Bà Marieke Walraven, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan phát biểu tại tọa đàm

Đặc biệt, tọa đàm là hoạt động thiết thực chào mừng 10 năm thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam (2012-2022), hơn 60 năm truyền thống vẻ vang của Học viện và tròn 7 năm thành lập khoa Giới và Phát triển(2015) – một hành trình tuy chưa dài nhưng đầy tự hào và ý nghĩa với  Khoa Giới và Phát triển nói riêng, với toàn xã hội nói chung.

Toạ đàm cũng có sự tham gia và trình bày của các chuyên gia giới và các nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực giới, phụ nữ, và phát triển: Bà Marieke Walraven, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan, TS. Dương Kim Anh, Phó giám đốc Học viện, Trưởng Khoa Giới và Phát triển,  GS.TS Trịnh Duy Luân, GS. Lê Thị Quý, TS. Nguyễn Sỹ Linh, bà Nguyễn Phương Thuý, chuyên gia giới, Ths. Nguyễn Hoàng Phương- Bí thư đoàn thanh niên Học viện, cùng nhiều giảng viên, nghiên cứu viên, các em sinh viên khoa Giới và Phát triển, sinh viên các ngành học khác của Học viện Phụ nữ Việt Nam, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội, cùng các bậc phụ huynh các em học sinh quan tâm.

Lựa chọn giới tính khi sinh là vấn đề giới cần tập trung can thiệp

Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, so với tỷ số ‘tự nhiên’ là 105-106 bé trai trên 100 bé gái. Với tỷ lệ này, Việt Nam có tỷ lệ giới tính khi sinh cao thứ ba trên thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái không có cơ hội chào đời vì giới tính của mình.

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Quản lý Dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam”, tổ chức Oxfam tại Việt Nam

Bà Nguyễn Phương Thúy, chuyên gia tư vấn về giới  chia sẻ dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa khoảng 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi. Đến năm 2059, sẽ là 2,5 triệu, chiếm khoảng 9,5% dân số nam giới trên cả nước. Theo bà Thúy, “mất cân bằng về nhân khẩu học ở Việt Nam sẽ để lại những tác động lâu dài, ảnh hưởng đến cấu trúc tuổi và giới tính, lực lượng lao động và nền kinh tế. Số bé trai sinh ra nhiều hơn mức bình thường, dẫn đến dư thừa trẻ em trai và nam giới. Điều này ảnh hưởng đến cấu trúc hôn nhân trong khu vực. Sự thiếu hụt các cô dâu tương lai sẽ đặt sức ép kết hôn lên người phụ nữ. Đồng thời, có thể làm gia tăng các hình thức bạo lực giới” – bà Thúy nhìn nhận.

Bất bình đẳng giới và những định kiến ăn sâu bám rễ là nguyên nhân gốc rễ của lựa chọn giới tính khi sinh

Phát biểu tại tọa đàm, TS Dương Kim Anh-– Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết: Định kiến giới chính là các phân biệt đối xử mang tính lịch sử ngăn cản sự phát triển đầy đủ của con người, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Có thể nói, lựa chọn giới tính khi sinh chính là một trong những hệ lụy của định kiến giới. Việc lựa chọn giới tính khi sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc gây hệ lụy nghiêm trọng đến đời sống gia đình và xã hội. Vì thế, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, cần xóa bỏ các định kiến giới, không phân biệt đối xử theo giới không lựa chọn giới tính thai nhi.

GS.TS Trịnh Duy Luân – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có bài trình bày “Một số yếu tố tác động đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay” trong đó ông nhấn mạnh đến định kiến giới, tư tưởng ưa thích con trai, sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, các yếu tố nhân khẩu học như vùng miền, trình độ giáo dục… làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam.

Các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận tại tọa đàm

Cần có những giải pháp toàn diện để giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh

Thông qua buổi tọa đàm, các chuyên gia một lần nữa nhấn mạnh rằng: Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần có giải pháp toàn diện. Một trong những giải pháp thiết thực là cần tránh phá thai vì mục đích lựa chọn giới tính không siêu âm hay chẩn đoán thai nhi trước khi sinh vì mục đích lựa chọn giới tính không tư vấn lựa chọn giới tính trước khi mang thai. Đặc biệt, cần thay đổi định kiến giới, định kiến xã hội về việc phải có con trai nối dõi tông đường giảm áp lực cho phụ nữ khi mang thai.

Giảm thiểu định kiến giới, giảm thiểu lựa chọn giới tính khi sinh là trách nhiệm của mọi cá nhân, gia đình và xã hội. Trong đó, không thể không kể đến vai trò tiên phong, xung kích của thanh niên, sinh viên. Đây cũng chính là giá trị nhân văn, giá trị bền vững mà Dự án “Thanh niên tham gia thay đổi định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam” mang lại cho xã hội. Trong những năm vừa qua, Đoàn Thanh niên Học Viện Phụ Nữ Việt Nam và Câu lạc bộ Thanh niên Hành động về Bình Đẳng Giới và Phát triển bền vững khởi xướng bởi sinh viên Khoa Giới và phát triển đã thực hiện nhiều hoạt động sáng tạo và ý nghĩa dành cho thanh niên, sinh viên học viện và cộng đồng.

Thúc đẩy đào tạo về Giới và Phát triển là một phần của giải pháp

Khoa Giới và Phát triển, Học Viện Phụ Nữ Việt Nam là nơi đầu tiên và duy nhất đào tạo cử nhân ngành giới và phát triển. Trải qua 7 năm phát triển, 4 khoá sinh viên của khoa đã ra trường và làm việc ở nhiều cơ quan tổ chức, tăng cường đội ngũ nhân lực để thúc đẩy bình đẳng giới. Bên cạnh đó Khoa  đã tổ chức được hàng trăm khoá đào tạo ngắn hạn về bình đẳng giới –  phát triển con người – vì sự tiến bộ của xã hội cho nhiều lượt học viên là cán bộ trung ương và địa phương, các bộ/sở/ngành, cán bộ nữ, giảng viên, giáo viên,  sinh viên,  trẻ em nam – nữ, và người lao động trên cả nước. Nâng cao đội ngũ nhân lực và nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới cũng là một phần giải pháp hóa giải vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh.

Toạ đàm là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa với giảng viên, sinh viên Khoa Giới và Phát triển và học viện cùng các đối tác để kỷ niệm chặng đường 7 năm xây dựng và phát triển, chào mừng 10 năm thành lập Học Viện Phụ nữ Việt Nam và chào mừng hơn 60 sinh viên nhập học Ngành Giới và Phát triển năm học 2022-2023. Toạ đàm cũng đánh dấu những nỗ lực của giảng viên, sinh viên khoa trong những năm vừa qua để tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tựu, tiếp tục thực hiện mục tiêu và cam kết hành động vì bình đẳng giới, đa dạng, hoà nhập và phát triển bền vững.