Tham dự hội thảo có sự hiện diện của ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông và các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực Công nghệ thông tin đến từ các viện nghiên cứu và trường đại học.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề của một tổ chức, một cá nhân hay một trường học, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu. Đặc biệt, giáo dục và đào tạo không thể nằm ngoài quy luật chuyển đổi để kịp thời nắm bắt những thành tựu của khoa học kỹ thuật, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng dạy và học. Ngoài ra, để ứng phó với những biến động về mọi mặt kinh tế, xã hội, giáo dục do dịch Covid-19 gây ra, các trường đại học buộc phải chuyển mình theo xu hướng số hóa nhằm đảm bảo chất lượng và dịch vụ giáo dục. Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo, quản lý khoa học và dịch vụ. Hội thảo “Chuyển đổi số trong trường đại học” được tổ chức với mong muốn tạo điễn đàn học thuật trao đổi các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học giữa các chuyên gia về lĩnh vực này với cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên thuộc Học viện Phụ nữ Việt Nam và những người quan tâm. Thông qua hội thảo, người tham gia sẽ có cái nhìn tổng quan về tình hình, xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục đại học hiện nay và những thách thức, cơ hội mà xu hướng này mang lại.

PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã chia sẻ chuyên đề: Từ Đại học số đến Quốc gia số. Ngoài việc trao đổi về một số định hướng lớn của chiến dịch chuyển đổi số, thứ trưởng nhấn mạnh vai trò của thế hệ Gen Z là lớp sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường đại học hiện nay trong tổng quan thúc đẩy, chiếm lĩnh công nghệ chuyển đổi số tương lai. Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà nó còn là vấn đề nhận thức và thói quen. Đại học số không chỉ là giảng dạy thông qua các ứng dụng hội nghị truyền hình mà là sự tổng hòa, kết hợp giữa hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, học liệu số, ứng dụng dịch vụ, giảng viên số, sinh viên số. Ông Nguyễn Huy Dũng cũng chia sẻ thông tin về Đề án triển khai thí điểm đại học số đảm bảo tích hợp đầy đủ những ưu thế vượt trội về công nghệ thành một hệ thống liên kết hoàn chỉnh đào tạo được những sinh viên thực sự là doanh nhân, là chính khách kỹ trị chủ động và sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ chuyên đề Từ Đại học số đến Quốc gia số tại hội thảo

Cụ thể hơn về mô hình chuyển đổi số trong trường đại học, PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã chia sẻ những kinh nghiệm thực hiện mô hình chuyển đổi số đang được ứng dụng trong hệ thống đào tạo đại học. Cụ thể như: Hệ thống tuyển sinh/nhập học số: Ptit-Admission; Hệ thống kết nối Đại học số: Ptit-Slink; Hệ thống dịch vụ một cửa: Ptit-Gate; Hệ thống thực hành ảo Ptit-Dlab; Hệ thống quản lý đào tạo số: Ptit-LMS; Hệ thống quản lý và xác thực văn bằng chứng chỉ: Ptit-Blockchain.

 PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số tại Học viện CNBCVT

Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung tìm hiểu, phân tích vào một số mô hình chuyển đổi số trong trường đại học tại Việt Nam và nước ngoài. Chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số trong đào tạo, ứng dụng công nghệ số trong quản trị trường đại học và phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm trong bối cảnh chuyển đổi số của các trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; Học viện Ngân hàng, Đại học Thủy Lợi.

  

Các diễn giả đến từ các trường đại học chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực chuyển đổi số tại Hội thảo

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản. Hưởng ứng chiến lược chuyển đổi số quốc gia đồng thời tích cực đóng góp một phần nhỏ vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong GDĐT, hội thảo “Chuyển đổi số trong trường đại học” được Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm góp phần cụ thể hóa những bước đi nền tảng trong chiến dịch chuyển đổi số để đào tạo sinh viên Học viện trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai.

Với các chuyên đề được trình bày tại hội thảo và quá trình trao đổi, thảo luận của khách mời tham dự đã hình thành bức tranh tổng thể về cơ hội, thách thức, yêu cầu của mô hình chuyển đổi số trong trường đại học. Hi vọng rằng, trên cơ sở đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tận dụng những nền tảng hiện có, nghiên cứu và thực hiện lộ trình phù hợp để từng bước đạt mục tiêu chuyển đổi số một cách hiệu quả, toàn diện, kịp thời, đem đến những lợi ích tối ưu cho người dạy và người học trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.