Chương trình đối thoại là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Hội LHPN Việt Nam theo chủ đề năm 2019 “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Mục đích của chương trình là hướng đến tuyên truyền, chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức, hành động cho sinh viên; tạo cơ hội cho sinh viên đóng góp ý kiến, nêu quan điểm, sáng kiến của mình về bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Chương trình có sự tham gia của nhiều lãnh đạo, đại biểu bộ/ban/ngành, đoàn thể, đại diện các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các trường đại học và hơn 600 sinh viên, trong đó có 60 sinh viên khuyết tật đến từ các trường: Đại học Luật Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Học viện Ngoại giao, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Chương trình có hai hợp phần: (1) Tranh biện “Có nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục?”; (2) Đối thoại sinh viên vì bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Hoạt động tranh biện với sự tham gia của hai đội sinh viên Đại học Luật Hà Nội với chủ đề “Có nên hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục?”. Hai đội tiến hành tranh biện, phản biện các luận điểm của nhau theo phong cách của Nghị viện Anh, trong tranh biện, cũng có nội dung sinh viên của hai đội tương tác với khán giả (sử dụng smartphone) qua trò chơi kahoot về bình đẳng giới (địa chỉ website: kahoot.it). Cuối phần tranh biện, hội trường đã nhận được 482 ý kiến ủng hộ hình sự hóa hành vi quấy rối tình dục và 20 ý kiến phản đối.

Trực tiếp tham gia đối thoại với sinh viên có bà Nguyễn Thị Thu Hà – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Lê Quốc Phong – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; bà Eliza Fermandez – Trưởng văn phòng UN Women.

Đại diện sinh viên đã đặt ra các vấn đề quan tâm như: thành tựu bình đẳng giới mà Việt Nam đã đạt được trong 10 năm qua; vai trò của Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới, xây dựng lý tưởng sống cho giới trẻ; vấn đề bạo lực trong hẹn hò; chiến lược của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người khuyết tật; những bất cập của độ tuổi hưu ở Việt Nam hiện nay so với thế giới. Đại diện sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có 2/6 câu hỏi trong buổi đối thoại. Các đại biểu đã có những câu trả lời thẳng thắn, khẳng định quan điểm, định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước về những vấn đề sinh viên quan tâm; những nỗ lực, kết quả cũng như tồn tại của tổ chức để có những cải thiện trong thời gian tới. Chương trình đối thoại còn có sự tham gia của đại diện các gương mặt được đề cử cho giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018: Nguyễn Phương Thảo – Huy chương vàng Olympic sinh học quốc tế, đạt kỷ lục thí sinh có điểm thi cao nhất thế giới; Đào Tố Loan – Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, giải nhất cuộc thi Singapore Liric Opera 2018. 

Đối thoại là một hoạt động ý nghĩa đối với thế hệ trẻ nói chung và đối với sinh viên nói riêng. Thông qua đối thoại, sinh viên được bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề bình đẳng giới và an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, sinh viên cũng có cơ hội để bày tỏ nguyện vọng đối với các cấp lãnh đạo, chính quyền và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thực sự cho phụ nữ và trẻ em.