạ cho sinh viên giúp các em tự hình dung về thực tế và hình thành cách xây dựng kế hoạch cân bằng cuộc sống cho bản thân.

Buổi làm việc giữa đoàn đại biểu thuộc tổ chức Ehomemakers và Học viện Phụ nữ Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp với những hoạt động cụ thể, ý nghĩa hứa hẹn sự hợp tác triển vọng trong tương lai.