Hỏi: Học viện Phụ nữ Việt Nam được thành lập từ năm nào? Trụ sở của trường ở đâu?
Trả lời: Học viện Phụ nữ Việt Nam kế thừa sự phát triển hơn 50 năm của Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương. Tháng 10 năm 2012 theo Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường được nâng cấp thành Học viện Phụ nữ – Là cơ sở giáo dục đại học CÔNG LẬP .
– Học viện có trụ sở chính tại số 68 đường Nguyễn Chí Thanh – Quận Đống Đa – Thành phố Hà Nôi.
Hỏi: Năm 2016, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh theo hình thức nào?
Trả lời: Năm 2016. Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh theo hình thức xét tuyển từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu; sử dụng kết quả của kỳ thi THPT Quốc Gia, tuân thủ tiêu chí chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định.
Hỏi: Học Viện tuyển sinh đào tạo những ngành nào? ký hiệu mã trường? ký hiệu mã ngành? Chỉ tiêu tuyển sinh?
Trả lời: Học Viện tuyển sinh các ngành: Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Luật, Giới và Phát triển.
– Ký hiệu mã trường: HPN
– Ký hiệu mã ngành CTXH: D760101
– Ký hiệu mã ngành QTKD: D340101
– Ký hiệu mã ngành Luật D380101
– Ký hiệu mã ngành Giới và Phát triển: GPT
Tổng chỉ tiêu: 600 sinh viên
Hỏi: Em muốn đăng ký học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam nhưng không biết thủ tục đăng ký xét tuyển (ĐKXT) được tiến hành như thế nào?
Trả lời: Học viện Phụ nữ Việt Nam Nam tuyển sinh theo hình thức xét tuyển từ cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu; sử dụng kết quả thi của kỳ thi THPT Quốc Gia
– Thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển:
Đợt 1: từ ngày 1/8-12/8/2016
Đợt 2: từ ngày 21/8-31/8/2016
Đợt 3 (nếu có) : từ ngày 11/9-21/9/2016
Thí sinh nôp phiếu đăng ký xét tuyển và phí dự tuyển qua bưu điện theo hình thức chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên, bằng phương thức trực tuyến (online) hoặc nộp trực tiếp tại Văn phòng tuyển sinh của Học viện theo địa chỉ: Học viện Phụ nữ Việt Nam – 68 Nguyễn Chí Thanh-Đống Đa-Hà Nội.
– Hồ sơ bao gồm:
+ Phiếu đăng ký xét tuyển (theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo)
+ 01 phong bì dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để Học viện thông báo kết quả xét tuyển
+ Lệ phí xét tuyển: 30.000đ/hồ sơ
Hỏi: Mức thu học phí của Học viện Phụ nữ Việt Nam? Học viện có cấp chính sách ưu đãi gì cho sinh viên?
Trả lời: Học viện Phụ nữ Việt Nam thu học phí theo quy định của Nhà nước đối với các trường đại học công lập. Năm học 2015-2016 mức học phí là : 180.000đ/tín chỉ/sinh viên
Học viện có chính sách ưu đãi cho thí sinh có kết quả 3 môn thi xét tuyển năm 2016 đạt trung bình một môn từ 7 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên và khu vực) ngay trong lễ khai giảng năm học 2016-2017.
Ngoài ra còn nhiều suất học bổng: học bổng cho sinh viên thủ khoa, sinh viên nghèo vượt khó, sinh viên miền núi …
– Xét và cấp học bổng cho những sinh viên đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện.
Học viện có đủ ký túc xá cho sinh viên không?
– 100% sinh viên có chỗ ở ký túc xá nếu có nhu cầu
– Tòa nhà 15 tầng với tổng diện tích 1175 m2. Khu nhà được thiết kế với 20 phòng học, 17 phòng làm việc, 104 phòng kí túc xá đáp ứng nhu cầu cho gần 1000sinh viên.
Hỏi: Học viện có qui định điểm xét tuyển từ nguyện vọng 2 phải cao hơn hoặc bằng nguyện vọng 1 không?
Trả lời: Năm 2016 điểm xét tuyển từ nguyện vọng 2 không bắt buộc cao hơn nguyện vọng 1. Đây là điểm mới của qui chế tuyển sinh đại học 2016 nhằm rộng mở cơ hội cho học sinh vào đại học.
