Hội thảo được tổ chức nhằm Trao đổi, chia sẻ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học về sự thay đổi, thích ứng và các vấn đề giới trong bối cảnh di cư quốc tế và đa văn hóa diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a và một số quốc gia khác. Từ đó, đề xuất các giải pháp hạn chế những mặt trái của di cư, tăng cường sự thích ứng của người di cư trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tham dự hội thảo có các học giả, các đại biểu đến từ Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc, Băng-la-đét, Uzbekistan, Tây Ban Nha, Ấn Độ và một số nước khác; các học giả, các đại biểu đại diện một số Bộ và cơ quan ngang Bộ; Đại diện Thường trực Đoàn Chủ tịch và đại diện lãnh đạo các ban, đơn vị TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội; Trung tâm Nghiên cứu Giới và Lãnh đạo – Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển…; các trường đại học, các tổ chức JICA, World Bank, UNDP, UN Women, Action Aid, Care, Oxfam…; các đại sứ quán; và đại diện một số cơ quan báo đài.

Sau hai tháng công bố tiếp nhận báo cáo khoa học cho Hội thảo, ban tổ chức đã nhận được trên 50 bài báo khoa học. Qua quá trình phản biện độc lập, 30 báo cáo khoa học quốc tế và trong nước đã được chọn đăng tại Kỷ yếu của Hội thảo, được viết bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Hàn Quốc. Điều này là minh chứng rõ rệt nhất về sức hút, sự hấp dẫn của chủ đề hội thảo đối với các nhà khoa học ở trong và ngoài nước.

Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề lý luận và thực tiễn về di cư và đa văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhìn từ tiếp cận giới và phát triển bền vững, tập trung vào bốn mảng nội dung được hai bên đối tác thống nhất: (1) Di cư và Phát triển bền vững, (2) Di cư và các vấn đề Giới, (3) Di cư và văn hóa, (4) Di cư, chính sách và các vấn đề liên quan khác.

Tại hội thảo, 10 báo cáo được lựa chọn trình bày tại hội thảo đã trình bày về các vấn đề nổi bật về chủ đề Di cư và đa văn hóa. Các vấn đề lý luận và thực tiễn về di cư và đa văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhìn từ khía cạnh giới và phát triển bền vững được thảo luận sôi nổi tại hội thảo. Các nội dung trình bày: Xu hướng nữ hóa trong lao động di cư giúp việc người Indonesia; Di cư quốc tế và sốc văn hóa; Khủng khoảng di cư và tác động tới các quốc gia Châu Âu; Ý nghĩa và ảnh hưởng của các mối quan hệ gia đình xuyên quốc gia; Di cư và cư trú điện tử…được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận. Thông qua đó, các đại biểu trong và ngoài nước cùng đề xuất các giải pháp hạn chế những mặt trái của di cư, tăng cường sự thích ứng của người di cư trong quá trình hội nhập quốc tế.

Việc phối hợp tổ chức hội thảo Khoa học quốc tế “Di cư và Đa văn hóa: Sự thay đổi, thích ứng và các vấn đề giới” giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam và Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc chính là nền tảng để xây dựng một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa 2 tổ chức, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc. Trong thời gian sắp tới, Học viện Phụ nữ Việt Nam và đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc sẽ xúc tiến nhiều dự định hợp tác toàn diện cả về giáo dục và nghiên cứu khoa học. Hai bên đã sơ bộ thống nhất các điều khoản chung và sẽ nhanh chóng ký thỏa thuận hợp tác 5 năm giữa hai trường.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm