Hội thảo có sự tham dự của gần 80 đại biểu là đại diện của Viện FES, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các trường đại học, viện nghiên cứu, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và giảng viên, sinh viên Học viện; các đơn vị báo chí, truyền thông. 

TS.Trần Quang Tiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc đã khẳng định “Trong những năm qua, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức rất nhiều các hội thảo khoa học liên quan đến bình đẳng giới, phát triển kinh tế, kinh doanh, công tác phụ nữ cũng như các chủ đề khoa học xã hội khác nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức hội thảo khoa học chuyên sâu về lĩnh vực luật pháp, về quyền của phụ nữ trong tham chính. Vì vậy tại hội thảo này, bên cạnh việc chia sẻ các kết quả nghiên cứu, các kinh nghiệm thực tiễn về chủ đề hội thảo, rất mong các nhà khoa học và quý vị đại biểu sẽ đóng góp ý kiến, gợi ý thêm những vấn đề khoa học và thực tiễn mà Học viện cần quan tâm tiếp theo”. Đồng thời, thể hiện sự cảm ơn Viện FES, các chuyên gia tư vấn, các nhà khoa học đã đã đồng hành, hỗ trợ và tích cực tham gia vào quá tình chuẩn bị và tổ chức hội thảo.

 TS. Lương Văn Tuấn, Phó Trưởng khoa Luật đã trình bày báo cáo đề dẫn hội thảo với nhiều thông tin về sự tham gia quản lý, lãnh đạo của phụ nữ và tổng hợp thông tin 50 bài viết khoa học của các báo cáo viên, sau phản biện độc lập đã lựa chọn 32 bài thể hiện trong Kỷ yếu hội thảo.

 TS. Trần Quang Tiến,  GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, nguyên Phó chủ nhiệm Khoa Luật, Đại Học Quốc gia Hà Nội và PGS.TS Nguyễn Thị Báo, Giảng viên Cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật,  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh điều hành hội thảo

Trong khuôn khổ thời gian, hội thảo đã nghe 04 báo cáo viên chia sẻ thông tin về hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ ở Việt Nam hiện nay (TS. Vương Thị Hanh, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW); về quy định pháp luật Việt Nam về tuổi nghỉ hưu tác động đến quyền tham chính của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay (PGS.TS. Lê Thị Hoài Thu, Trưởng bộ môn Pháp luật kinh tế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia, Hà Nội); rào cản và giải pháp phát huy vai trò của nữ trí thức Việt Nam trong sự nghiệp bình đẳng giới (PGS.TS Nguyễn Thị Báo, Giảng viên Cao cấp, Viện Nhà nước và Pháp luật,  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh); tham chính của phụ nữ thế giới và Việt Nam (GS.TS Nguyễn Đăng Dung, Giảng viên cao cấp, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội).

 Sau phần trình bày tham luận, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung được trình bày và các vấn đề về chính sách pháp luật, chỉ tiêu tham chính, hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, bầu cử và quyền bầu cử của phụ nữ, phụ nữ tham chính trong các lĩnh vực: kinh tế, lập pháp, xây dựng… Phần thảo luận của các đại biểu đã đem lại góc nhìn bao quát và khá toàn diện về vấn đề phụ nữ tham chính và những cơ hội, thách thức của họ đồng thời các đại biểu cũng chia sẻ, góp ý về các khuyến nghị, đề xuất giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ tham chính tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

  Hội thảo khoa học quốc gia Bảo đảm quyền tham chính của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay đã diễn ra trong không khí học thuật thẳng thắn thể hiện sự trăn trở và tâm huyết của các nhà khoa học. Hội thảo gợi mở thêm các chủ đề về Bình đẳng giới; Lãnh đạo nữ; Giới trong các chính sách về phụ nữ…cho những năm tiếp theo.