Hỏi: Năm nay mỗi thí sinh được nộp hồ sơ mấy ngành trong các đợt xét tuyển? Thí sinh có được quyền rút hồ sơ xét tuyển không?
Trả lời: Theo phương án đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT quyết định gồm đợt xét tuyển đầu tiên và đợt xét tuyển bổ sung.
+ Đợt xét tuyển đầu tiên từ ngày 01-12/8/2016: Thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 02 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo; Thí sinh không được phép rút hồ sơ sau khi đã nộp.
+ Xét tuyển bổ sung đợt 1: từ ngày 21-31/8/2016
+ Xét tuyển bổ sung đợt 2: từ ngày 11/9-21/9/2016.
Các đợt bổ sung: Mỗi thí sinh tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo. Thí sinh không được phép rút hồ sơ sau khi đã nộp.
Thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển khi nộp bản chính có dấu đỏ giấy kết quả thi về Học viện theo thời gian qui định của mỗi đợt xét tuyển (đợt 1: trước 17h ngày 17/8/2016, đợt 1 bổ sung: trước 17h ngày 05/9/2016, đợt 2 bổ sung: trước 17h ngày 26/9/2016)
Hỏi: Cho em hỏi tổ hợp môn xét tuyển vào các ngành của Học viện Phụ nữ Việt Nam?
Trả lời: Để tạo cơ hội cho thí sinh. Năm 2016 tất cả các ngành (Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Luật, Giới và Phát triển) của Học Viện Phụ nữ Việt Nam sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01. C00, D01.
Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh
Toán, Vật lý, Hóa học
Toán, Vật lý, Tiếng Anh
Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý
Hỏi: Nếu em đăng ký xét tuyển trực tuyến thì em có phải nộp thêm hồ sơ hoặc lệ phí gì nữa không?
Trả lời: Trường hợp em xét tuyển trực tuyến, dữ liệu của em sẽ được hệ thống ghi nhận và chỉ khi em trúng tuyển, nhập học tại Học viện thì em cần nộp bổ sung hồ sơ xét tuyển + lệ phí xét tuyển (30.000đ).
Hỏi: Thưa thầy cô cho em hỏi em đã đăng kí xét tuyển trực tiếp vậy làm thế nào để em biết mình đỗ vào Học viện và nếu đỗ em cần nộp hồ sơ gồm những gì ạ?
Trả lời: Nhà trường cập nhật danh sách trúng tuyển trên website của Học viện. Hồ sơ cần thiết nhà trường sẽ yêu cầu trong giấy báo nhập học gửi về cho em theo địa chỉ liên lạc em khai trong hệ thống.
Hỏi: Sinh viên tốt nghiệp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam có được hỗ trợ giới thiệu việc làm không?
Trả lời: Một trong những lợi thế của sinh viên tốt nghiệp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ hội việc làm. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc trong hệ thống Hội LHPN các cấp, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị, chính trị- xã hội, các doanh nghiệp. Trong quá trình học, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp thông qua các đề án và các kỳ thực tập. Ngoài ra Học viện còn tổ chức các hoạt động tư vấn hỗ trợ sinh viên trong việc giới thiệu việc làm và lựa chọn môi trường làm việc phù hợp.
Hỏi: Với điểm xét tuyển nguyện vọng 1 chỉ tương đương với tiêu chí đầu vào của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ đào tạo như thế nào để đảm bảo chất lượng đầu ra?
Trả lời: Cam kết của Học viện Phụ nữ Việt Nam là kể cả người tốt nghiệp loại trung bình của Học viện cũng đạt chuẩn chất lượng để có thể là người hữu dụng cho xã hội, có việc làm tốt, có cơ hội thăng tiến nếu thực sự phấn đấu trong công việc của mình. Mục tiêu của Học viện Phụ nữ Việt Nam là tạo điều kiện cho mỗi sinh viên phát huy tốt nhất những tiềm năng của mỗi người, để đầu ra đạt tiêu chuẩn đào tạo.
Hỏi: Em muốn biết : Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào và điểm xét tuyển (điểm chuẩn) là gì?
Trả lời: Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
– Điểm chuẩn là mức điểm trúng tuyển của từng trường/học viện đối với từng ngành.
– Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mới được xét tuyển NV1 và nộp hồ sơ xét tuyển NV2,3.
Hỏi: Em muốn hỏi Học viện Phụ nữ Việt Nam có tuyển sinh đào tạo liên thông Cao đẳng- Đại học không? hình thức liên thông như thế nào ạ?
Trả lời: Năm 2016 Học viện Phụ nữ Việt tuyển sinh đào tạo liên thông từ Cao đẳng lên Đại học hệ Chính quy ( áp dụng cho người học tập trung liên tục tại Học viện), Vừa làm vừa học (áp dụng cho người học tại Học viện và cơ sở liên kết) ngành: Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh.
Chi tiết có thể xem tại địa chỉ Website của Học viện:http//hvpnvn.edu.vn
Hỏi: Em vừa là học sinh ở khu vực 1, vừa có bố là thương binh mất sức lao động dưới 81%, vậy em được cộng điểm ưu tiên như thế nào? Có phải quy định của Bộ GD-ĐT là có nhiều điều kiện hưởng ưu tiên nhưng sẽ chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất?
Trả lời: Trong trường hợp của em là học sinh tốt nghiệp tại khu vực 1, em sẽ được hưởng điểm ưu tiên khu vực là 1,5 điểm. Bố em là thương binh mất sức lao động dưới 81%, em sẽ thuộc đối tượng ưu tiên 06 thuộc nhóm ưu tiên 2 và được hưởng 1 điểm ưu tiên. Như vậy tổng hợp hai điều kiện ưu tiên khu vực và đối tượng em sẽ được tính 2,5 điểm ưu tiên khi xét tuyển.
Theo quy chế tuyển sinh hiện hành, có hai loại điểm ưu tiên là ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Mức điểm ưu tiên khu vực là 0,5 điểm giữa hai khu vực kế tiếp và mức điểm ưu tiên đối tượng là 1 điểm giữa hai nhóm đối tượng ưu tiên 1 và ưu tiên 2.
Một thí sinh sẽ được hưởng cả điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực nếu đạt đủ các điều kiện theo quy định. Quy định “chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất” chỉ áp dụng đối với những trường hợp thí sinh thuộc diện có nhiều điều kiện hưởng ưu tiên đối tượng cùng lúc.
Ví dụ một thí sinh vừa có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số (thuộc đối tượng 01 nhóm ưu tiên 1), vừa là con thương binh mất sức lao động dưới 81% (đối tượng 06 nhóm ưu tiên 2), sẽ được điểm ưu tiên ở mức cao nhất, tức là mức điểm ưu tiên dành cho đối tượng 01, không được tính cả hai tiêu chuẩn ưu tiên cộng lại.
Hỏi: Em nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Học viện Phụ nữ Việt Nam, làm sao em có thể biết mình có trúng tuyển hay không? Nếu không nhận được giấy báo trúng tuyển em phải làm như thế nào?
Trả lời: Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ gửi giấy báo nhập học cho những thí sinh trúng tuyển về địa chỉ trên phong bì gửi kèm hồ sơ đăng ký xét tuyển .
Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp giấy gọi nhập học đến muộn hoặc thất lạc. Thí sinh có thể trực tiếp đến trường để nhận giấy báo nhập học. Hoặc theo dõi danh sách trúng tuyển qua địa chỉ Website: Http//hvpnvn.edu.vn.
Nếu không nhận được giấy báo nhập học, thí sinh trúng tuyển vẫn có thể đến làm thủ tục nhập học.
Hỏi: Sức học của em thuộc dạng trung bình khá, em rất muốn thi vào một trường đại học. Vậy em nên chọn trường như thế nào cho phù hợp?
Trả lời: Học lực của bạn không giỏi, bạn vẫn có cơ hội học đại học nếu bạn chọn khối thi có các môn bạn học tốt nhất. Tuy nhiên, bạn cần xác định: mình thích ngành nghề nào nhất, cân nhắc xem mình có phù hợp với loại công việc cụ thể của nghề đó không, sau đó hãy chọn trường/ học viện. Mỗi ngành, nghề hiện đang được đào tạo ở nhiều trường/học viện khác nhau. Học lực trung bình khá, bạn nên hướng đến nhóm trường/học viện đào tạo những ngành, nghề mới.
Hỏi: Học viện có những hoạt động ngoại khoá nào cho sinh viên?
Trả lời: Học viện có một số mô hình tổ đội nhóm sau như
Đội thanh niên xung kích
Đội văn nghệ nòng cốt
Đội thanh niên tình nguyện
Các câu lạc bộ thể thao
Các câu lạc bộ học thuật
Mạng lưới doanh nhân, vườn ươm doanh nhân
Các hoạt động tình nguyện
Các hoạt động hỗ trợ công việc của khoa trường và hỗ trợ hoạt động chuyên môn
Hỏi: Em muốn biết thông tin về ngành Công tác xã hội của Học viện Phụ nữ Việt Nam; chương trình đào tạo của Nhà trường có gì khác so với các trường đại học/ học viện khác không?
Trả lời: Ngành Công tác xã hội : là ngành đào tạo còn tương đối mới ở Việt Nam, phục vụ nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ đại học cho nghề công tác xã hội nhằm phát triển cộng đồng, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội cũng như giải quyết những vấn đề an sinh xã hội khác.
Việc đào tạo cán bộ Công tác xã hội tại Học viện đã được triển khai từ năm 2007 với nhiều chương trình: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng mang tính thực hành cao. Ngành công tác xã hội của Học Viện cũng gắn liền với công tác phụ nữ, với hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.
Chi tiết có thể xem tại địa chỉ Website của Học viện:http//hvpnvn.edu.vn
Hỏi: Em muốn biết thông tin về ngành Quản trị kinh doanh của Học viện Phụ nữ Việt Nam; chương trình đào tạo của Học Viện có gì khác so với các trường đại học/học viện khác không?
Trả lời: Ngành Quản trị kinh doanh tại Học viện Phụ nữ được thiết kế chương trình và tổ chức đào tạo theo phương châm “Hiện đại – Linh hoạt -Thực tiễn – Đặc thù”.
Dựa trên những kinh nghiệm, kết quả đào tạo hơn 10 năm thực hiện dự án do Chính phủ Hà Lan tài trợ về phát triển doanh nhân nữ với những chương trình tiêu biểu như “100 Giám đốc nữ”; khởi sự doanh nghiệp và các dịch vụ phát triển kinh doanh. Học viện có đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản tại các nước phát triển, chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị kinh doanh của Học viện hứa hẹn sẽ tạo ra bước đột phá trong quá trình tổ chức đào tạo.
Chi tiết có thể xem tại địa chỉ Website của Học viện:http//hvpnvn.edu.vn
Hỏi: Cho em hỏi ngành Quản trị kinh doanh của Học viện có các chuyên ngành không? Em muốn học chuyên ngành Tài chính và Đầu tư thì đăng ký học như nào?
Trả lời: Ngành Quản trị kinh doanh của Học viện có các chuyên ngành sau:
Marketing và Thương mại điện tử
Tài chính và đầu tư
Tổ chức và nhân lực
Quản trị du lịch & lữ hành
Sinh viên sẽ được đăng ký chuyên ngành theo hình thức trực tuyến từ sau kỳ học thứ tư, nếu số lượng sinh viên đăng ký từ 30sv/chuyên ngành Học viện sẽ chính thức mở lớp chuyên ngành.
Hỏi: Em muốn biết thông tin về ngành Luật của Học viện Phụ nữ Việt Nam; sinh viên tốt nghiệp ngành Luật tại Học viện Phụ nữ Việt Nam có thể làm việc được ở đâu?
Trả lời: Được sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Năm 2015 Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tuyển sinh ngành Luật khóa đầu tiên với 240 sinh viên nhập học.
Sinh viên ngành Luật sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, các đơn vị sự nghiệp của nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các viện nghiên cứu, các trường đại học, có thể thực hành vững vàng các vị trí công tác trong các cơ quan tư pháp: Viện Kiểm Sát, Tòa án, cơ quan thi hành án; đủ điều kiện học nghiệp vụ Luật sư và trở thành Luật sư, hành nghề luật sư…Sau khi tốt nghiệp ngành Luật tại Học viện, sinh viên cũng đủ điều kiện để tiếp tục nâng cao trình độ ở cấp bậc cao hơn.
Hỏi: Chương trình đào tạo ngành Luật của Học viện Phụ nữ Việt Nam có gì khác biệt so với các trường khác?
Trả lời: Trong chương trình đào tạo ngành Luật được thiết kế trên cơ sở kết hợp những ưu thế của môn học luật với những môn khoa học về giới, về phụ nữ. Do đó, sinh viên Luật sau khi tốt nghiệp tại Khoa Luật – Học viện phụ nữ Việt Nam có kiến thức cơ sở về giới, phụ nữ, giám sát và phản biện xã hội, đồng thời có kiến thức pháp luật chuyên sâu về các nội dung: Pháp luật về Phụ nữ và bình đẳng giới, Pháp luật Kinh tế, Pháp luật Hành chính. Đây là những lĩnh vực pháp lý rất cần những chuyên gia giỏi trong điều kiện chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng và phấn đấu bình đẳng giới.
Bên cạnh phương pháp giảng dạy tích cực, sáng tạo mang tính thực tế thông qua các buổi trao đổi kinh nghiệm, tham dự hoạt động thực tiễn của người làm pháp luật, thực hành pháp luật, chương trình đào tạo còn chú trọng và dành một thời lượng đáng kể cho sinh viên học Tiếng Anh cơ bản và chuyên sâu (10 tín chỉ) nhằm giúp sinh viên tốt nghiệp có thể giao tiếp tốt và sử dụng thành thạo tiếng Anh trong hoạt động nghề nghiệp.
Hỏi: Em muốn hỏi: Học ngành Giới và Phát triển ra trường làm việc gì, ở cơ quan nào? Ai thích hợp để học ngành này?
Trả lời: Có khá nhiều cơ hội việc làm cho ngành Giới và Phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, bình đẳng giới, lồng ghép giới trở thành mục tiêu phát triển ưu tiên ở bình diện quốc gia lẫn quốc tế.
Giới là khoa học liên ngành nên cử nhân ngành Giới và Phát triển có thể làm các công việc chuyên sâu về giới hoặc các công việc có liên quan đến giới. Một số vị trí công việc có thể kể đến là:
Cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan chuyên trách Hội Liên Hiệp Phụ nữ các cấp từ Trung Ương đến địa phương;
Là cán bộ, chuyên viên làm việc độc lập trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội;
Là cán bộ hoạch định chính sách, chuyên viên làm việc trong các ban ngành từ Trung ương đến địa phương;
Là cán bộ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các tổ chức cộng đồng;
Là giảng viên về Giới và Phát triển, nghiên cứu viên trong các nhà trường, học viện, viện nghiên cứu, dự án nghiên cứu, đào tạo;
Làm chuyên gia tư vấn giới hoặc tư vấn xã hội cho các dự án, chương trình phát triển;
Là chuyên viên, cán bộ chương trình, điều phối viên các dự án liên quan đến phát triển cộng đồng, phát triển con người, phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, sức khỏe, v.v.
Tất cả những người đã tốt nghiệp PTTH, có quan tâm đến các vấn đề bình đẳng giới, phụ nữ, phát triển, đáp ứng được các yêu cầu tuyển sinh đều có thể học ngành này.
Hỏi: Lần đầu tiên em được biết có ngành Giới và Phát triển; Em có thể được tư vấn thêm về chương trình và mục tiêu của ngành?
Trả lời: Giới và Phát triển là chuyên ngành mới, lần đầu tiên được đào tạo ở Học viện Phụ nữ Việt Nam. Có thể nói Học viện Phụ nữ Việt Nam có nhiều thế mạnh trong việc đào tạo chuyên ngành này. Học viện có lịch sử 55 năm hình thành và phát triển, đã thực hiện nhiều chương trình, khóa đào tạo về giới, phụ nữ, phát triển. Học viện cũng có quan hệ hợp tác tốt đẹp với nhiều nhà trường, học viện trên thế giới; có định hướng liên kết đạo tạo sau đại học ngành Giới và Phát triển tại Hà Nội.
Chương trình cử nhân Giới và Phát triển Hệ Đại học được thiết kế với tổng khối lượng kiến thức là 128 tín chỉ, mỗi tín chỉ tương đương 1,5 tiết học (chưa kể các Học phần Giáo dục Quốc phòng và Giáo dục Thể chất), được đào tạo trong 4 năm.
Mục tiêu:
Chương trình cử nhân Giới và Phát triển cung cấp cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về giới và các vấn đề kinh tế, văn hóa, chính trị xã hội liên quan.
Về kiến thức: Chương trình trang bị có hệ thống các kiến thức giáo dục đại cương, các kiến thức cơ sở, kiến thức lý thuyết chung liên quan đến bình đẳng giới, phụ nữ học, phân tích giới, lập kế hoạch giới, lồng ghép giới, các kiến thức chuyên sâu liên quan đến một số vấn đề kinh tế xã hội nổi bật như giới trong chính sách công, kinh tế học về giới, giới trong giáo dục, giới trong dân số gia đình, giới trong chăm sóc sức khỏe, v.v.
Về kỹ năng: Chương trình nhằm cung cấp cho sinh viên một số kỹ năng quan trọng như kỹ năng phát hiện vấn đề có nhạy cảm giới, kỹ năng tư duy nhạy cảm giới, kỹ năng phân tích giới, lồng ghép giới, kỹ năng lập kế hoạch giới, tuyên truyền vận động giới, kỹ năng nghiên cứu khoa học, kỹ năng tư vấn giới, kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, v.v
Hỏi: Cơ hội học sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ngành Giới và Phát triển tại Việt Nam?
Trả lời: Trước khi chuyên ngành Giới và Phát triển được đào tạo ở Học viện Phụ nữ Việt Nam, các cá nhân có nguyện vọng học ngành này đều phải đào tạo ở nước ngoài với chi phí cao.
Hiện nay, song song với việc triển khai đào tạo ngành Giới và Phát triển hệ đại học, Học viện Phụ nữ Việt Nam đang tích cực triển khai hợp tác đào tạo sau đại học ngành Giới và Phát triển tại Hà Nội với một số nhà trường, học viện nước ngoài như Học viện Xã hội học Quốc tế – ISS (Hà Lan), v.v
Hỏi: Có phải ngành Giới và Phát triển chỉ phù hợp với sinh viên nữ hay không? Giới và Phát triển đào tạo các kiến thức, kỹ năng liên quan đến các vấn đề phụ nữ hay không?
Trả lời: Giới và phát triển là vấn đề toàn cầu, liên quan đến tất cả mọi người trong xã hội. Vì thế, ngành Giới và Phát triển dành cho sinh viên nữ lẫn sinh viên nam.
Các kiến thức, kỹ năng cung cấp trong Chương trình Giới và Phát triển hệ đại học bao hàm các kiến thức cơ sở, chuyên sâu về giới – liên quan đến vai trò, vị trí của phụ nữ và nam giới trong gia đình và ngoài xã hội; các kiến thức cơ bản về ảnh hưởng, tác động của giới tính thực tế đến việc thực hiện quyền con người, quyền công dân để đảm bảo bình đẳng giới thực chất; mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới, định kiến giới với phát triển kinh tế xã hội của gia đình, địa phương, quốc gia, v.v. Giới và Phát triển, vì thế không chỉ bao hàm các kiến thức, kỹ năng liên quan đến các vấn đề của phụ nữ; giới tính thực tế; mà rộng hơn, Giới và Phát triển xem xét khía cạnh bình đẳng nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống gia đình và xã hội một cách thực chất, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện.
Hỏi: Học viện/Khoa có những hoạt động gì hỗ trợ sinh viên ngành Giới và Phát triển sau khi ra trường có thể tìm kiếm việc làm thuận lợi hơn?
Trả lời: Khoa sẽ có những hoạt động kết nối với các nhà tuyển dụng, một mặt để giới thiệu sinh viên học viện tới các nhà tuyển dụng, mặt khác các tổ chức/cơ quan cần tuyển dụng sẽ có những trao đổi, định hướng cho các em về công việc trong tương lai tại tổ chức mình.
Chương trình có rất nhiều học phần liên quan tới các kỹ năng sau này các em sẽ áp dụng trong công việc:
Về đại cương, các em học kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và ra quyết định
Về chuyên ngành, các em được học kỹ năng về phân tích giới, lồng ghép giới, quản lý và thực hiện dự án phát triển, phản biện chính sách
Tuy nhiên các em cũng nên ghi nhớ để ra trường làm việc, các em cũng có nền tảng về lý thuyết vững chắc và rèn luyện tư duy thật tốt trong môi trường học tập. Để làm được điều này, các học phần về lý thuyết được lồng ghép các bài tập phong phú, phương pháp dạy học linh hoạt, để giúp em có kỹ năng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn, có khả năng giải quyết vấn đề tốt trong công việc.
Hỏi: Học ngành Giới và phát triển có khó xin việc không?
Trả lời: Hiện nay nhu cầu nhân lực ngành này chưa thể đáp ứng vì chưa có cơ sở nào tại Việt Nam đào tạo chuyên ngành về Giới và phát triển.
Tin tức liên quan
- 15/04/2024